Ý tưởng & doanh nhân

Bác sĩ tôm

Sinh ra và lớn lên ở Bắc Trung Bộ, nhưng khát vọng giúp đời và đam mê khoa học đã mang Lê Anh Xuân đến với miền Tây Nam bộ, trở thành một “bác sĩ tôm” của người nuôi tôm ở đó và cũng thành tỷ phú nuôi tôm.

Sinh ra và lớn lên ở Bắc Trung Bộ, nhưng khát vọng giúp đời và đam mê khoa học đã mang Lê Anh Xuân đến với miền Tây Nam bộ, trở thành một “bác sĩ tôm” của người nuôi tôm ở đó và cũng thành tỷ phú nuôi tôm.

Chào đời năm 1976 trong một gia đình nông dân nghèo ở xứ Thanh, năm 1995 Xuân thi đỗ vào Đại học Thủy sản Nha Trang. Tốt nghiệp Đại học Thủy sản Nha Trang (1999), Xuân gõ cửa nhiều nơi xin việc. Cuối cùng, ông chủ một trại tôm giống Nha Trang đã nhận anh vào làm khi biết anh tốt nghiệp loại giỏi.

Tuy chỉ là công nhân nhưng Xuân có những sáng kiến để tôm nuôi lớn mau, đều. Tuy nhiên, đồng lương chỉ đủ ăn và trả tiền trọ, lại không có điều kiện nghiên cứu, thực nghiệm nên anh đã quyết định làm cuộc “viễn du” về Tây Nam bộ - vùng đất mới mà anh từng ôm mộng.

Tháng 7-2000, Xuân xin vào Công ty Thủy sản Tiền Giang. Anh đã cùng ăn, cùng ở, cùng làm với nông dân trại tôm. Mới 25 tuổi, bao khát vọng còn ở phía trước, nhiều đêm Xuân không chợp mắt. Những suy nghĩ về một loại thuốc trị bệnh cho tôm cứ thôi thúc anh. Năm 2002, Xuân quyết định xin nghỉ việc, khăn gói về Bạc Liêu - nơi đang có phong trào nuôi tôm phát triển nhất nước.

Xin được chân tiếp thị cho Công ty Công nghệ Sinh học Sài Gòn, Xuân tận dụng thời gian vừa làm vừa nghiên cứu, học hỏi về việc nuôi tôm. Sau khi đã tích lũy được một số kinh nghiệm, anh quyết định nghỉ việc và thành lập Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Trúc Anh, treo biển ngay tại phòng trọ mà anh thuê với giá 300.000 đồng/tháng.

Ban đầu bạn bè và người thân ái ngại cho anh. Người ta nghi ngờ liệu công ty của anh có tồn tại nổi không, nhưng với tri thức và kinh nghiệm thực tiễn qua 4 năm làm công nhân nuôi tôm và tiếp thị cho các công ty, anh không lùi bước. Lúc đó tôm của nhiều hộ dân địa phương đang mắc các bệnh như đóng rong, đen mang, mòn đuôi, đứt râu… và có xu hướng diễn biến phức tạp, trong khi các phương pháp điều trị kém hiệu quả, khiến dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Với kiến thức của mình, Xuân biết tác nhân gây bệnh điển hình là các dòng vi khuẩn như vibrio, pseudomonas, các dòng virus gây bệnh đốm trắng, đầu vàng, bệnh còi… Anh tin rằng để nuôi tôm bền vững, cần thực hiện được quy trình nuôi tôm sạch bằng việc sử dụng chế phẩm sinh học, không sử dụng kháng sinh để hạn chế suy thoái môi trường, dịch bệnh và giúp tôm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu.

Vận dụng những kiến thức khoa học hiện đại kết hợp cổ truyền, anh đã mày mò, làm thí nghiệm để tạo ra một công thức riêng của mình, sản xuất ra chế phẩm sinh học thay thế trifluralin trong nuôi trồng thủy sản.

Quy trình nuôi tôm sạch của anh Xuân được Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Cao Đức Phát đến thị sát.

Quy trình nuôi tôm sạch của anh Xuân được Bộ trưởng Bộ NN-PTNN Cao Đức Phát
đến thị sát.

