Theo trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), đến tối 28-5, ổ dịch liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng tại Gò Vấp đã có 58 người nhiễm Covid-19. Riêng trong ngày có hôm nay, số ca phát hiện liên quan đến ổ dịch này là 22 người. Tổng cộng hơn 12.000 người tại 16 quận huyện có liên quan đến chuỗi lây nhiễm này với 708 F1 và 11.644 người là F2.
Trong 708 người tiếp xúc gần đã lấy mẫu xét nghiệm, có 639 mẫu âm tính lần 1, và 69 mẫu chờ kết quả.
Số F2 là 11.644 người đã có 5.658 người có kết quả âm tính, 5.968 chờ kết quả.
Cũng trong chiều 28-5, kết quả giải mã toàn bộ gene chủng SARSCoV2 từ chuỗi lây nhiễm này đã khẳng định virus mang biến chủng B.1.617.2 - biến chủng Ấn Độ.
Ngoài ra, còn có 4 trường hợp nhiễm Covid-19 khác liên quan đến 2 vợ chồng đi khám bệnh tại BV Hoàn Mỹ, trong đó có 3 nhân viên của 2 ngân hàng. Như vậy trong ngày 28-5, thành phố ghi nhận thêm 26 bệnh nhân, nâng tổng số ca nhiễm mới trong 2 ngày 27 và 28-5 là 62 trường hợp.
Theo HCDC, gần như toàn bộ người tham gia họp hội đều nhiễm bệnh với tốc độ lây lan nhanh, có 60% người có triệu chứng.
Cũng theo HCDC, nhà thờ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có địa chỉ sinh hoạt tại 415/8/4 Nguyễn Văn Công, phường 3, quận Gò Vấp sinh hoạt vào ngày chủ nhật. Trong tháng 5, Hội sinh hoạt vào các ngày 2, 9, 16, 23.
Ca bệnh có triệu chứng đầu tiên được ghi nhận là ngày 13-5. Đây có thể là ca khởi đầu của chuỗi lây nhiễm này.
Với nhận định ca bệnh đầu tiên khởi phát từ ngày 13-5 thì ngày sinh hoạt vào 16 và 23 có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Điển hình là 3 người trong gia đình đến khám bệnh tại Bệnh viện Tân Phú đều sinh hoạt chung với nhóm vào ngày 16-5. Đây là chuỗi lây nhiễm đang diễn tiến và các ca nhiễm có chỉ số xét nghiệm cho thấy mới nhiễm.
Qua chuỗi lây nhiễm này, có thể thấy sinh hoạt nhóm trong phòng nhỏ sẽ rất khó đảm bảo khoảng cách. Các phòng kín không thông thoáng khí sẽ càng tạo điều kiện cho virus lây nhiễm.
Thành phố tiếp tục triển khai thần tốc các hoạt động truy vết, khoanh vùng, mở rộng xét nghiệm để chặt đứt chuỗi lây nhiễm, không cho lây lan tiếp. Tiếp tục điều tra nguồn lây của chuỗi lây nhiễm này.