(ĐTTCO) - Vào ngày 4-2 tới, 12 quốc gia tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ tiến hành ký vào thỏa thuận cuối cùng tại Auckland (New Zealand). Sau lễ ký, 12 nước tham gia bao gồm Hoa Kỳ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam sẽ bắt đầu quá trình hợp thức hóa trong nước và mất 2 năm để thỏa thuận có hiệu lực.
Những cơ hội và thách thức TPP mang lại cho Việt Nam đã được các chuyên gia phân tích khá kỹ. Trong đó, vấn đề rất đáng lưu tâm là phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Một trong những điểm cốt lõi của TPP là thúc đẩy khả năng kết nối theo chuỗi sản xuất. Các cam kết chặt chẽ trong TPP, mà trực tiếp là quy định hàm lượng xuất xứ hay hàm lượng nội địa hóa ít nhất 60% (cao hơn Cộng đồng Kinh tế ASEAN), để được hưởng ưu đãi thuế quan của các quốc gia thành viên, trở thành lợi thế kết nối theo chiều sâu giữa các nền kinh tế trong TPP.
Theo các chuyên gia kinh tế, TPP là điều kiện cần để các quốc gia thành viên có khả năng trở thành khâu dẫn đầu trong chuỗi giá trị. Nhưng điều kiện đủ thuộc trách nhiệm của CNHT. Tuy nhiên, đến nay CNHT ở Việt Nam vẫn là lĩnh vực còn bị hạn chế về nền tảng cơ bản để phát triển, do thiếu định hướng thị trường về kết nối chuỗi giá trị trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế từ cơ chế kế hoạch hóa mệnh lệnh sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhiều loại chi tiết của sản phẩm tưởng chừng đơn giản như cúc áo, đinh vít, giắc cắm điện thoại… chưa được doanh nghiệp trong nước sản xuất mà chủ yếu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Rõ ràng, đây là rào cản đáng kể khi muốn tận dụng cơ hội TPP mang lại.
Thời gian qua, đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển CNHT được ban hành, nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, khoảng thời gian 2 năm để TPP bắt đầu có hiệu lực không phải là quá dài. Bởi vậy, ngay từ bây giờ cần phải có những hành động mạnh mẽ để thúc đẩy CNHT phát triển mới mong tận dụng được tốt nhất cơ hội TPP mang lại. Trong đó vai trò dẫn dắt của các cơ quan quản lý chuyên ngành sâu về CNHT như ngành cơ khí, dệt may, điện, điện tử, tin học… cần được phát huy trong định hướng, xây dựng, công bố các chương trình, dự án nhằm đạt mục tiêu phát triển CNHT hiệu quả. Các biện pháp khuyến khích, hỗ trợ phải có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, cơ sở, giảm thiểu thủ tục và rút ngắn thời gian. Vấn đề là đánh giá cụ thể và khách quan nhu cầu phát triển CNHT, định hướng thị trường rõ ràng và những yêu cầu đặt ra trong điều kiện tự do hóa thương mại như cạnh tranh cao về chất lượng, giá cả thấp, thậm chí thấp nhất thế giới, cung ứng với thời gian ngắn nhất và chi phí giao dịch thấp nhất.
Để phát triển CNHT, yêu cầu đặt ra lớn nhất là sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất các loại linh kiện, thiết bị phải đáp ứng nhu cầu khách hàng, đặc biệt là khách hàng trong chuỗi có sự dẫn dắt của các tập đoàn xuyên quốc gia, vì có nhiều nhà cung ứng toàn cầu có lợi thế cao về công nghệ và khả năng cung ứng giá thấp, khối lượng lớn, nhất là các nhà cung ứng từ Trung Quốc. Những khuôn khổ trong TPP có thể được phát triển sâu hơn với các đối tác thành viên theo hướng thu hút nguồn vốn đầu tư thông qua các điều kiện ràng buộc trong TPP. Đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia tư vấn trình độ cao trong ngành cả trong nước và nước ngoài cần được huy động để xây dựng chiến lược phát triển tổng thể CNHT từng ngành chuyên sâu, cũng như khả năng tổ chức thực hiện hiệu quả. Trước mắt coi trọng CNHT các ngành có nhu cầu lớn như ngành dệt may, điện, điện tử, tin học, cơ khí phục vụ nông nghiệp.
Hiện cả nước có tới 98% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (trong đó 96% nhỏ và siêu nhỏ). Bởi vậy, việc doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại linh kiện, chi tiết gặp không ít khó khăn do thiếu công nghệ đạt tiêu chuẩn cạnh tranh quốc tế cần thiết, vốn đầu tư, năng lực kết nối chuỗi và năng lực quản lý, kinh doanh còn yếu. Việc thu hút sự quan tâm nhiều hơn của doanh nghiệp rất cần thiết để các nguồn lực sẵn có không bị lãng phí, nguồn lực bên ngoài được tranh thủ tận dụng. Các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp cần xây dựng thể chế liên kết thực sự và lâu dài để phát triển đạt kết quả CNHT theo ngành. Đặc biệt cần phát huy khả năng kết nối trực tiếp giữa các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của nước ngoài, bao gồm doanh nghiệp, tập đoàn trong các nước thành viên TPP để có thể đảm nhiệm từng khâu công việc, tiến tới sản xuất và cung ứng linh kiện, chi tiết rộng rãi trên thị trường. Những doanh nghiệp chuyên gia công, lắp ráp cần có chiến lược chuyển dần sang tự sản xuất chi tiết, linh kiện để từng bước hình thành quy trình và làm chủ công nghệ sản xuất.