Với việc phát triển đội tàu bay trong thời gian tới, hãng hàng không Bamboo Airways cũng sẽ mở rộng thêm các đường bay nội địa và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Tuy nhiên trước mắt, hãng kiến nghị Chính phủ xem xét có gói hỗ trợ tài chính hay vay lãi suất ưu đãi nhằm sống sót qua đại dịch COVID-19.
Theo ông Nguyễn Khắc Hải, Phó Tổng giám đốc Bamboo Airways, tính đến nay, hãng đã tiếp nhận và vận hành đội bay lên đến 25 tàu bay, bao gồm đội tàu bay thân rộng Boeing 787-9 và đội tàu bay phản lực Embraer E195.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bamboo Airways dự kiến sẽ phát triển đội bay lên mức 110 tàu bay (bao gồm 14 tàu bay thân rộng và 96 tàu bay thân hẹp). Hãng tiếp tục khai thác các đường bay đến toàn bộ sân bay nội địa nhằm tạo cầu nối hàng không, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế-xã hội, đáp ứng nhu cầu đi lại và du lịch giữa các trung tâm kinh tế, địa phương.
Đối với mạng đường bay quốc tế, Bamboo Airways dự kiến tiếp tục khai thác các đường bay quốc tế tầm ngắn và tầm trung với các nước khu vực Đông Nam Á (Singapore, Thái Lan…) và Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc) cùng với các đường bay tầm xa châu Âu, Australia và châu Mỹ phù hợp với việc khai thác tàu bay thân rộng.
Tuy nhiên, ông Hải cũng thừa nhận, Bamboo Airways đang gặp nhiều khó khăn và thách thức do vận tải hàng không là hoạt động mang tính đặc thù, đòi hỏi nguồn tài chính vô cùng lớn. Trong khi đó, do mới đi vào hoạt động, thị phần còn thấp nên nguồn vốn hoạt động và đầu tư của hãng hoàn toàn dựa vào sự bảo trợ của Công ty mẹ là Tập đoàn FLC và nguồn vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng.
Mặt khác, Bamboo Airways mới được thành lập nên gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường vận tải hàng không do Vietnam Airlines và Vietjet Air là các hãng hàng không tham gia thị trường từ trước đã chiếm lĩnh thị phần lớn, cơ sở vật chất và nguồn nhân lực được đầu tư bài bản, sở hữu những uu thế về vị trí đỗ tàu qua đêm và khung giờ cất hạ cánh đẹp ở các Cảng hàng không đông đúc.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường hàng không ngày càng mở rộng, phát triển, tuy nhiên, nhân lực hàng không Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt Bamboo Airways phải thực hiện nhiều khóa đào tạo tại nước ngoài và thuê nhân sự nước ngoài phục vụ khai thác dẫn đến chi phí cho nhân sự tăng mạnh.
Đánh giá dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động khai thác của các hãng hàng không, trong đó có Bamboo Airways, ông Hải cho rằng, trong thời gian cao điểm dịch, đội tàu bay của hãng phải ngừng hoạt động 80-90% và số lượng chuyến bay sụt giảm nghiêm trọng chỉ còn 2 ngày/chuyến đối với 1 số đường bay trục chính.
Về mặt tài chính, ngoài việc mất thêm các chi phí cho hoạt động cách ly, phòng chống dịch, Bamboo Airways đã chịu thiệt hại nặng nề về doanh thu do nhu cầu vận chuyển hành khách và hàng hóa tại nội địa cũng như quốc tế sụt giảm.
Để vượt qua khó khăn, thách thức và phát triển bền vững, Bamboo Airways đề xuất Chính phủ và các cơ quan liên quan nghiên cứu ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các hãng hàng không mới gia nhập thị trường và đi vào hoạt động. Đó là các gói hỗ trợ tài chính với lãi suất ưu đãi, giảm giá phí một số dịch vụ trong thời gian đầu khai thác, có các chính sách thúc đẩy phát triển thị trường nhân lực hàng không để phục vụ nhu cầu mở rộng quy mô của các hãng.
“Bamboo Airways đề xuất Quốc hội và Chính phủ xem xét có gói tài chính hỗ trợ cho các hãng tư nhân như đã phê duyệt cho Vietnam Airlines. Ngoài việc tăng thêm thời gian hỗ trợ và nâng mức miễn giảm (có thể giảm 100%) về giá dịch vụ, miễn giảm thêm các loại thuế phí, giãn thời gian nộp…,” ông Hải nói.
Được biết, Quốc hội ban hành nghị quyết cho Vietnam Airlines được vay 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 4%/năm theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, thông qua một tổ chức tín dụng của Nhà nước và đồng ý để Vietnam Airlines phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, giao Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước./.
Từ ngày khai thác 1/1/2019 đến hết tháng 9/2020, Bamboo Airways đã thực hiện hơn 40.000 chuyến bay an toàn, khai thác tổng cộng 53 đường bay nội địa và quốc tế, vận chuyển hơn 5 triệu lượt khách, tỷ lệ lấp đầy đạt gần 80% và gần 30.000 tấn hàng hóa, tỷ lệ chuyến bay đúng giờ bình quân đạt 94%. Thị phần vận tải khách tăng từ 1,1% vào tháng 1/2019 lên mức gần 14% vào tháng 6/2020. |