Bà má trong chiến tranh, bà mẹ trong hòa bình

(ĐTTCO) - Nhiều người biết đến Thượng tướng NGUYỄN HUY HIỆU, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, một vị tướng của công tác đối ngoại quốc phòng thời bình, bởi chính ông góp phần vào tiến trình bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ.

Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972.
Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu ở chiến trường Quảng Trị năm 1972.

Nhưng nhiều người vẫn chưa biết tên tuổi của ông gắn liền với những trận đánh lớn mang tính bước ngoặt trong kháng chiến chống Mỹ: Chiến trường Quảng Trị, Khe Sanh - Đường 9 Nam Lào, trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Ông được phong tướng ở tuổi 40 - là vị tướng trẻ tuổi nhất khi ấy, trưởng thành từ kháng chiến chống Mỹ.

Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, phóng viên Báo ĐTTC đã có cơ duyên ngồi nghe Thượng tướng kể chuyện. Một vị tướng còn có biệt danh “vị tướng chống thiên tai”, vì ông từng với vai trò Chủ tịch Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, với những “trận đánh” không kém phần ác liệt khi chống chọi với thiên tai, bão lũ.

Từ bà má miền Nam góp sức cho “đại thắng mùa Xuân”

Phòng làm việc của ông nằm trên phố Trấn Vũ (quận Ba Đình, Hà Nội), trong một không gian tĩnh lặng và bình yên hiếm có giữa thủ đô. Căn phòng nhỏ nhưng rất nhiều sách và những bức ảnh kỷ niệm. Dường như ông trẻ hơn so với tuổi đã gần 80. Nụ cười tươi, giọng nói sang sảng, ông pha trà mời khách.

Và câu chuyện của vị tướng trận bên ấm trà về chuyện trận mạc, chuyện đối ngoại, chuyện giữa đời thường… dường như là mạch dài vô tận chưa có hồi kết.

IMG_20240409_135454.jpg
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tiếp phóng viên ĐTTC tại nhà riêng.

Trong câu chuyện hồi tưởng của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, hình ảnh người mẹ luôn được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Người mẹ vừa là kỷ niệm, vừa là biểu tượng thiêng liêng, và cũng vừa là cầu nối cho bình thường hóa quan hệ quốc tế.

Đầu tiên là hình ảnh bà má miền Nam. Đã bao nhiêu năm trôi qua, nhưng hình ảnh một bà má miền Nam gầy guộc, mảnh dẻ trong căn nhà le lói ánh đèn dầu cùng tấm bản đồ vẫn không khiến ông nguôi nhớ.

Ông kể, ngày ấy chỉ cách ngày 30-4-1975 có 2 ngày, toàn mặt trận thực hiện mệnh lệnh của Tổng Tư lệnh - Đại tướng Võ Nguyên Giáp (lúc đó ký tên Anh Văn) với phương châm khẩu hiệu: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa”, “Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới miền Nam, quyết chiến và toàn thắng”.

Các chiến sĩ quân giải phóng và mọi người đều tràn đầy niềm tin. Khi đó, tướng Hiệu là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn I, là một trong 5 cánh quân nhận nhiệm vụ theo trục đường 13, tiêu diệt tuyến tử thủ của địch ở Lái Thiêu. Đây là trận đánh hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định cho Sư đoàn, nên đánh chiếm mục tiêu chủ yếu là Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn. Vì vậy bằng mọi giá Trung đoàn 27 phải tiến công theo đúng kế hoạch.

Đêm 28-4, Tân Uyên được giải phóng, ngày 29, trung đoàn đã chuẩn bị tấn công Lái Thiêu nhưng gặp vô cùng khó khăn. “Thời gian tính bằng giây, bằng phút. Trong chiếc nhà bạt căng tạm giữa rừng cao su làm sở chỉ huy trung đoàn, không gian như đặc quánh lại. Đã ba, bốn ngày, cả trung đoàn không ai có hạt cơm nào vào bụng mà chỉ ăn lương khô và gạo rang. Các vấn đề khó khăn bức thiết cần giải quyết ngay, đó là bộ binh thiếu đạn hỏa lực B40, B41, tình hình địch trong quận lỵ Lái Thiêu chưa nắm được cụ thể, nên tôi quyết định cùng một số anh em, đồng đội trinh sát vào thị trấn, dựa vào dân để nắm địch”- tướng Hiệu kể.

A1.jpg
Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu ở chiến trường Quảng Trị năm 1970.

