(ĐTTCO) - Hàng loạt dự án xử lý rác thải, chất thải rắn được xây dựng bằng nguồn vay ODA tại các địa phương Hải Phòng, Hải Dương, Lào Cai, Nam Định đang ngừng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân do công nghệ lạc hậu, rác từ nguồn không được phân loại, thiếu kinh phí xử lý rác… Thực trạng này cho thấy sự lãng phí lớn trong đầu tư công tại các địa phương hiện nay.
Được đầu tư quy mô lớn, với dây chuyền công nghệ Hàn Quốc được đánh giá hiện đại nhất cả nước, Nhà máy xử lý chất thải rắn Hải Phòng từng được kỳ vọng sẽ là tiền đề quan trọng để phát triển công nghệ xử lý rác thải cho thành phố cảng và cả vùng duyên hải Bắc Bộ. Tuy nhiên, sau gần 10 năm hoạt động không đạt được hiệu quả như mong đợi, nhà máy đang có nguy cơ đóng cửa vì chưa tìm được hướng đi mới.
Công nghệ lạc hậu
Những ngày này, tại cơ ngơi đồ sộ của Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát, TP Hải Phòng chỉ lác đác vài công nhân với những khu nhà xưởng tái chế rác đang dần rỉ sét. Dù đang trong giờ sản xuất, nhưng nhà máy vắng lặng không một tiếng động. Tiếp chúng tôi là những nhân viên bảo vệ và một cán bộ quản lý nhà máy ngồi trong phòng lạnh. Mở đầu câu chuyện, anh nói nhà máy vẫn hoạt động bình thường để duy trì sản xuất, nhưng không thấy bóng công nhân môi trường áo xanh, không tiếng dây chuyền xử lý rác chạy lịch xịch, những âm thanh vốn có của một đại nhà máy xử lý rác thải quy mô hơn 60ha.
Các công nghệ nước ngoài chi phí cao, lại chưa phù hợp với tính chất rác thải và rác chưa được phân loại tại nguồn nên hiệu quả hoạt động còn thấp. Một số công nghệ trong nước đang triển khai áp dụng bước đầu đem lại hiệu quả nhất định nhưng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện công nghệ, máy móc thiết bị chế tạo, chưa được thị trường hóa. Hơn nữa, Việt Nam cũng chưa có hướng dẫn về tiêu chí lựa chọn công nghệ cũng như việc quản lý các dự án và đánh giá, kiểm tra, giám sát khi đi vào vận hành. Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng |
Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát được đầu tư hàng chục triệu USD từ nguồn vay ODA Hàn Quốc, với mục tiêu xử lý và tái chế rác thải thành phân hữu cơ compost. Trong đó, giai đoạn I được đầu tư từ năm 2003 với tổng mức trên 27,7 triệu USD (tương đương 620 tỷ đồng). Năm 2008 nhà máy hoàn thành và đi vào vận hành nhưng chỉ hoạt động cầm chừng. Nguyên nhân do những bất hợp lý về công nghệ, phân loại rác đầu vào và quy trình chế rác thành phân hữu cơ compost quá đắt đỏ. Nhà máy được thiết kế với 4 dây chuyền công nghệ xử lý chất thải rắn, sử dụng công nghệ vi sinh tiên tiến của Hàn Quốc, gồm phân loại, lên men bằng phương pháp sinh học, công đoạn ủ chín và tự động sàng, đóng bao; có hệ thống điều khiển hiện đại, bãi chôn lấp chất thải rắn và 47 xe chuyên dụng, nhập khẩu từ Hàn Quốc phục vụ sản xuất. Công suất thiết kế nhà máy đạt 200 tấn rác sinh hoạt/ngày, góp phần giải quyết 1/5 lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày trên toàn TP Hải Phòng.
Tuy nhiên, với dây chuyền công nghệ xử lý rác lạc hậu, sau gần 10 năm đưa vào vận hành, nhà máy đã rơi vào tình trạng đắp chiếu và hoạt động cầm chừng, đứng trước nguy cơ đóng cửa. Trước sự hoạt động không hiệu quả của nhà máy, đầu năm 2016, TP Hải Phòng đã ngừng cấp kinh phí hoạt động, buộc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Phòng phải tự bỏ tiền để duy trì vận hành máy móc, tránh hư hỏng. Theo một cán bộ điều hành nhà máy, hoạt động của nhà máy những năm qua bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như rác đầu vào không được phân loại và sản phẩm phân compost đầu ra không tiêu thụ được. Trước đó, năm 2014 Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư 41 về việc sản phẩm phân compost sản xuất tại Tràng Cát đạt tiêu chuẩn chất lượng nhưng không tìm được đầu ra. Hơn nữa, nguồn phân hữu cơ sản xuất tại nhà máy chưa đăng ký tiêu chuẩn, chất lượng theo quy định nên sản phẩm sản xuất của nhà máy rất hạn chế, phải để chất đống trong kho.
