Sau khi kiểm soát được chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng, TPHCM đã phát hiện nhiều ổ dịch mới chưa rõ nguồn lây. Đây là điều đáng lo nhất của thành phố.
Từ khi kéo dài lệnh giãn cách xã hội (15-6), trung bình, số ca mắc Covid-19 trong ngày tại TPHCM là hơn 100 người. Đỉnh điểm, ngày 18-6, số bệnh nhân mới là 149 - con số cao nhất từ khi dịch xâm nhập thành phố cho đến nay.
Chia sẻ với Zing, PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), nhận định số ca mắc Covid-19 tại TPHCM vẫn tăng cao do địa bàn phức tạp, đông dân cư, giao thương, đi lại nhiều. Ông đề xuất TPHCM cần triển khai 3 biện pháp mới để dập dịch.
Người dân tự mua kit test nhanh Covid-19
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM: "Hiện nay, chùm ca bệnh đã 4-5 chu kỳ, có trường hợp ta truy vết thì phát hiện F3. Chính vì vậy, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC) đang hướng tới ngoài xét nghiệm F2 thì F3 cũng được xét nghiệm và cách ly tại nhà”.
Với chiến lược đó, báo cáo từ HCDC cho thấy từ ngày 26-5 đến hết ngày 17-6, ngành y tế đã lấy 628.127 mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, hơn 50.000 mẫu đang chờ kết quả. Đây là con số khổng lồ và cũng cho thấy gánh nặng mà ngành y tế thành phố đang phải chịu.
Trên thực tế, việc người dân tự mua kit test xét nghiệm Covid-19 không còn xa lại với nhiều quốc gia. Thậm chí, đây còn là giải pháp được sử dụng rộng rãi khi số người liên quan các F0 tăng vọt.
Tại Nhật Bản, theo Kyodo, các máy bán kit test được đặt ở nhiều nơi như trạm xe, BTS, ga tàu, siêu thị… Người dân có thể mua nó tại các máy bán tự động, thuận tiện và không phải chờ đợi.
Mỗi bộ kit có thể xét nghiệm 10 mẫu máu, giá 25.000 yen (chưa thuế), tương đương 235 USD (khoảng 5,5 triệu đồng). Bộ kit này hoạt động trên nguyên tắc dùng một mẫu máu nhỏ và chất thử, sẽ cho kết quả trong 15 phút, nhanh hơn nhiều so với thời gian cần thiết để làm xét nghiệm rRT-PCR.
Tương tự, tại Cộng hòa Séc, các bộ xét nghiệm Covid-19 có thể mua dễ dàng ở các hiệu thuốc. Đây là các xét nghiệm kháng nguyên, gồm một bộ tăm bông ngoáy và cho kết quả sau 15 phút.
Người dân tự làm xét nghiệm tại nhà, nếu kết quả dương tính, họ sẽ gọi đường dây nóng và được nhân viên y tế hỗ trợ tiếp các thủ tục nhập viện hoặc tự điều trị. Mức giá cho mỗi bộ test thử một lần là 99 CZK (tương đương 106.000 đồng), combo 5 lần là 495 CZK (khoảng 531.000 đồng).
Cách ly F1 tại nhà
Số lượng F1 tỷ lệ thuận với lượng F0 được truy vết. Việc cách ly tập trung F1 là điều giúp ngăn chặn vòng lây lan của virus, tránh để dịch bệnh tiếp tục xâm nhập cộng đồng. Tuy nhiên, khi số F1 tăng chóng mặt, đó là gánh nặng cho ngành y tế và áp lực với kinh tế, người dân.
“Cách ly F1 tại nhà là một cách sống chung an toàn với Covid-19 trong điều kiện bình thường mới”, ông Nhung nói. Ở giai đoạn đầu, người dân chưa hiểu biết nhiều về dịch, số lượng bệnh nhân thấp nên F1 chưa cao. Do đó, cách ly tập trung là phù hợp.
Hiện nay, chúng ta có hiểu biết về dịch và cách thức chung sống an toàn với dịch. “Tình hình bây giờ đã khác, chúng ta không thể cắt đứt hoàn toàn dịch bệnh như các đợt bùng phát trước đây. Số lượng người phải cách ly lại quá đông. Do đó, việc cách ly F1 tại nhà khi đủ điều kiện rất cần thiết, song song với cách ly tập trung”, PGS Nhung kiến nghị.
