Tôi may mắn được theo dõi cuộc trùng tu căn biệt thự cổ tại địa chỉ 110-112 Võ Văn Tần (một trong những biệt thự cổ tiêu biểu của khu biệt thự ở quận 3, TPHCM còn lại gần như nguyên vẹn) từ những ngày công trình mới đo vẽ hiện trạng. Phải nói rằng, ngay từ những bước đầu tiên khi ứng xử với công trình cổ này, chủ sở hữu hiện tại đã xác định tâm thế là người tiếp quản công trình, bảo lưu để tiếp nối giá trị di sản.
Giữ tính xác thực của di tích
Có lẽ vì xác định vai trò này, chủ căn biệt thự đã tìm hiểu rất kỹ hoàn cảnh từng giai đoạn lịch sử của ngôi nhà và bối cảnh đô thị Sài Gòn-TPHCM. Khi tiếp cận hồ sơ trích lục về lịch sử sở hữu ngôi nhà qua các giai đoạn dày hơn 20 trang, chi tiết và công phu, dù vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ, nhưng tôi cảm nhận được sự tâm huyết của những người thực hiện dự án này. Từ đây, với phương pháp làm việc đúng, tất cả các bước thực hành bảo tồn công trình đã được thực hiện một cách chậm rãi, chắc chắn và chuyên nghiệp.
Tháng 2-2016, công trình bắt đầu được đo vẽ hiện trạng, kéo dài 8 tháng, dưới sự hướng dẫn của chuyên gia người Pháp. Hồ sơ đo vẽ hiện trạng dày 800 trang với từng bản vẽ từ tổng thể đến chi tiết, có thể được xem như hồ sơ mẫu trong trùng tu di sản. Ở đây tôi đi sâu vào giá trị của các bức tranh tường tại công trình cổ.
Trong quá trình kháo sát hiện trạng, nhóm nghiên cứu đã phát hiện các phòng ở đây đều được vẽ tranh tường, gần như các diện tích tường, trần cả phòng chính và hành lang, cầu thang đều có vẽ tranh tường. Mất khá nhiều thời gian trao đổi về biện pháp trùng tu, cuối cùng họ đi đến quyết định khá tốn kém về thời gian, tiền bạc và công sức: Không giả lập lại hồ sơ và pha màu tương tự để vẽ đè lên lớp sơn cũ, mà dùng biện pháp phục hồi lại các chi tiết để đạt được tối đa hiệu quả thẩm mỹ và giữ được tính xác thực của di tích.
Từ kết quả này, nhóm nghiên cứu đã đến Học viện Palazzo Spinelli ở Florence, Italia, cái nôi đào tạo các nghệ nhân phục hồi chi tiết công trình cổ, để học hỏi từ các chuyên gia Italia. Sau đó mời các chuyên gia Đức đang trùng tu Cung An Định, TP Huế vào thử nghiệm phục hồi tranh tường. Tiếp theo là cuộc đấu thầu để chọn đội ngũ thi công diễn ra trong 8 tháng. Cuối cùng, công tác trùng tu hiện nay đang do ê kíp các chuyên gia và thợ kỹ thuật Việt Nam thực hiện dưới sự quản lý của người nước ngoài.
Điều đặc biệt là trong dự án này có sự tham gia của một số sinh viên ngành kiến trúc, mỹ thuật, yêu hoạt động bảo tồn từ một số trường đại học tại TPHCM như Hutech, Văn Lang. Các sinh viên này có cơ hội tham gia thực hành bảo tồn trên công trình, sẽ là kinh nghiệm quý sinh viên có thể học hỏi.
