Mới đây, UBND TP HCM có báo cáo gửi Quốc hội về công tác quy hoạch trên địa bàn thành phố kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành (năm 2017). Trong đó, với công tác quy hoạch ngầm, UBND TP cho biết hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc.
Khó khăn trong xây dựng dữ liệu
Theo UBND TP HCM, đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt tại các Quyết định 1570/2002 và 24/2010 có trước thời điểm Luật Quy hoạch đô thị và Nghị định 39/2010/NĐ-CP (quản lý không gian ngầm đô thị) có hiệu lực. Do đó, chưa nghiên cứu nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho toàn thành phố.
Hiện TP HCM mới chuẩn bị nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho 2 đồ án Quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 Khu trung tâm hiện hữu mở rộng TP HCM và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm thể hiện ở nội dung thuyết minh và bản đồ "xác định các khu vực xây dựng công trình ngầm".
UBND TP HCM nhìn nhận nội dung quy hoạch không gian ngầm hiện nay chỉ ở mức sơ bộ, có nhiều thiếu sót. Điển hình, thiếu sót về công tác dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị. Thứ hai, thiếu về quy định phân vùng chức năng sử dụng không gian ngầm để xây dựng công trình ngầm. Thứ ba, thiếu trong việc xác định các khu vực hạn chế, khu vực cấm xây dựng công trình ngầm. Thứ tư, không có quy định về kết nối không gian ngầm với không gian trên cao, trên mặt đất.
Ngoài ra, việc triển khai việc thực hiện công tác khảo sát thu nhập dữ liệu không gian xây dựng ngầm chưa được thực hiện. Việc xây dựng dữ liệu công trình ngầm của thành phố cũng gặp nhiều khó khăn do dữ liệu được nhiều ngành quản lý; hiện trạng hạ tầng ngầm được xây dựng qua nhiều thời kỳ, thiếu tài liệu lưu trữ; việc khảo sát, điều tra hiện trạng mạng lưới công trình ngầm trên địa bàn thành phố cần chi phí lớn.
UBND TP HCM cũng cho rằng việc lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm là lĩnh vực mới đối với Việt Nam, hiện nay chưa có địa phương nào triển khai thực hiện; chưa có hướng dẫn chi tiết về nội dung thực hiện cũng như thiếu hướng dẫn về phương pháp lập quy hoạch; nội dung quy hoạch không gian ngầm còn chung chung. TP HCM chưa lập được bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm đô thị. Thành phố cũng thiếu các số liệu điều tra tổng thể về địa hình, điều kiện địa chất công trình, địa chất thủy văn của đô thị; thiếu các quy định về quản lý sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm.
Mặt khác, TP HCM chưa có cơ quan đầu mối quản lý không gian ngầm, các tiêu chuẩn thiết kế, quy chuẩn quy hoạch còn thiếu. Bên cạnh đó, nguồn lực cho việc điều tra, khảo sát, lập bản đồ hiện trạng xây dựng công trình ngầm và lập quy hoạch... còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, khi việc phát triển đô thị theo chiều cao bị hạn chế thì không gian ngầm là lựa chọn tất yếu để phát triển kinh tế - xã hội, giảm sự bí bách của một đô thị hơn 10 triệu dân của TP HCM.
Nhiều chuyên gia đô thị cho rằng TP HCM cần sớm có quy hoạch không gian ngầm để kiểm soát việc khai thác chúng, nhằm tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi làm một kiểu. Bởi thực tế hiện nay cho thấy dưới lòng đất của thành phố ngổn ngang "mạng nhện" các công trình ngầm của các đơn vị, như điện, nước, viễn thông... quản lý độc lập. Không khảo sát được hiện trạng, không biết trong lòng đất hiện nay có gì thì khó có thể quy hoạch để định hướng cho việc xây dựng trong tương lai.
Chưa có hướng dẫn của Bộ Xây dựng Liên quan đến quá trình triển khai công tác quy hoạch xây dựng, quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, UBND TP HCM cho hay cũng còn nhiều tồn tại, bất cập. TP HCM là một siêu đô thị nhưng hệ thống hạ tầng lại chưa đồng bộ, chưa theo kịp để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, công tác lập, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian xây dựng ngầm đô thị, công tác lập quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị và thiết kế đô thị (tại các khu vực trung tâm, khu vực điểm nhấn, khu vực dọc các tuyến đường chính, khu vực bảo tồn...) chưa đáp ứng do đây là công tác mới mẻ, chưa có các hướng dẫn của Bộ Xây dựng. Thực tế, nếu có hướng dẫn chung cũng khó áp dụng do còn phải điều chỉnh lại hệ thống đồ án quy hoạch phân khu liên quan và bị chi phối rất nhiều bởi nguồn lực thực hiện theo quy hoạch. |