Tuy nhiên, vị chuyên gia khuyến cáo quá trình thực hiện cần giám sát kỹ, đảm bảo không lây nhiễm sang người khác. Bên cạnh đó, không phải tất cả F1 đều được cách ly tại nhà. F1 cần được phân loại rất kỹ. Những người tiếp xúc rất gần và có nguy cơ cao vẫn phải cách ly tập trung. Người tiếp xúc ở khoảng cách xa có thể cách ly tại nhà.
Tại Singapore, giới chức y tế kết hợp cả cách ly tại nhà và cách ly tập trung cho F1. Nhân viên y tế phụ trách sẽ đánh giá nơi lưu trú có phù hợp để cách ly hay không. Yêu cầu khi cách ly tại nhà là đảm bảo môi trường thông thoáng, tách biệt, hạn chế tiếp xúc.
Người cách ly sẽ được giám sát bằng cách gọi điện trực tuyến (video call) với nhân viên y tế ít nhất 3 lần một ngày, báo cáo về tình hình sức khỏe hoặc yêu cầu hỗ trợ. Singapore nghiêm cấm F1 rời nơi lưu trú trong thời gian cách ly tại nhà. Cơ quan chức năng sẽ kiểm tra đột xuất nhằm đảm bảo tuân thủ quy định. Nếu vi phạm, người cách ly sẽ phải mang thêm thiết bị giám sát điện tử.
Tương tự tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), F1 nguy cơ cao được lựa chọn cách ly tại nhà hoặc đến bệnh viện, khách sạn do chính phủ quản lý. Thời gian cách ly tại nhà là 14 ngày.
Tại Ấn Độ, do số ca mắc Covid-19 và F1 cao kỷ lục, ngành y tế áp dụng cách ly tại nhà với F1 và điều trị tại nhà với F0 không có triệu chứng nặng.
Tại Mỹ, theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), tất cả F1 sau khi tiếp xúc nguồn lây nhiễm đều nên ở nhà, tự cách ly với người thân và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày. Ngoài ra, thời gian cách ly có thể điều chỉnh rút ngắn xuống còn 10 hoặc 7 ngày nếu F1 có kết quả xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, người dân vẫn cần theo dõi triệu chứng đủ 14 ngày.
Đặc biệt, người đã tiêm vaccine có thể không phải cách ly sau khi tiếp xúc F0. Điều kiện là F1 không có triệu chứng bệnh.
F0 không nhất định phải điều trị tại viện
Theo PGS Nhung, nếu cách ly F1 tại nhà phát huy hiệu quả, F0 cũng có thể điều trị tại nhà. Hiện tại, 70-80% bệnh nhân Covid-19 nhẹ hoặc không triệu chứng. Do đó, chúng ta có thể phân tán F0.
Việc điều trị F0 nhẹ, không triệu chứng tại nhà là biện pháp quen thuộc ở nhiều quốc gia. Tại Campuchia, giới chức y tế áp dụng từ tháng 4. Đây là một trong những biện pháp giúp giảm tải cho các bệnh viện nhà nước, trong bối cảnh lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao.
Tại Mỹ, CDC hướng dẫn người thân nếu F0 đang điều trị tại nhà có triệu chứng khó thở, đau dai dẳng hoặc áp lực lớn ở ngực, lú lẫn, da, môi hoặc móng tay nhợt nhạt, xám, xanh lam, cần liên hệ ngay với nhân viên y tế để được hỗ trợ.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo khi điều trị tại nhà F0 nên uống nhiều nước, vitamin, tuân thủ biện pháp phòng dịch, không tiếp xúc người khác và luôn mang theo điện thoại đề phòng khi cần trợ giúp.
Từ ngày 27-4 đến nay, TPHCM ghi nhận tổng cộng, 1.346 ca mắc mới, cao thứ 3 cả nước, sau hai ổ dịch khu công nghiệp là Bắc Giang và Bắc Ninh. Hiện tại, ổ dịch liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng về cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, thành phố đang bước vào giai đoạn căng thẳng mới với hàng loạt F0 lang thang, chùm ca bệnh không rõ nguồn lây.
Trước tình hình đó, lãnh đạo TPHCM quyết định giãn cách xã hội thêm hai tuần từ 0h ngày 15-5. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, hai tuần kéo dài lệnh giãn cách vừa là thách thức và cơ hội với thành phố nhưng có hai chiều.
Nếu người dân không tận dụng được 2 tuần này, cơ hội đó sẽ qua và chúng ta sẽ vất vả hơn nhiều để kiểm soát dịch.