Cuộc trùng tu cũng khiến những người tham gia cảm thấy họ được hàng ngày khám phá những giá trị mới, những lúc phát lộ tranh tường nhiều phong cách khác nhau, họ hiểu thêm về sự giao thoa, tiếp biến văn hóa. Nếu như tại phòng khánh tiết ở tầng trệt, trên 2 mảng tường đối lập khi đi từ sảnh vào xuất hiện 2 bức tranh tường, một bên là họa theo câu chuyện ngụ ngôn của Pháp, bên kia là bức họa theo tích cổ Trung Hoa, thì gian phòng chính trên lầu lại có những bức tranh tường khổ lớn với mô-típ lạ đang dần được khám phá.
Hợp tác quốc tế, giải mã ý nghĩa
Hợp tác quốc tế, giải mã ý nghĩa
Có thể nói, đây là công trình mang tính hợp tác quốc tế: các chuyên gia châu Âu cùng thảo luận và giải mã ý nghĩa của các bức tranh tường. Học và trao đổi về cách mài từng lớp, lấy lại từng lớp tranh gốc không làm ảnh hưởng đến các thành phần chi tiết khác. Các phương pháp trùng tu còn được chuyên gia Pháp báo cáo tại hội thảo quốc tế về di sản do phía Italia tổ chức tại Việt Nam. Một công trình để thực hiện được cần rất nhiều cuộc trao đổi giữa chuyên gia Việt Nam với châu Âu, và từ đây mỗi người đều rút ra được bài học kinh nghiệm về bảo tồn.
Thứ nhất, tin tưởng và chuyển giao công nghệ từng phần cho người Việt. Việc này khiến đội ngũ kỹ thuật, chuyên gia của Việt Nam có thể học được rất nhiều từ các chuyên gia nước ngoài. Đây là cơ hội rất lớn để Việt Nam có thể có các công trình tiếp theo thực hiện theo chuẩn mực của bảo tồn của châu Âu. Thứ hai, thực hiện trùng tu công trình này, đội ngũ chuyên gia đã triển khai theo 3 bước và không bỏ qua hoặc vội vàng trong bất cứ bước nào. Đầu tiên họ thu thập dữ liệu (đo vẽ hiện trạng, tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử tòa nhà và khảo cứu lịch sử kiến trúc các công trình cùng thời).
Bước tiếp theo là phân tích (mời chuyên gia đánh giá di sản, tham vấn phương pháp trùng tu, tổ chức đoàn tham quan đi học kinh nghiệm nước ngoài về bảo tồn, làm việc với các đơn vị có kỹ thuật phục hồi, phục chế trong và ngoài nước), đánh giá nhiều lần ở nhiều mức độ về kết cấu, kiến trúc, các yếu tố mỹ thuật và các giá trị khác của công trình. Bước cuối cùng, thiết kế và triển khai trùng tu. Bước này tuy đang được thực hiện nhưng với ý đồ “trả lại và nâng tầm giá trị cho di sản”, chủ sở hữu dự án đặt kỳ vọng rất nhiều ở bức tranh hoàn mỹ khi tác phẩm này được hoàn thành. Đây là thách thức nhưng cũng là sự tự hào những người tham gia công trình này muốn cam kết.
Như chúng ta đều biết, đầu tư cho di sản luôn là đầu tư có tính bền vững. Việc ứng xử với một di sản thể hiện năng lực và tầm của chủ đầu tư và tầm của một thành phố. Đứng trước một di sản, nhà đầu tư có thể có nhiều lựa chọn. Nhưng cách lựa chọn giữ lại di sản bao giờ cũng là cách khôn ngoan, kinh tế.
Nhà đầu tư có cái nhìn ngắn hạn hay dài hạn chính ở ngay cách họ ứng xử với di sản. Bảo tồn văn hóa và di sản là bảo đảm một quốc gia phát triển ổn định. Bảo tồn di sản cũng như các hoạt động xã hội khác, khi làm một công trình thật tốt, sẽ là nguồn cảm hứng nhân rộng giá trị ra cộng đồng.
Một công trình để thực hiện được cần rất nhiều cuộc trao đổi giữa chuyên gia Việt Nam với châu Âu, và từ đây mỗi người đều rút ra được bài học kinh nghiệm về bảo tồn. |