Trong tuần này, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở trung ương và UBND TP Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng, Hải Phòng).
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Vinh Quang, báo cáo Thủ tướng.
Có lẽ hiếm có vụ việc nào liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất thu hút sự quan tâm của dư luận như vụ việc này. Gần 1 tháng qua, đã có nhiều nhà báo, nhân sĩ, chuyên gia, nguyên lãnh đạo nhiều ngành, lĩnh vực bày tỏ ý kiến sâu sắc và toàn diện về vụ việc.
Đa số ý kiến đều cho rằng trong vụ việc này, chính quyền từ huyện đến xã đều sai, khiến người dân bị đẩy đến đường cùng phải chống người thi hành công vụ. Một vấn đề khác khiến dư luận bất bình là khi tiến hành cưỡng chế, ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn (không nằm trong khu vực phải thu hồi) đã bị phá bỏ hoàn toàn.
Lãnh đạo TP Hải Phòng giải thích rằng “do người dân bức xúc nên đập phá”, trong khi theo tìm hiểu của báo chí thì sự thật không phải như vậy. Thậm chí, còn có dấu hiệu liên quan của “xã hội đen” trong việc khai thác hết thủy sản gia đình ông Vươn đang nuôi trồng trong đầm sau vụ cưỡng chế.
Cho đến cuối tuần trước, lãnh đạo huyện Tiên Lãng khi phổ biến thông tin vụ cưỡng chế cho cán bộ, đảng viên của huyện vẫn khẳng định chính quyền đã đúng trong vụ việc này.
Sự đúng, sai về tính pháp lý của vụ việc chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng trung ương và UBND TP Hải Phòng làm rõ trong cuộc họp do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì. Nhưng dù kết quả có thế nào đây cũng là bài học lớn về lòng dân, về mối quan hệ giữa chính quyền và địa phương.
Trả lời phỏng vấn báo chí, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh cho rằng: "Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân”.
Vụ việc Tiên Lãng một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cấp thiết về hiện trạng bất cập của Luật Đất đai hiện hành, tạo ra những kẽ hở để chính quyền địa phương tùy tiện diễn dịch theo ý muốn chủ quan, gây mâu thuẫn tích tụ với người dân.
Trên thực tế, mâu thuẫn giữa chính quyền địa phương với nhân dân xung quanh chuyện thu hồi đất đai, giải phóng mặt bằng không phải xảy ra lần đầu.
Nếu chỉ có vài vụ thì có thể nói đó là sai sót của một vài địa phương. Nhưng khi một hiện tượng xảy ra phổ biến, chiếm tới 80% các vụ khiếu kiện thì có thể nói có kẽ hở của chính sách. Nếu không sớm có các giải pháp giải quyết triệt để, hợp lý hợp tình, đất đai sẽ là ngòi nổ của những vụ gây mất ổn định xã hội.