Chính phủ đề nghị ban thường trực Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát huy trách nhiệm trong công tác vận động nguồn lực của các tổ chức, cá nhân đóng góp cho quỹ. Đồng thời, cơ quan này cũng thực hiện giám sát để đảm bảo quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích, công khai, minh bạch và hiệu quả.
Quỹ vaccine phòng dịch Covid-19 được giao cho Bộ Tài chính quản lý và hoạt động, chịu sự thanh tra, kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng... Ngoài ra, quỹ cũng được báo cáo tình hình thực hiện thu, chi quyết toán tài chính cho Chính phủ, Quốc hội và công khai số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp và số tiền đã chi, số dư còn lại nếu có.
Về thẩm quyền quyết định chi, Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu mua, nhập khẩu, nghiên cứu, sản xuất và sử dụng vaccine phòng dịch Covid-19, trình Chính phủ quyết định. Bộ Tài chính xuất quỹ để chi theo nội dung Thủ tướng phê duyệt, và căn cứ hồ sơ đề nghị của Bộ Y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định: “Chủ trương nhất quán của Chính phủ là cần phải khẩn trương, thực hiện các giải pháp phù hợp, để có đủ vaccine sớm nhất có thể, để tiêm phòng cho nhân dân trên diện rộng. Phải có lộ trình, kế hoạch cho từng tháng, quý còn lại của năm 2021 và thời gian tiếp theo thật cụ thể, chi tiết trong từng khâu, từng công đoạn giao nhận, vận chuyển, bảo quản... kể cả về các yếu tố tài chính, kinh phí cho cả quy trình”.
Đồng thời Thủ tướng yêu cầu rà soát để điều chỉnh, bổ sung danh mục đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine cho phù hợp với tình hình thực tế. Chú ý cơ sở sản xuất lớn, khu công nghiệp, khu dịch vụ có đông người lao động.
Rõ ràng, số lượng vaccine mà chúng ta còn thiếu là rất lớn.
Theo kế hoạch, Việt Nam được tài trợ 38,9 triệu liều vaccine và đàm phán mua thêm 10 triệu liều với hình thức chia sẻ kinh phí từ COVAX. Cộng với việc chắc chắn mua được 30 triệu liều từ AstraZeneca. Chính phủ cũng đã hoàn tất đàm phán để mua 31 triệu liều vắc xin của Pfizer. Như vậy, chúng ta cần kinh phí để mua thêm khoảng 50 triệu liều vaccine.
Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Y tế đã rất nỗ lực trong quá trình tìm kiếm nguồn cung cấp vaccine. Thế nhưng, đúng như cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO, bên cạnh tình trạng khan hiếm thì giá vaccine cũng đang là gánh nặng cho các quốc gia đang phát triển.
Hội nghị Thượng đỉnh của những quốc gia phát triển G20 nhóm họp chuyên đề Y tế ngày 21-5 tại Rome – Ý, tái khẳng định: “Đại dịch này tiếp tục là cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội và sức khỏe toàn cầu chưa từng thấy”.
Từ tầm nhìn của nước giàu hay từ suy tư của nước nghèo đều nhận ra, đại dịch sẽ không kết thúc cho đến khi tất cả các quốc gia có thể kiểm soát được Covid-19. Thế nhưng, oái oăm thay, chủ nghĩa dân tộc khiến các nước giàu tranh thủ tích trữ vaccine cho riêng mình, còn những nước nghèo thì bơ vơ và âu lo.
Thống kê cho thấy, chỉ 0,3% số liều vaccine đã tiêm trên toàn cầu được thực hiện tại 29 quốc gia nghèo nhất, chiếm 9% dân số. Trong khi đó, Nhật đã có đủ 344 triệu liều vaccine để mỗi người dân của họ tiêm chủng đủ hai mũi, từ nay đến cuối năm 2021.
6 quốc gia đang sở hữu bằng sáng chế vaccine chống Covid-19 là Mỹ, Anh, Đức, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc, với những vaccine phổ biến Moderna, Pfizer, AstraZeneca, Sutnik V, Sinopharm, BioNTech… Các nước giàu không chỉ có sẵn tiền bạc, mà còn được ưu tiên mua vaccine, do trước đó đã tài trợ cho các công trình nghiên cứu.
Ví dụ, AstraZeneca được xem là loại vaccine có giá dễ chịu nhất trên thị trường quốc tế, nhưng giá bán cũng không công bằng giữa các nước. Nếu như Mỹ chỉ mua với giá 4 USD/liều thì Uganda phải mua với giá gấp đôi.
Nghĩa là, ngoài ngân sách trung ương đã chuẩn bị 16.000 tỷ đồng, phải huy động thêm 9.200 tỷ đồng.
Với một nền kinh tế đã bị tác động ít nhiều sau một năm rưỡi ứng phó với Covid-19, thì kinh phí để nhanh chóng mua được vaccine cho toàn dân cũng là một bài toán tương đối hóc búa.
Trong bối cảnh ấy, giá trị tương thân tương ái của người Việt Nam đã đến lúc trỗi dậy mạnh mẽ.
Bộ Y tế vừa tiếp nhận một đợt quyên góp lớn, gồm 4 triệu liều vaccine do Vingroup tài trợ và 100 tỷ đồng để mua vắc-xin từ bốn ngân hàng uy tín Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank.
Một loạt doanh nghiệp lớn cũng đã ngay lập tức chung tay, như tập toàn T&T ủng hộ 1 triệu liều vaccine, ngân hàng SHB ủng hộ 15 tỷ đồng, ngân hàng Tiên Phong ủng hộ 10 tỷ đồng, tập đoàn Hòa Phát 50 tỷ đồng, tập đoàn An Phát Holdings ủng hộ 20 tỷ đồng, tập đoàn Phenikaa ủng hộ 20 tỷ đồng…
Dịch bệnh cũng nguy hiểm như thiên tai và chiến tranh. Khi sức khỏe cộng đồng bị đe dọa thì không ai có quyền thờ ơ, không ai có quyền ích kỷ.
Danh sách những tỷ phú của Việt Nam càng ngày càng nhiều hơn, thì việc huy động nguồn lực xã hội để mua vaccine hoàn toàn không quá khó khăn.