(ĐTTCO) - Trong khi phương Tây dần mở cửa nhờ chương trình tiêm chủng hiệu quả, các quốc gia châu Á lại đối mặt với những đợt bùng phát dịch bệnh nghiêm trọng.
Theo The New York Times, trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các quốc gia từng trở thành hình mẫu trong cuộc chiến chống Covid-19 giờ đây lại đang vật lộn để thoát khỏi đại dịch.
Trong khi đó, tại Mỹ - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19 suốt năm 2020, nhiều người dân bắt đầu đổ đến các sân vận động xem hòa nhạc và thể thao, đi nghỉ hè và du lịch, vì đã được tiêm vaccine đầy đủ.
Ở miền Nam Trung Quốc, biến thể Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ lây lan nhanh chóng khiến Quảng Châu bị phong tỏa.
Gần đây, Đài Loan, Thái Lan và Úc cũng tạm thời kiểm soát các đợt bùng phát. Trong khi đó, Nhật cũng đang trải qua làn sóng đại dịch thứ 4, gây lo ngại về một cuộc khủng hoảng trước thềm Olympic 2021.
Vậy nguyên nhân từ đâu mà người dân châu Á lại bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến chống Covid-19?
Giáo sư Benjamin Cowling tại Trường Y tế Công cộng của Đại học Hồng Kông cho biết: Nhiều chính phủ châu Á gặp vấn đề trong việc đảm bảo vaccine. Bên cạnh đó, thành công ban đầu trong việc ngăn chặn Covid-19 ở châu Á có thể khiến mọi người xem việc tiêm chủng ít khẩn cấp hơn.
Dù mỗi quốc gia phải đối mặt với tình hình cụ thể khác nhau, nhìn chung vấn đề đều bắt nguồn từ sự thiếu hụt nguồn cung vaccine Covid-19.
Không đầu tư vào chương trình tiêm chủng
Châu Á- Thái Bình Dương đang phải vật lộn để tiêm chủng cho dân số của mình khi các ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh với mức kỷ lục ở nhiều nơi trong khu vực.
Tại một số quốc gia như Đài Loan và Thái Lan, các chiến dịch tiêm chủng được tiến hành tương đối chậm. Các quốc gia khác, như Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Úc, đẩy mạnh tiêm chủng trong những tuần gần đây, nhưng vẫn chưa tiêm đủ vaccine cho người dân.
Tính đến cuối tháng 4, với 1,1% người dân được tiêm vaccine COVID-19, Nhật đang tụt hậu so với các nước phát triển về tốc độ tiêm chủng. Ảnh: AFP.
Trong khi người Mỹ đã mở cửa hoàn toàn tại một số bang sau khoảng thời gian u ám vì đại dịch, khoảng 4,6 tỷ người châu Á có thể sẽ phải trải qua năm 2021 không mấy khả quan so với năm ngoái. Thậm chí, nhiều rủi ro có thể đang chực chờ trong năm nay.
Tất cả bắt nguồn từ nhiều tháng trước, khi đại dịch chưa diễn biến quá phức tạp như hiện nay. Bắt đầu từ mùa xuân 2020, Mỹ và một số quốc gia ở châu Âu đặt cược vào vaccine Covid-19. Họ nhanh chóng phê duyệt và chi hàng tỷ USD để sớm có được những lô vaccine đầu tiên.
Nhu cầu vaccine càng trở nên cấp thiết khi chỉ riêng tại Mỹ, vào giai đoạn cao điểm của đợt bùng phát, hàng nghìn người tử vong mỗi ngày vì Covid-19.
Cùng thời điểm, ở Úc, Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan, tỷ lệ lây nhiễm và tử vong ở mức tương đối thấp. Những nước này áp đặt quy định kiểm dịch nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới và tích cực truy vết các ca nghi nhiễm.
Một bác sĩ đi ngang qua biểu ngữ thông báo về một đợt tiêm chủng COVID-19 ở Hyderabad, Ấn Độ vào ngày 28-5-2021. Ảnh: AFP.
Do việc kiểm soát dịch bệnh tương đối thành công và khả năng phát triển vaccine có hạn, nhiều chính phủ thuộc châu Á – Thái Bình Dương không đầu tư nhiều vào kế hoạch tiêm chủng.
Phó giáo sư C. Jason Wang tại Đại học Y khoa Stanford cho biết: “Nhận thức của công chúng về mối đe dọa tương đối thấp, trong khi các chính phủ dựa vào nhận thức của công chúng để phản ứng trước mối đe dọa từ đại dịch".
