Ba Tri: Vùng đất tiềm năng cho các nhà đầu tư

(ĐTTCO) - Huyện Ba Tri (Bến Tre) có hệ thống giao thông đường thủy khá phát triển, cùng với hệ thống đê biển là thế mạnh cho quá trình phát triển giao thông đường thủy, đáp ứng nhu cầu vận tải. Đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược của Ba Tri trong tương lai.

Dự án điện gió V1-3 (thị trấn Tiệm Tôm, Ba Tri) được vận hành thương mại đầu tiên của tỉnh.
Dự án điện gió V1-3 (thị trấn Tiệm Tôm, Ba Tri) được vận hành thương mại đầu tiên của tỉnh.

Còn nhiều dư địa cho đầu tư

Ông Bùi Thành Dương, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Ba Tri cho biết, trung tâm huyện cách TPHCM 122km và có một mặt giáp biển Đông với bờ biển dài 12km. Đây là tiềm năng để huyện phát triển ngành nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản, đồng thời là điều kiện thuận lợi để phát triển vận tải đường biển giao thương kinh tế.

Theo Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy, Ba Tri được xác định là 1 trong 3 huyện biển có vai trò trọng tâm trong phát triển về hướng Đông của tỉnh, đặc biệt là có lợi thế để phát triển mối liên kết vùng giữa những huyện biển Bình Đại, Thạnh Phú với các tỉnh ven biển dọc theo tuyến đường động lực ven biển từ TPHCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh.

Tuyến đường này được đầu tư trong giai đoạn 2025-2030 sẽ tạo động lực phát triển, trong đó Ba Tri có lợi thế phát triển kinh tế biển, năng lượng, đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, khu công nghiệp, logistics… đồng thời hình thành chuỗi giá trị liên kết giữa các vùng nuôi trồng thủy sản ở các cù lao, rừng ngập mặn và du lịch sinh thái.

Trở thành địa phương dẫn đầu về kinh tế biển

Để trở thành địa phương dẫn đầu về kinh tế biển, người dân có mức sống trong nhóm đầu của tỉnh, Huyện ủy Ba Tri xác định nhiệm vụ trọng tâm là khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của biển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển kinh tế biển thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các thế mạnh như: nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá; phát triển không gian kinh tế biển; phát triển du lịch biển kết hợp với du lịch văn hóa, di tích.

Ngoài ra, với bờ biển thoải, dài và nông, hàng năm được bồi đắp tự nhiên dọc theo bờ biển thuộc thị trấn Tiệm Tôm tạo cho Ba Tri một tiềm năng lớn để lấn biển và hình thành cụm dân cư lấn biển đầu tiên của tỉnh tại thị trấn Tiệm Tôm. Cùng với đó, Khu liên hợp cảng cá - làng nghề An Thủy sẽ tạo thành thế mạnh cho huyện trong quá trình phát triển kinh tế.

Hiện tại, Ba Tri đang đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư triển khai các khu dân cư ven biển; xây dựng các phương án để thu hút nhà đầu tư phát triển khu đô thị lấn biển Tiệm Tôm trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, giải trí lấn biển của Ba Tri tầm nhìn đến năm 2050.

Các dự án mời gọi đầu tư của huyện gồm: lấp đầy CCN Thị trấn - An Đức; hạ tầng CCN An Hòa Tây (50ha); CCN Tân Xuân (70ha), KCN Bảo Thạnh (150ha). Đầu tư nhà máy sản xuất khí Hydro Xanh Bảo Thuận; khu du lịch nghỉ dưỡng phức hợp trên cồn, ven sông, khu du lịch ven biển; KĐT mới Ba Tri; KĐT mới An Thủy 2; KĐT trung tâm xã An Ngãi Trung; KĐT biển - resort Bảo Thuận.

Đặc biệt, địa phương sẽ miễn tiền thuê đất 11 năm sau khi kết thúc thời gian xây dựng cơ bản; miễn giảm thuế, giảm thuế 10% áp dụng 15 năm đầu, miễn 4 năm đầu và giảm 50% cho 9 năm tiếp theo, tùy vào từng lĩnh vực đầu tư.

Các tin khác