Bộ Y tế đàm phán mua vaccine Covid-19 Moderna

(ĐTTCO) - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vaccine Moderna cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất, để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch Covid-19.
Vaccine Covid-19 Moderna là vaccine đầu tiên của Mỹ thử nghiệm trên người. Ảnh: Reuters.
Vaccine Covid-19 Moderna là vaccine đầu tiên của Mỹ thử nghiệm trên người. Ảnh: Reuters.
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chiều 28-5 đã thảo luận trực tuyến với Công ty Zuellig Pharma, đơn vị cung ứng vaccine Moderna cho Việt Nam. Hai bên đã trao đổi về khả năng và những điều kiện cung ứng vaccine Covid-19 của Moderna cho Việt Nam.
Bộ trưởng cũng đã đề nghị Zuellig Pharma cung ứng vaccine cho Việt Nam trong thời gian sớm nhất với giá cả hợp lý nhất, để ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch. Đại diện Zuellig Pharma cam kết sẽ sớm thảo luận với Moderna các đề xuất của Việt Nam.
Cũng trong chiều nay, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã làm việc với đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Gồm Phòng Thương mại Ấn Độ (INCHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EURO CHAM); Hiệp hội Doanh nghiệp Anh; Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản. Các công ty Samsung Việt Nam, SK, LG … để thảo luận về vấn đề cung ứng vaccine Covid-19 cho Việt Nam, cũng như việc tiêm chủng cho công nhân, người lao động tại các nhà máy, khu công nghiệp.
Theo The New York Times, Chiến dịch Thần tốc (Warp Speed) của chính phủ Mỹ đã cấp cho Moderna 955 triệu USD để nghiên cứu và phát triển vaccine. Vaccine do Moderna bào chế là loại vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 đầu tiên tại Mỹ bắt đầu được thử nghiệm trên người. Loại vaccine này sử dụng mRNA tổng hợp để chống lại virus SARS-CoV-2. 
Ngày 30-11-2020, Moderna cho biết đã nộp đơn xin phép sử dụng khẩn cấp vaccine Covid-19 tại Mỹ, sau khi nghiên cứu giai đoạn cuối cho thấy vaccine này có hiệu quả 94,1% mà không có lo ngại nghiêm trọng về sự an toàn.

Bộ trưởng Y tế khẳng định quan điểm của Việt Nam là làm thế nào để có thể tiếp cận vaccine Covid-19 nhanh nhất và đảm bảo độ bao phủ tiêm chủng rộng nhất.

Bộ Y tế cùng các bên đã thảo luận về các cơ chế tiếp cận vaccine  Covid-19, như đề nghị các nước gỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vaccine, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài nhập khẩu trực tiếp vaccine để tiêm chủng cho người lao động đang làm việc cho các doanh nghiệp; cơ chế chia sẻ chi phí liên quan đến việc tiếp cận vaccine…

Các bên đều ủng hộ cùng tham gia chia sẻ để giảm nhẹ gánh nặng đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong vấn đề tiếp cận và cung ứng vaccine Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long mong muốn các Đại sứ quán, các doanh nghiệp của các quốc gia tài trợ cho COVAX Facility hỗ trợ, tác động để có thêm vaccine cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng đề nghị các nước có dư thừa vaccine, tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận được nhiều nguồn vaccine.

Đến nay Việt Nam mới tiêm vaccine Covid-19 cho hơn triệu người là các đối tượng tuyến đầu chống dịch. Vaccine được tiêm toàn bộ là của AstraZeneca.

Bộ Y tế đã nỗ lực tìm kiếm, đàm phán để tiếp cận nguồn vaccine Covid-19 từ hơn 1 năm qua. Trong năm nay sẽ có khoảng 110 triệu liều cam kết cung cấp cho Việt Nam, bao gồm: 38,9 triệu liều từ chương trình Covax, 30 triệu liều từ AstraZeneca và 31 triệu liều Pfizer/BioNTech.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã đăng ký với Covax mua thêm khoảng 10 triệu liều theo cơ chế cùng chia sẻ chi phí

Tính đến 25-5, Việt Nam đã nhận 4 đợt vaccine Covid-19, với tổng cộng gần 2,9 triệu liều, đều của hãng AstraZeneca. Đợt đầu về ngày 24-2, với 117.600 liều, thuộc hợp đồng giữa Bộ Y tế - AstraZeneca – VNVC.

Đợt thứ hai và thứ ba tổng cộng 2.482.400 liều vaccine do cơ chế Covax cung cấp.

Đợt đợt thứ 4 với 288.000 liều, được Bộ Y tế mua thông qua VNVC, cập cảng Tân Sơn Nhất tối 25-5. Đây là lô vaccine AstraZeneca thứ hai về Việt Nam theo hợp đồng đặt mua trước 30 triệu liều với AstraZeneca. 

Các tin khác