Thời trang nội di trú về tỉnh

(ĐTTCO) - Sự đổ bộ của nhiều thương hiệu nước ngoài đã đẩy ngành thời trang nội dịch chuyển mạnh hơn sang thị trường tỉnh.
Các hãng thời trang nội địa đang phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều thương hiệu nước ngoài.
Các hãng thời trang nội địa đang phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều thương hiệu nước ngoài.

Trong ngành thời trang Việt Nam, nếu như ở các thành phố lớn đang có sự dịch chuyển người dùng từ hàng Việt sang thương hiệu quốc tế, thì ở nhiều địa phương, thời trang nội địa có thương hiệu dần thay thế cho hàng không rõ xuất xứ.

Dịch chuyển chiến lược

Theo báo cáo mới nhất của Kantar Worldpanel, lượng người tiêu dùng khu vực thành phố vệ tinh loại 2, loại 3 và khu vực nông thôn hiện chiếm tới 63% dân số, chiếm hơn 60% GDP của Việt Nam. Điều này cho thấy lượng người tiêu dùng tiềm năng tại đây không chỉ nhiều lên về số lượng, mà cả về chất lượng với sức mua cũng tăng so với trước.

Với các siêu thị và trung tâm thương mại mọc lên, kéo theo sự hiện diện của các thương hiệu thời trang nội địa với chiến lược bán hàng bài bản hơn, người dân tỉnh đang hình thành thói quen mua sắm quần áo giống như người TPHCM hay Hà Nội cách đây 10-15 năm, khi các thương hiệu quốc tế chưa tràn vào.

Đến thời điểm hiện tại, toàn quốc có 862 đô thị với 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại, so với năm 2015 chỉ có 787 đô thị với hơn 100 trung tâm thương mại. Đó chính là cơ hội cho hàng Việt chất lượng cao. Những cái tên Ninomaxx, Sifa, Blue Exchange... đang bị cạnh tranh gay gắt ở trung tâm TPHCM nhưng vẫn phát triển ổn định ở ngoại thành và các tỉnh.

Ninomaxx và Sifa vẫn duy trì được gần 80 cửa hàng, Blue Exchange hiện có hơn 250 cửa hàng. Các thương hiệu lâu năm này vẫn duy trì vài showroom rộng lớn, sang trọng ở TPHCM và Hà Nội nhưng không chỉ nhằm bán lẻ nữa, mà còn nhằm thu hút đối tác nhượng quyền thương hiệu từ các tỉnh lên tham quan.

Bên cạnh đó, xuất hiện một số thương hiệu nội địa khởi đầu ở tỉnh lẻ, sau đó mới tiến về TPHCM và Hà Nội. Bắt đầu bằng chuỗi cửa hàng thời trang tại các tỉnh Hải Dương, Thái Nguyên, Hải Phòng... từ năm 2009-2010, đến nay Yodi đã có 109 cửa hàng tại 33 tỉnh, thành (chủ yếu là miền Bắc và miền Trung) sau 12 năm phát triển.

Thời trang nội di trú về tỉnh ảnh 1
Chủ nhân của Yodi, ông Nguyễn Việt Hòa cho rằng thành công của thương hiệu đến từ chọn lựa đúng thị trường bàn đạp: “Yodi đi vào thị trường ngách, tạo độ phủ tại những tỉnh, thành phố đang phát triển, tập trung tìm kiếm các đối tác là nhân viên đã đồng hành trong thời gian dài để nhượng quyền”.

Theo ông Hòa, mỗi cửa hàng được đầu tư 1 tỷ đồng, số tiền được Yodi thực hiện bằng việc đối tác ký quỹ trên một hợp đồng hợp tác giá trị 5 năm, để Yodi đầu tư cửa hàng và giao cho đối tác quản lý khai thác. Lợi nhuận chia theo phần trăm doanh thu.

Yodi cũng làm việc với các nhà máy, xây dựng đội ngũ thiết kế riêng, xây dựng phòng kỹ thuật và đưa nhân viên kỹ thuật đến trực tiếp giám sát tại xưởng. Với những cửa hàng nhượng quyền, Yodi vẫn quản lý chất lượng, 100% các tiêu chuẩn, có giám sát bán hàng, quản lý khu vực, đào tạo thực hành giám sát toàn bộ hệ thống.

