Rất dễ bắt gặp những người bán hàng theo kiểu đeo cả thế giới trên vai như chị Thảo ở thành phố này. Ví đựng tiền, kem đánh răng, khẩu trang, xi đánh giày… đều có cả. Những món đồ này ai cũng có thể mua được ở tiệm tạp hóa, siêu thị, vậy tại sao họ vẫn bán?
Chị Thảo trả lời: “Vẫn có người mua chớ. Tui bán cho mấy chú xe ôm, mấy người ngồi quán cóc. Rồi đi ngang bệnh viện, người đi nuôi bệnh cũng mua”. Theo lời người phụ nữ 35 tuổi quê Tiền Giang này, những món bán được thường là đồ dùng cá nhân như đồ cắt móng tay, lược chải đầu. Rồi hộp quẹt, mắt kính, dầu gió cũng bán lai rai.
Quấn chiếc khăn cho phần dây đeo vai không miết lên da, chị Thảo cùng “sạp hàng” của mình đi qua không biết bao nhiêu con đường. Dưới chiếc nón lá, gương mặt chị nhễ nhại mồ hôi. Cứ chừng vài trăm mét, chị đổi qua vai bên kia cho đỡ mỏi. Từ đường Bùi Thị Xuân, chị qua Cống Quỳnh, Phạm Viết Chánh, rồi mất hút trong những con hẻm.
Cũng bán rong như chị Thảo nhưng thâm niên hơn là bà Trang (51 tuổi, quê Thanh Hóa). Trong một con hẻm đường Huỳnh Văn Bánh (quận Phú Nhuận), bà Trang cất tiếng mời. Bán được 2 cái móc khóa hình con gấu, bà nghỉ chân một chút rồi đi về hướng quận 3. Bà cho biết, bà bắt đầu đi từ 5 giờ sáng, 7 giờ tối mới về tới phòng trọ. Cuộc sống cứ trôi đi, bà làm nghề này đã được 20 năm.
Sống ở thành phố, có lẽ bạn cũng từng mua vật dụng của những người phụ nữ tần tảo như chị Thảo, bà Trang. Những món đồ có lẽ không “sang - xịn - mịn” như trong tiệm, nhiều món còn phủ bụi, nhưng tiện dụng và có gì đó gần gũi. Một lý do nữa là chúng rẻ.Với thu nhập bấp bênh và đời sống lấy hè phố làm nơi sinh hoạt, người lao động nghèo vẫn là khách hàng chính của những sạp hàng di động. Chút tiền lẻ có khi không đủ trả tiền gửi xe ở thành phố nhưng vẫn có thể dùng để mua một trong những món linh tinh này. Một thế giới mua bán đơn giản và không ai kén chọn gì nhiều…
Nghề bán hàng kiểu này cũng trông vào mưa nắng. Hôm nào trời mát thì đỡ, nắng gắt cũng ráng gồng nhưng hễ mưa là giậm chân tại chỗ. Mấy hôm thành phố mưa dữ, những sạp hàng di động cũng thất thu theo.
Tan sở, người ta trong chiếc áo mưa vội vã trở về chiếc tổ của mình. Đâu đó dưới mái hiên, những người bán cả thế giới trên vai vẫn nhẫn nại chờ mưa tạnh. Ngày dài sắp qua, nhưng hễ thấy khách hàng tiềm năng, họ lại nở nụ cười chào mời.
Không biết nghề này có từ lúc nào, nhưng lâu dần những đôi vai dãi dầu đã trở thành một nét thân quen nơi phố thị. Bất chợt tôi nghĩ đến tuổi già đau mỏi của họ, thấy mà thương. Lòng thầm mong cùng với nhịp sống hiện đại, họ vẫn có nhiều khách hàng để mỗi ngày trở về còn được chút niềm vui.
Và những ngày này khi thành phố giãn cách, gánh nặng mưu sinh lại oằn trên vai những người gánh gồng cuộc sống…