Đêm tối đen như mực, tướng Hiệu cùng Chính ủy Trịnh Văn Thư và một tổ trinh sát bám vào hàng cây bên đường để đi về phía quận lỵ. Khi đến gần nghĩa địa của khu Búng, ánh đèn le lói phát ra từ một ngôi nhà lụp xụp thu hút sự chú ý của tướng Hiệu. Có thể đây chính là căn cứ liên lạc của quân ta.

Tướng Hiệu kể: Tôi cử 3 trinh sát vào bắt liên lạc, phát tín hiệu “Hồ Chí Minh”, trong ngôi nhà có tiếng vọng ra “Muôn năm”, chúng tôi mừng khôn xiết, đúng là cơ sở cách mạng của mình, một bà má mở cửa bước ra, liền đưa chúng tôi vào nhà. Một bà má miền Nam tóc điểm bạc, đeo kính giơ cao chiếc đèn nhìn chúng tôi. Má xúc động cầm tay từng người giục vào nhà”.

Đó là má Sáu Ngẫu. Trước đây má là giáo viên, chồng của má tên Đinh Quang Kỳ (quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh). Ông Kỳ theo đoàn quân Nam tiến vào năm 1945 và hy sinh năm 1968 trong một lần đi làm nhiệm vụ. Dưới ánh đèn dầu, tướng Hiệu đưa tấm bản đồ chỉ huy đặt lên bàn.

Má đeo kính nhìn rồi bảo: “Má không rành tấm bản đồ này”. Rồi vào buồng lấy ra một bọc giấy báo, trải tờ giấy ố vàng lên mặt bàn. Đó chính là bản đồ đô thành Sài Gòn, vật kỷ niệm của chồng má. Khi chồng má hy sinh, má Sáu Ngẫu vẫn giữ được tấm sơ đồ, và cứ mỗi lần có sự thay đổi về phạm vi, lực lượng… má lại vẽ bổ sung trên toàn tuyến phòng thủ từ chi khu Lái Thiêu vào Sài Gòn.

“Bên cạnh nét mực đã mờ trên tấm bản đồ là những đường chì nhìn còn vụng về nhưng tỉ mỉ, chính xác. Mười bốn năm trời âm thầm, má đã cần mẫn thay chồng, thay các chiến sĩ du kích Lái Thiêu đã hy sinh và đang bị cầm tù, má nắm tình hình địch và ghi vào bản đồ với tất cả niềm tin chiến thắng”- tướng Hiệu hồi tưởng lại.

“Đây là vị trí trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Nơi này kẻ địch tập trung gần 2.000 lính. Bọn này án binh bất động, tinh thần rệu rã lắm rồi. Các con không nên đánh mà nên kêu gọi bọn chúng ra hàng”- má Sáu nói và với sự chỉ dẫn của má, của tấm bản đồ, Trung đoàn theo trục đường 13 vào Lái Thiêu, kêu gọi đầu hàng trung tâm huấn luyện Huỳnh Văn Lương. Sau ít phút nổ súng, Đại tá Nguyễn Văn Hinh, Chỉ huy trưởng và 2.000 học viên hạ sĩ quan Việt Nam Cộng hòa đã kéo cờ trắng đầu hàng.

Đúng 10 giờ 30, Trung đoàn 27 làm chủ tất cả các mục tiêu quan trọng. Trung đoàn 27 đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ vào đúng sáng 30-4-1975. Chính nhờ tấm bản đồ của má Sáu Ngẫu đã dẫn đường cho Trung đoàn 27 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, góp phần làm nên Đại thắng mùa xuân 1975.

Đến người mẹ làm “cầu nối” bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ

Trong câu chuyện của tướng Hiệu, hình ảnh người Mẹ còn là một biểu tượng cho hòa bình, cho cầu nối để bình thường hóa. Sau khi hòa bình lập lại, tướng Nguyễn Huy Hiệu giữ nhiều vị trí công tác trong quân đội, ở vị trí cao nhất là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ở vị trí này, ông được phân công làm về công tác đối ngoại quốc phòng, trong đó có cả vấn đề tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam (MIA) của Chính phủ Mỹ. Cũng ở vị trí này, ông còn phụ trách cả lĩnh vực rà phá bom mìn, vật liệu nổ sót lại sau chiến tranh.