Tương tự với Yodi chỉ mở cửa hàng ở Hà Nội khi hệ thống ở tỉnh đã vững mạnh, FMStyle trước khi mở cửa hàng tại TPHCM đã là thương hiệu thời trang nội địa quen thuộc với giới trẻ tại thị trường miền Trung, Tây Nguyên. Phát triển được nhiều dòng sản phẩm như đồng phục, thời trang trẻ em, thời trang công sở... sau hơn 8 năm phát triển từ một xưởng gia công nhỏ, hệ thống FMStyle hiện nay đã có hơn 40 cửa hàng.

Thị trường ngách nhưng lớn

Theo khảo sát của Virac, hiện nay hơn 200 thương hiệu thời trang nước ngoài từ tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam. Virac cho biết sự phân mảnh của thị trường cũng ngày càng được thấy rõ khi không có doanh nghiệp nào nắm quá 2% thị phần tiêu thụ.

Thời trang nội di trú về tỉnh ảnh 2
Năm 2020, dưới tác động của đại dịch Covid-19, doanh thu thị trường thời trang Việt Nam chỉ đạt khoảng 100.000 tỉ đồng, giảm hơn 10% so với năm 2019. Con số này càng cho thấy sự khốc liệt của thị trường thời trang tại các thành phố lớn, đồng thời cũng cho thấy việc dịch chuyển của thời trang nội là bắt buộc.

Vài năm trở lại đây, khi các quy định về nhập khẩu hàng hóa ngày càng thắt chặt hơn, nhiều doanh nghiệp thời trang quy mô trên dưới 10 cửa hàng đã chuyển đổi từ nhập hàng của Trung Quốc sang mở xưởng tự gia công sản xuất. Tuy mẫu mã phần lớn là bắt chước và đi sau, nhưng hàng nội địa có thế mạnh ở kích thước và mẫu mã phù hợp với thị hiếu người Việt, giá bán dễ chấp nhận với số đông người dùng.

Bên cạnh đó, tâm lý dè chừng với hàng Made in China cũng tạo thêm lợi thế cho hàng Việt.

Không ít người trẻ đã tận dụng các lợi thế trên để chọn thị trường ngách trong lĩnh vực may mặc và phát triển nhanh. Nếu Gumac, Marc, Hnoss, K&K, Real Clothes... nhắm đến phụ nữ trẻ văn phòng, thì Akyoo là thương hiệu tiên phong trong lĩnh vực thời trang Big Size dành cho người Việt với 11 cửa hàng sau 4 năm thành lập.

Hay như thương hiệu V-Sixtyfour (sáng lập bởi ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Việt Thắng Jean), chỉ chuyên may - bán thời trang denim, sau vài năm ra mắt cũng đã có gần 10 cửa hàng.

Thời trang nội di trú về tỉnh ảnh 3 Ảnh: TL.
Giám đốc một chuỗi siêu thị chuyên hàng may mặc cho biết, với hơn 90% dân số không yêu cầu quá cao về thời trang, thị trường nội địa gần 100 triệu dân vẫn là nguồn tiêu thụ quan trọng của nhiều doanh nghiệp trong nước. Tổng Công ty May 10, May Việt Tiến, May Đức Giang (sở hữu thương hiệu HeraDG, DGC, S.Pearl, Forever Young...), Tổng Công ty 28 (chuyên veston nam, nữ, áo sơ mi, quần Âu mang thương hiệu Agtex28, Belluni), mỗi doanh nghiệp có doanh thu nội địa hàng trăm tỷ đồng/năm.

Riêng trung tâm bán lẻ thời trang của Vinatex, dù mới đi vào hoạt động, cũng có doanh thu hơn 100 tỷ đồng năm 2020.

Là thành viên của Tập đoàn Phú Thái, Công ty Cổ phần Thời trang Kowil thành lập năm 2008, cũng đã phát triển chuỗi thời trang nam Owen lên hơn 1.000 cửa hàng khắp cả nước, bám sát thương hiệu Việt Tiến. Sự phát triển của Owen những năm gần đây được tăng cường với sự tham  gia của đối tác đầu tư chiến lược là Tập đoàn Itochu Nhật (sở hữu 19% cổ phần Kowil).

Thay vì tập trung gia công xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp tên tuổi đã đầu tư làm thương hiệu riêng để đáp ứng nhu cầu của người dùng trong nước. Ví dụ, Tổng Công ty May 10 đã ra mắt thương hiệu Eternity GrusZ; May Phương Đông với thương hiệu F.House...

Các tin khác