Báo cáo về việc thực hiên chiến lược vaccine tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 sáng 29-5, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, mục tiêu là tạo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021. Tuy nhiên, nhu cầu vaccine ở các nước rất lớn, tình trạng khan hiếm trên toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bộ Y tế đang tích cực đàm phán, tìm kiếm tất cả nguồn vaccine Covid-19 trên thế giới. Đến thời điểm này, Việt Nam đã có ký kết, cam kết 110 triệu liều vaccine để tiêm cho 70% dân số từ 18 tuổi trở lên. Bộ đang nỗ lực mua thêm 40 triệu liều, để đảm bảo mua đủ 150 triệu liều tiêm đủ cho người dân, thực hiện được mục tiêu đề ra.
Để có thể mua đủ số vaccine theo kế hoạch, hiện Bộ Y tế đang huy động mọi nguồn lực, liên tục làm việc với đại sứ quán các nước Ấn Độ, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... các tổ chức quốc tế và Liên minh châu Âu, để sớm tiếp cận các nguồn, mua thêm vaccine.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay, chỉ có vaccine mới đưa được cuộc sống trở lại bình thường. Chính phủ đã đã chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất và sử dụng vaccine trên tinh thần để người dân tiếp cận nhanh nhất, rộng nhất, đảm bảo miễn dịch cho từng người dân và cho cộng đồng.
"Chính phủ tạo mọi điều kiện, mở tất cả các cửa. Làm đồng thời nhiều nhiều giải pháp, để có vaccine phòng Covid-19 nhanh nhất, sớm nhất và tiến tới tự chủ", Bộ trưởng khẳng định.
Từ tháng 5-2020, Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan đã tích cực đàm phán, tiếp cận tất cả các nguồn vắc xin phòng Covid-19. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ở Đông Nam Á ký hợp đồng mua vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Việt Nam cũng là một trong 92 quốc gia được COVAX facility hỗ trợ tới 38,9 triệu liều vaccine Covid-19. Vừa qua, Bộ Y tế cũng đàm phán, ký thỏa thuận với Pfrizer để mua 30 triệu liều.
Chiều 28-5, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng vừa thảo luận trực tuyến với Công ty Zuellig Pharma, đơn vị cung ứng vaccine Moderna cho Việt Nam. Hai bên đã trao đổi về khả năng và những điều kiện cung ứng vaccine Covid-19 của Moderna cho Việt Nam.
Bộ trưởng đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vaccine cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất, để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch.
Đại diện Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng đã làm việc trực tiếp với đại diện Đại sứ quán và Hiệp hội, doanh nghiệp FDI tại Việt Nam, để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine cho Việt Nam, cũng như tiêm chủng cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp tại khu vực có doanh nghiệp FDI.
Bộ Y tế khẳng định mở tất cả các cửa để có thể thể tiếp cận vaccine tiêm cho toàn dân, sớm quay về cuộc sống bình thường.
Về nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam là một trong 4 quốc gia đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2, mở đường nghiên cứu, sản xuất vaccine. Đang có 4 đơ vị phát triển vaccine Covid-19, trong đó Nanocogen đã bắt đầu thử nghiệm giai đoạn 3.
Một thông tin đáng chú ý tư lệnh ngành Y tế cho biết, là Việt Nam cũng có kế hoạch mua bản quyền vaccine Covid-19, tiếp cận chuyển giao vaccine, hợp tác trong nghiên cứu, liên doanh liên kết các đơn vị sản xuất vaccine trên thế giới, để làm sao có vaccine xin sớm nhất và tự chủ vaccine sử dụng trong nước.
Tư lệnh ngành Y tế cũng khẳng định ưu tiên vaccine cho Bắc Giang, Bắc Ninh để tiêm cho người dân tại hai địa phương này nhanh nhất có thể.
Tính từ 6h sáng đến 12h trưa 29-5, cả nước có thêm 136 người nhiễm Covid-19. Riêng Bắc Giang chiếm đến 103 ca. Bắc Ninh có 27 ca.
Tính từ ngày 27-4 đến trưa 29-5, Việt Nam có tổng cộng 3.643 người nhiễm Covid-19 lay nhiễm trong nước tại 34 tỉnh thành.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số bệnh nhân nhiều nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc.
Chỉ trong 1 tuần, từ 21-5 đến 28-5, đã có 19 tập đoàn, các đơn vị khối ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ tài chính cho Quỹ vaccine, với tổng số tiền 470 tỷ đồng cùng 1 triệu USD và 5 triệu liều vắc xin Covid-19.