Từ năm 2004-2006, anh ứng dụng kết quả thực nghiệm trên toàn bộ ao nuôi của mình. Năm 2007 anh nhân rộng ra các hộ nuôi tôm ở ĐBSCL. Việc bổ sung định kỳ chế phẩm Ta-pondpro giúp tăng cường lượng vi khuẩn phân hủy mùn, bả hữu cơ, làm giảm các độc tố NH3 và H2S trong ao nuôi.

Vi khuẩn bacillus subtilis và lactobacillus giúp duy trì mật độ vi khuẩn có lợi, giúp cạnh tranh chất dinh dưỡng, ức chế các vi khuẩn gây bệnh. Khi xuất hiện bệnh thì dùng vi sinh kết hợp với đánh khoáng tạt, trị các bệnh đóng khói đèn, đen mang, sâu râu và mòn đuôi.

Từ năm 2007-2008 anh đã xây dựng được quy trình nuôi tôm sạch sử dụng các chế phẩm sinh học. Với mật độ 15 con/m2, sau 170 ngày nuôi, tôm đạt 22 con/kg, trừ chi phí thu lãi trên 1 tỷ đồng/ao. Đến nay, anh đã tư vấn, chia sẻ quy trình nuôi tôm sạch cho hàng nghìn lượt hộ nông dân các tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre… và sinh viên, các đoàn đến tham quan học tập.

Một số hộ nuôi tôm ở Bình Định, Phú Yên cũng về tận Bạc Liêu gặp anh học hỏi. Từ chỗ đang thua lỗ, nợ chồng chất, nhiều hộ nuôi tôm đã trả hết nợ, thoát nghèo, ổn định cuộc sống và tin tưởng vào nghề.

“Tôi nuôi 4ha tôm, 8 năm nay sử dụng chế phẩm sinh học của kỹ sư Xuân đã cho kết quả cao, tôm chóng lớn, không mắc bệnh. Sau khi trừ chi phí, thu lãi gần 1 tỷ đồng mỗi năm” - ông Phạm Văn Chu, một nông dân nuôi tôm ở Bạc Liêu cho biết.

Tương tự, ông Lê Văn Dũng ở Cà Mau nhận xét về chế phẩm sinh học của Xuân: “Tôi nuôi 1ha (3 ao), sử dụng chế phẩm sinh học của anh Xuân để phòng trị bệnh, thấy tác dụng trị bệnh rất tốt, lại rẻ hơn nhiều so với dùng kháng sinh trước đây. Mỗi năm tôi lãi hơn 1 tỷ đồng”.

Năm nay “bác sĩ tôm” mới 36 tuổi, và Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Trúc Anh vừa 11 tuổi. Tất cả còn rất trẻ. Xuân chia sẻ: “Tôi luôn ý thức vận dụng 5 chữ T trong cuộc sống và kinh doanh. Đó là TÂM, TRÍ, TẦM, TIN, TÍN.

Tâm (có tấm lòng tốt, vì cộng đồng), Trí (có tri thức vững chắc, luôn sáng tạo), Tầm (có tầm nhìn chiến lược, hiểu biết về con người và xã hội), Tin (có niềm tin, thắng không kiêu, bại không nản) và Tín (luôn giữ đúng lời hứa với khách hàng và mọi người).

Xuân cho biết sắp tới anh sẽ cùng một nhóm kỹ sư nghiên cứu để cho ra đời những chế phẩm mới vì hiện nay nhiều diện tích ở ĐBSCL đang bị nhiễm mặn do biến đổi khí hậu. Anh rất mong có sự liên kết, giúp đỡ giữa các nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông và Nhà nước để con tôm của ĐBSCL có thể đứng vững ở thị trường nước ngoài.

Với những thành tích xuất sắc, anh nhận nhiều tặng thưởng: Năm 2009 nhận cúp Vàng của Bộ Khoa học - Công nghệ và cuối năm 2009 nhận tiếp cúp Vàng của Bộ Thủy sản Việt Nam về sản phẩm chất lượng cao. Năm 2010 được Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam trao giải “Vì sự phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, được Trung ương Đoàn Thanh niên Việt Nam tặng “Giải thưởng Lương Định Của”…

Các tin khác