11_scuf.jpg
Hai mẹ con ngày gặp lại. Ảnh: Lâm Hồng Long

“Thứ đầu tiên để hai bên Việt- Mỹ có thể hòa giải đó là vấn đề người Mỹ mất tích, bắt đầu từ đó. Khi ấy, Mỹ có khoảng hơn 2.000 người Mỹ mất tích trong chiến tranh ở Việt Nam chưa tìm thấy. Trong khi đó, Việt Nam còn có tới 300.000 người mất tích ở cả 3 chiến trường B, C, K cũng chưa tìm được”- tướng Hiệu nhớ lại.

Ông kể, khi ấy phía Mỹ yêu cầu Việt Nam phải cung cấp đầy đủ dữ liệu thông tin, thậm chí họ còn nghi ngờ cả việc phi công Mỹ còn sống và vẫn bị giam giữ bí mật đâu đó ở Việt Nam. Việt Nam khẳng định không còn người Mỹ đang bị giam giữ ở Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định rõ lập trường của mình, đó là hợp tác tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trên quan điểm nhân đạo, chứ không phải do bất kỳ sức ép nào cả.

Tướng Hiệu khi ấy với vai trò là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã trực tiếp tham gia chủ trì nhiều cuộc họp hai bên. Theo ông, có một cuộc họp về vấn đề MIA rất quan trọng và để lại ấn tượng sâu sắc trong ông. Lúc ấy, trong quá trình đối thoại, phía đại diện Mỹ nêu ý kiến, rằng hiện vẫn còn hơn 2.000 quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, cũng có nghĩa là ở Mỹ đang có hơn 2.000 người mẹ Mỹ mất con, họ đang mong ngóng từng ngày.

Khi ấy, tướng Hiệu đã đáp lại rằng: “Các bạn nên nhớ là người mẹ Mỹ cũng như người mẹ Việt Nam, họ đều là những người mẹ mất con. Nếu Mỹ nói có hơn 2.000 bà mẹ Mỹ chưa tìm được con, vậy Việt Nam có tới hơn 300.000 người Việt Nam còn đang mất tích, cũng tương ứng chừng ấy bà mẹ Việt Nam bị mất con, thì sao?

Người mẹ Mỹ mất con với người mẹ Việt Nam mất con khác nhau ở chỗ nào? Chưa kể, chúng tôi còn mất mát nhiều hơn”. Khi nghe đại diện Việt Nam phát biểu thế, phía phái đoàn Mỹ im lặng và không gian cuộc họp khi ấy như trùng xuống.

Ông kể, năm 2005, ông tham gia cùng phái đoàn Chính phủ Việt Nam thăm chính thức nước Mỹ, do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu. Trong khuôn khổ chuyến thăm, khi ấy Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam 180 đĩa CD về dữ liệu tất cả các vùng xảy ra chiến sự.

Sau khi về nước, Bộ Quốc phòng đem dữ liệu đó ra để xử lý và xác định các địa điểm xảy ra chiến sự, rồi khoanh vùng tìm kiếm. Sau đó chúng ta mới phát hiện ra các hài cốt liệt sĩ, có những nơi có ngôi mộ tập thể với hàng chục, hàng trăm người. Trong đó có cả các hài cốt quân nhân Mỹ.

“Cũng chính nhờ có chương trình MIA này, mới dẫn đến quan hệ Việt – Mỹ dần tan băng, từ từ chuyển sang đối thoại, Mỹ dỡ bỏ cấm vận và thiết lập quan hệ với Việt Nam, và hiện nay đã nâng cấp quan hệ. Bên thắng, bên thua, để bình thường hóa quan hệ tất nhiên cần một quá trình.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (1973-2013), phía Việt Nam đã xây dựng một tượng đài ở Quảng Trị để tưởng nhớ, tưởng niệm tất cả đồng bào Việt Nam đã mất trong chiến tranh. Nên sau này, các đoàn ngoại giao Mỹ đến thăm Việt Nam vẫn đến đây để viếng.

Tượng đài đó là biểu tượng của hòa bình, hòa giải, khép lại quá khứ, để cho cả những người Việt Nam đi ra nước ngoài cũng hiểu được, đó là chiến tranh đã lùi xa, bây giờ là lúc khép lại quá khứ, hướng đến tương lai, phải hướng về cội nguồn, về Tổ quốc, và đó cũng là văn hóa, đạo lý của người Việt Nam” - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu nói.

