Để thực hiện mục tiêu trên, TPHCM giao Cục Thuế, Cục Hải quan TPHCM chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường các biện pháp để quản lý, nuôi dưỡng và bồi dưỡng nguồn thu theo hướng đảm bảo tính bền vững của nguồn thu ngân sách nhà nước.
Trong đó, tập trung theo hướng hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế đẩy mạnh và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh giai đoạn hậu phục hồi đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế nhằm ngăn chặn hành vi gian lận thuế. Tăng cường rà soát, quản lý, đôn đốc, xử lý thu hồi các khoản nợ đọng…
Tích cực hỗ trợ tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp có ý thức chấp hành tốt pháp luật hải quan, tăng cường cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan.
Đồng thời, UBND TPHCM giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu triển khai các giải pháp thu hút nguồn vốn đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi phát triển các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế để thúc đẩy mạnh mẽ các hình thức đầu tư ngoài ngân sách nhà nước nhằm tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội.
Ngoài ra, Sở Tài chính được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp về huy động vốn theo Luật Ngân sách nhà nước như phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tạm ứng vốn nhàn rỗi Kho bạc Nhà nước, khoản vay hỗ trợ chính sách phát triển cho ngân sách TP từ nguồn vốn của Ngân hàng Thế giới (Chương trình DPO) và các khoản vay đối với các dự án ODA…
Mặt khác, UBND TPHCM giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát các trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định; tăng cường quản lý, sử dụng đất đai đảm bảo sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, tiết kiệm; xử lý theo quy định của pháp luật đối với các khu đất sử dụng sai mục đích, không đúng công năng, lãng phí, kém hiệu quả để thu hồi và tổ chức bán đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách TP…