“Đóng cửa biên giới cũng là một trong những chiến lược đối phó với đại dịch. Nhưng để chấm dứt nó, bạn cần cả chiến lược phòng thủ và tấn công. Và chiến lược tấn công ở đây là vaccine", ông C. Jason Wang nói thêm.
Đầu năm nay, hàng loạt quốc gia thông báo ký hợp đồng mua vaccine với các nhà sản xuất, nhưng số lô hàng được chuyển giao trên thực tế vẫn rất ít. Hồi tháng 3, Ý ngăn xuất khẩu 250.000 liều vaccine AstraZeneca, nhằm ưu tiên cho việc kiểm soát dịch bệnh đang hoành hành trong nước. Các lô hàng khác cũng bị trì hoãn phân phối vì một số vấn đề liên quan trong khâu sản xuất.
Bác sĩ kiêm giáo sư vi sinh Peter Collignon tại Đại học Quốc gia Úc nhận định: "Thực tế là những quốc gia sản xuất vaccine đang giữ lại cho chính nước họ".
Covid-19 khó bị đánh bại trong năm nay
Các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương đã tiêm chung khoảng 23,8 liều vaccine COVID-19 trên 100 người. Con số này thấp hơn nhiều so với khoảng 61,4 liều trên 100 người của Bắc Mỹ và 48,5 liều trên 100 người của Châu Âu. Ảnh: Our World in Data tính đến ngày 1-6.
Giờ đây, hố sâu ngăn cách giữa chương trình tiêm chủng của Mỹ, châu Âu với châu Á ngày càng bị nới rộng.
Ở châu Á, khoảng 20% người dân được tiêm ít nhất một liều vaccine. Tại Nhật, con số này là 14%, trong khi ở Pháp là 45%, ở Mỹ là hơn 50% và ở Anh là hơn 60%.
Một số quốc gia châu Á đang tích cực thúc đẩy chương trình tiêm chủng để chấm dứt đại dịch. Trung Quốc, nơi bùng phát dịch Covid-19, tiêm 22 triệu mũi vaccine cho người dân vào ngày 2-6. Tính đến nay, Trung Quốc đã tiêm gần 900 triệu liều trên tổng số 1,4 tỷ dân.
Nhật cũng bắt đầu mở rộng đối tượng được tiêm vaccine Covid-19, ngoài các nhân viên y tế. Chính phủ nước này cũng lập các trung tâm tiêm chủng lớn ở Tokyo và Osaka, triển khai chương trình tiêm chủng đến các doanh nghiệp và trường học.
Nhân viên y tế đến phun khử trùng một nhà dân ở Bangkok, Thái Lan vào tháng 5. Ảnh: The New York Times.
Theo Thủ tướng Yoshihide Suga, dự kiến đến tháng 11, tất cả người trưởng thành ở Nhật sẽ được tiêm vaccine Covid-19.
Đài Loan cũng đẩy mạnh chương trình tiêm chủng với khoảng 1,2 triệu liều vaccine AstraZeneca do chính phủ Nhật tài trợ. Nhưng số vaccine mà nơi này nhận được cho tới nay cũng chỉ đủ để tiêm cho chưa đầy 10% dân số.
Do chưa thể kiểm soát đại dịch bằng vaccine, các nước châu Á vẫn chưa thể quay trở về trạng thái bình thường. Úc gần như phải đóng cửa biên giới trong một năm nữa. Nhật cũng đang cấm khách du lịch nước ngoài nhập cảnh.
Cho tới nay, cách các quốc gia châu Á phản ứng với các đợt bùng phát vẫn không khác gì nhiều so với trước đó.
Người dân xếp hàng chờ được xét nghiệm COVID-19 ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc, giữa đợt bùng dịch hồi tháng 5. Ảnh: AP.
Trong khi đó, các kho bảo quản vaccine đang phải chạy đua với thời gian, vì vaccine cần được sử dụng trước khi hết hạn. Indonesia cảnh báo người dân sẽ bị phạt khoảng 450 USD nếu từ chối tiêm vaccine. Tại Hồng Kông, các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đang áp dụng một loạt các biện pháp để khiến nhân viên bớt do dự trong việc tiêm vaccine.
Với tình hình hiện nay, có lẽ đến hết năm, Covid-19 vẫn chưa thể bị đánh bại ở châu Á và trở lại cuộc sống bình thường.
Việc mở cửa kinh tế rộng rãi hơn ở phương Tây được xây dựng dựa trên việc triển khai vaccine nhanh hơn nhiều, đặc biệt Mỹ và EU, có thể làm tăng thêm sự khác biệt, khiến châu Á trông mong manh hơn trên con đường phục hồi và là một lựa chọn kém thuận lợi hơn cho đầu tư.