Đại dịch chỉ được kiểm soát khi tất cả các nơi được kiểm soát
Cuộc chạy “marathon” phát triển vaccine Covid-19 đã mang lại những thành công ban đầu. Kết quả này mở ra niềm tin mới cho cộng đồng nhằm đảo ngược sự nguy hại từ đại dịch, từ đó đảm bảo sức khỏe cho người dân và khả năng phục hồi, phát triển kinh tế.
Các nỗ lực tiêm chủng trên diện rộng đã được một số quốc gia triển khai và hướng đến sự miễn dịch cộng đồng, số liệu thống kê từ Hình 1 đã phần nào minh chứng. Tuy nhiên, các quốc gia đang có năng lực sản xuất và trữ lượng vaccine lớn, nếu quá tự tin vào chương trình tiêm chủng trong phạm vi cục bộ có thể sẽ phạm phải sai lầm, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển.
Cần phải nhận thức rõ rằng dịch bệnh xuất hiện ở bất cứ nơi nào trên thế giới cũng có thể đe dọa đến những nỗ lực tiêm chủng của các quốc gia, do đó cần phải có sự đồng bộ và lan tỏa trên quy mô toàn cầu, đây mới là chìa khóa an toàn cho tất cả.
Đó là khi các quốc gia muốn tích trữ vaccine cho riêng mình và thương mại hóa chúng, mặc dù đây là một loại hàng hóa công cộng, nghĩa là không có cạnh tranh và không loại trừ. Mặt nạ dưỡng khí trên máy bay một khi được bung ra không chỉ dành cho khoan hạng thương gia, mà còn dành cho tất cả mọi ngõ ngách mà hành khách lẫn phi hành đoàn có thể xuất hiện, đây có lẽ là một cách ví von phù hợp.
Các quốc gia đang có lợi thế trên mặt trận vaccine có lẽ đã nhận thức được sự nguy hại khi đương đầu với cuộc khủng hoảng y tế lẫn kinh tế trầm trọng nhất lịch sử, mỗi mắt xích đều rất dễ bị tổn thương và dễ bị đánh bại bởi quá trình tiếp cận đa phương mà họ hướng đến.
Không lúc nào cần sự chủ động và quyết liệt của các quốc gia như lúc này, phải đảm bảo những liều vaccine có thể hiện diện nhanh nhất ở các điểm nóng Covid-19 trên toàn cầu. Và chỉ có hợp tác, chia sẻ nguồn cung ứng vaccine mới có thể làm được điều đó.
Tiếp cận phòng ngự đúng chỗ, phản công đúng lúc
Trước khi tiếp cận được vaccine một cách đồng bộ, ưu tiên hàng đầu vẫn là tự tạo lập cơ chế “phòng thủ”, thay đổi cái “tôi” để đạt được cái “ta”, biến nỗi sợ hãi thành mục tiêu, phải tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ngay từ những lần bùng phát đầu tiên, một số nước cần nguồn vaccine đã xúc tiến các thỏa thuận hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, và cả thương mại hóa đối với vaccine Covid-19 như một loại hàng hóa.
Cùng với đó, chương trình COVAX Facility đã tạo ra khuôn khổ cho việc mua và phân phối vaccine đến các nước, cam kết phân phối công bằng cho khoảng 2 tỷ người trên thế giới đến cuối năm 2021. Riêng tại Việt Nam, dự kiến sẽ nhận được khoảng 38,9 triệu liều miễn phí.
Chúng ta mong chờ một chương trình tiêm chủng quy mô lớn vào cuối năm 2021, tuy nhiên để đạt được sự đồng bộ và hiệu quả cần phải có lộ trình và chuẩn bị nguồn lực từ nguồn cung vaccine đến hạ tầng tiêm chủng. Bài học từ Malawi (châu Phi) vừa qua có lẽ là lời cảnh báo, khi mà quốc gia này đã tiêu hủy gần 20.000 liều vaccine Oxford / AstraZeneca vì có nguy cơ hết hạn sử dụng sau 18 ngày.
Nam Sudan cũng đã gửi lại 72.000 liều vaccine cho COVAX Facility vì lý do tương tự và thiếu nguồn lực để thực hiện chương trình tiêm chủng.
Việt Nam hướng đến mục tiêu có đủ khoảng 150 triệu liều vaccine (Oxford / AstraZeneca, Pfizer / BioNTech, Moderna, Johnson & Johnson, Sputnik V) từ các nguồn của Nga, Mỹ, Anh, và chương trình COVAX Facility để tiêm chủng cho 75% dân số. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có niềm tin về sự chung tay, đồng lòng từ Chính phủ đến người dân để cùng nhau ngăn chặn đại dịch.
Lợi ích và chi phí cũng là vấn đề đáng quan tâm, mối nguy hại từ đại dịch đến các nền kinh tế đã quá rõ ràng. Các nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE) đã cho thấy sự lây lan của dịch bệnh từ các nước nghèo sang các nước phát triển sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng ngay cả khi quốc gia đó đã tiêm chủng diện rộng.
Điều này càng cho thấy vai trò của chiến dịch tăng tốc tiêm chủng toàn cầu thay vì chỉ áp dụng riêng biệt cho mỗi quốc gia, khu vực. Không quá muộn để có thể chủ động và hợp tác cùng nhau kết thúc đại dịch, một chiến dịch cần có quy mô và sức lan tỏa toàn cầu