Ngày 18-5, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 1271 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị sử dụng 12.100 tỷ đồng nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin phòng dịch Covid-19.
Theo Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời việc mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân và toàn xã hội.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan mạnh ở nước ta, nguồn kinh phí này là nguồn lực rất quan trọng để thực hiện Chiến lược vắc xin của Việt Nam phòng chống dịch Covid-19 theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đến hết tháng 1-2021, dự toán kinh phí ngân sách trung ương năm 2020 vẫn còn 64.760 tỷ đồng chưa sử dụng (không gồm các khoản đã được chuyển nguồn sang năm 2021).
Vì thế, Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phương án phân bổ dùng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020, trong đó đề nghị được dùng 12.100 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm chi năm 2020 để mua vắc xin Covid-19.
Hôm qua, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý với phương án sử dụng nguồn kinh phí do MTTQ Việt Nam tiếp nhận ủng hộ cho phòng, chống dịch Covid-19 để mua vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương phối hợp với Sở Tài chính địa phương thực hiện chuyển toàn bộ số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ vào ngân sách Nhà nước để mua vắc xin phòng COVID-19.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, đồng thời hướng dẫn Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố chủ trì, phối hợp với sở tài chính địa phương thực hiện chuyển toàn bộ số kinh phí đã tiếp nhận ủng hộ (còn lại) vào ngân sách Nhà nước để mua vắc xin phòng COVID-19.
Các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng hạch toán ghi thu, ghi chi ngân sách Trung ương số kinh phí được phân bổ; chịu trách nhiệm rà soát việc thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước, bảo đảm không trùng lặp về đối tượng hỗ trợ.
Việc phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí bảo đảm công khai, minh bạch, đúng mục đích, đúng đối tượng, tiết kiệm, hiệu quả.