TPHCM: Từ “thành đồng của Tổ quốc” đến “đầu tàu của cả nước”

Khi được hỏi về cảm nhận của ông về TPHCM hiện nay - Sài Gòn năm xưa sau gần nửa thế kỷ kể từ ngày 30-4-1975, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định: “TPHCM ngày nay xứng danh thành phố mang tên Bác. Đó là hành trình thành phố chuyển mình từ “thành đồng Tổ quốc" để hiện nay thành “đầu tàu của cả nước”.

TPHCM là một thành phố ổn định về kinh tế, chính trị xã hội, đặc biệt về kinh tế là đầu tàu của phía Nam, phát triển trên tất cả các lĩnh vực khá toàn diện. Sau Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước đến bây giờ đã 49 năm rồi, phải nói là rất năng động, sáng tạo, trải nghiệm, từ đó giúp vị thế Việt Nam được nâng cao, hội nhập được với khu vực và thế giới”.

Ở cái tuổi 80, không ngờ ông còn nói về tăng trưởng xanh, kinh tế xanh và bảo vệ môi trường, đồng thời nhận xét TPHCM đang phát triển kinh tế xanh đúng hướng. Hóa ra, không chỉ là tướng giỏi đánh trận, ông còn là tướng của những “trận đánh” chống thiên tai, bão lũ, của trồng cây và bảo vệ môi trường. Trồng cây để đảm bảo có “tín chỉ carbon”, “tín chỉ xanh” - là những khái niệm xuất hiện trên truyền thông những năm gần đây, song từ hàng chục năm trước, tướng Hiệu đã phát động rồi.

Hơn 10 năm làm công tác đối ngoại quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đến thăm và làm việc tại 67 quốc gia trên thế giới. Những chuyến đi ngoại giao đó, ông không chỉ đấu tranh đòi lại công lý cho những đồng đội hy sinh, những người dân vô tội bị ảnh hưởng của chiến tranh, nhất là nạn nhân bị nhiễm chất động da cam do Mỹ rải xuống, mà ông còn quan sát, tìm hiểu cảnh quan, môi trường thiên nhiên cũng như giải pháp bảo vệ môi trường thiên nhiên của các nước.

Trong một chuyến đi đến Ấn Độ, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tìm hiểu về cuộc “Cách mạng Xanh” và những giống cây lai. Qua tìm hiểu, ông biết với những cố gắng cải cách không ngừng mà đặc biệt là cuộc “Cách mạng Xanh”, đến nay nền nông nghiệp Ấn Độ đã đạt được những thành tựu to lớn, vươn lên mạnh mẽ và được đánh giá là một “hiện tượng” của thế giới.

Chuyến đi đó, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã đem cây đa từ Ấn Độ về trồng trên mảnh đất Quảng Trị. Ông muốn truyền cảm hứng đến người dân biết trân trọng cây xanh, tích cực tham gia trồng cây phủ xanh đất nước và thực hiện Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ.

“Đất nước nào quan tâm tới bảo vệ môi trường, đất nước đó sẽ phồn thịnh, chính vì thế có nhiều cụm từ nhắc tới an ninh môi trường chính là an ninh quốc gia. Dường như mọi quốc gia trên thế giới đều không đứng ngoài sự tác động biến đổi khí hậu, và cũng không có quốc gia nào đứng bên lề các chương trình hành động vì môi trường. Nếu không giữ gìn môi trường, chúng ta sẽ mất tất cả. Cái giá phải trả sẽ không bao giờ lường trước được”- tướng Hiệu chia sẻ.

Nhiều năm trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trực tiếp tham gia chỉ đạo công tác đối ngoại quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu cho biết ông rất tâm đắc chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Trong đó có đảm bảo an ninh phi truyền thống, đó là sao cho phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ông cho biết cũng rất tâm đắc chủ trương nhân lên sức mạnh Việt Nam qua việc phát triển những công ty toàn cầu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Bởi chỉ có thế, Việt Nam mới nhân lên được sức mạnh của mình từ nội lực kết hợp với thời cơ từ bên ngoài.

“Phát triển kinh tế, xã hội đều phải tính đến yếu tố môi trường, giữ được môi trường sẽ thắt chặt được an ninh quốc gia, đây là mối quan hệ mật thiết. TPHCM đang hướng đến phát triển kinh tế xanh, coi đây là chủ đạo, TPHCM đang đi đúng hướng và chắc chắn sẽ thành công” - Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định.

Các tin khác