Điều đáng nói, công nghệ xử lý rác đang áp dụng tại Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát là công nghệ ủ chất thải hữu cơ hiếu khí, dùng khí cưỡng bức ủ rác được đánh giá là đã lạc hậu và lỗi thời. Công nghệ này do nhà thầu Hàn Quốc lựa chọn khi xây dựng nhà máy, đến nay TP Hải Phòng vẫn chưa bàn giao toàn bộ nhà máy, thiết bị cho Công ty Môi trường Đô thị Hải Dương. Thực tế, ngay từ khi lựa chọn công nghệ cho nhà máy, đã có những đánh giá cho thấy công nghệ của nhà đầu tư Hàn Quốc đưa vào là lạc hậu. Theo đánh giá của Bộ KH-CN, công nghệ xử lý rác thải áp dụng tại nhà máy chỉ đạt loại trung bình khá, không hiện đại. Theo đó, công nghệ xử lý rác tự động nhưng việc tách lọc rác trong quá trình xử lý phụ thuộc quá nhiều vào con người nên sự tối ưu hóa trong công nghệ kém. Dự án sử dụng vốn ODA do nhà thầu Hàn Quốc thi công, sử dụng công nghệ, máy móc, thiết bị Hàn Quốc nhưng ngay từ khi đưa vào vận hành nhà máy, nhà thầu chỉ cho phép tối đa 75% công suất nhà máy, tương ứng 150 tấn rác thải sinh hoạt/ngày, trong khi công suất thiết kế 200 tấn rác sinh hoạt/ngày.
![]() |
Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát vắng lặng. Ảnh: Đ.TUÂN |
Chi phí đắt đỏ
Theo các nhà chuyên môn, công nghệ của Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát rất khó cải tiến, đã buộc Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng phải giảm công suất của nhà máy xuống thấp cho phù hợp với quy trình phân loại rác bằng tay của công nhân. Và nếu chạy đúng công suất thiết kế thì không thể vận hành nhà máy vì sẽ tốn quá nhiều nhân công phân loại rác. Hơn nữa, việc phân loại rác bằng tay của công nhân cũng không đạt tiêu chuẩn, hoặc khi băng tải rác quá lớn công nhân không thể nhặt và phân loại xuể. Hiện cả khu liên hợp xử lý rác thải Tràng Cát chỉ có khoảng 60 công nhân làm việc, riêng Nhà máy xử lý chất thải rắn Tràng Cát có khoảng 10 công nhân đang làm việc. Việc cắt giảm công nhân lao động do nhà máy hết kinh phí để hoạt động.
Một nguyên nhân khác khiến Tràng Cát hoạt động cầm chừng là chi phí xử lý, chế biến rác thải thành phân hữu cơ compost quá đắt đỏ. Theo tính toán, chí phí sản xuất phân mùn compost đắt gấp 45 lần chi phí xử lý chôn lấp rác truyền thống. Hiện phía Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng đang xử lý rác theo 3 phương pháp chôn lấp, xử lý và chế biến phân mùn, và đốt rác thải. Đến nay TP Hải Phòng cũng đã ngừng cấp kinh phí để xử lý và chế biến rác thải thành phân mùn compost, vì vậy công ty chỉ rót kinh phí để nhà máy hoạt động cầm chừng.
Một lãnh đạo Công ty Môi trường Đô thị Hải Phòng chia sẻ công ty đang chật vật tìm lối thoát cho Tràng Cát thông qua việc đưa sản phẩm phân compost ra thị trường. Trước mắt cố gắng đưa sản phẩm phân compost của nhà máy ra thị trường, còn bán được hay không tính sau. Công ty cũng không thể chất đống sản phẩm phân compost do nhà máy sản xuất trong kho mãi được, đồng thời không thể dừng hẳn hoạt động của nhà máy vì làm như vậy dây chuyền máy móc sẽ hư hỏng nhanh hơn và ảnh hưởng đến quá trình cổ phần hóa công ty mẹ. Việc chậm phát huy nhà máy được đầu tư hàng chục triệu USD thời gian qua đang ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình cổ phần hóa công ty mẹ. Bởi nếu đưa giá trị tài sản nhà máy vào, giá trị công ty mẹ sẽ tăng lên rất cao, nhưng hoạt động kinh doanh lại không hiệu quả. Hiện tại đơn vị đang loay hoay chưa tìm ra giải pháp.
--------------------
Bài 2: Nhiều nhà máy dừng hoạt động