Theo dự báo của nhiều chuyên gia, thị trường bán hàng qua truyền hình (tivi shopping) tại Việt Nam có mức tăng trưởng khoảng 30%/năm. Tuy nhiên, để có thể tham gia vào thị trường hấp dẫn này lại không hề đơn giản.
Điểm mặt anh tài
Tháng 2 vừa qua, Công ty TNHH Mua sắm tại nhà Lotte Đất Việt (Lotte DatViet Homeshopping) đã chính thức ra mắt tại TPHCM với mục tiêu xây dựng một “siêu thị trên truyền hình”. Đây là liên doanh giữa Lotte Homeshopping của Hàn Quốc thuộc Tập đoàn Lotte và Đất Việt VAC tại Việt Nam.
Được biết, vốn đầu tư cho dự án này là 6 triệu USD, trong đó Lotte Homeshopping góp 85%. Công ty này cam kết khoảng hơn 90% lượng hàng hóa bán ra có nguồn gốc từ trong nước. Như vậy, đây là nhà bán lẻ qua truyền hình thứ 2 của Hàn Quốc có mặt tại Việt Nam.
Trước đó, vào giữa năm 2011, Công ty SCJ TV Shopping chính thức có mặt tại Việt Nam. Đây là liên doanh giữa Công ty CJO Shopping (Hàn Quốc) và Công ty TNHH Truyền hình Cáp Saigontourist (Việt Nam) để cho ra đời kênh mua sắm SCJ Life On. Cho đến nay, theo chia sẻ của SCJ TV Shopping công ty có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng khoảng 20%/năm.
Với kinh nghiệm 15 năm có mặt tại thị trường home shopping Hàn Quốc, đại diện CJO Shopping hoàn toàn tin tưởng sẽ thành công tại Việt Nam. Đặc biệt, Việt Nam hiện có hơn 60% dân số ở độ tuổi 35, rất nhạy bén với các kênh mua sắm hiện đại.
Ngoài 2 tên tuổi lớn của Hàn Quốc, tại Việt Nam Co.opMart trở thành đơn vị đi tiên phong trong việc bán hàng qua truyền hình. Đây là sự kết hợp giữa Co.opMart và Đài Truyền hình TPHCM. Điểm nhấn của kênh là các chương trình bán hàng, giới thiệu chi tiết đến người tiêu dùng những sản phẩm có chất lượng sản xuất tại Việt Nam, được lồng ghép cùng những thông tin tư vấn thiết thực.
Có vẻ như cả DN trong nước lẫn nước ngoài đang đánh đúng tâm lý của người tiêu dùng. Bởi theo một khảo sát gần đây, 70% người tiêu dùng hiện đang tin tưởng vào các sản phẩm “made in Vietnam”. Hình thức tivi shopping có mặt tại Việt Nam từ khoảng năm 2008 và đến nay đã có hàng chục kênh truyền hình đang hoạt động.
Với những lợi thế thời gian giới thiệu sản phẩm lâu hơn, có thể nhấn đi nhấn lại những thông điệp quan trọng, đặc biệt là những sản phẩm cần chứng minh…, tivi shopping được dự báo sẽ trở thành phương thức mua sắm phổ biến trong tương lai. Song thực tế 2 năm gần đây lại chứng minh điều ngược lại.
Bí quyết là sự trung thực
Trung thực trong kinh doanh có vẻ như là một thứ lý thuyết quá cũ nhưng trên thực tế nó lại luôn mới, đặc biệt trong kinh doanh theo hình thức tivi shopping. Vì với kênh này, DN bán cho người tiêu dùng cái mà họ chỉ được xem qua truyền hình chứ không được trực tiếp mắt thấy, tay sờ.
Nhưng thời gian qua, người tiêu dùng đã liên tục mất niềm tin vào các sản phẩm được bán thông qua các kênh truyền hình. Và đỉnh điểm của kiểu làm ăn chụp giựt là việc các cơ quan chức năng phải vào cuộc.
![]() |
Co.opMart là đơn vị Việt Nam tiên phong trong việc bán hàng qua truyền hình. Ảnh: LÃ ANH |
Cụ thể, giữa năm 2011, UBND TPHCM đã quyết định xử phạt 134 triệu đồng đối với các sai phạm trong hoạt động kinh doanh của CTCP Đầu tư phát triển & thương mại quốc tế Việt An (công ty bán hàng qua truyền hình có tên gọi VietHome Shopping); xử phạt Công ty Happy Shopping 451 triệu đồng với hàng loạt vi phạm về hành vi nhập khẩu và bán hàng giả, hàng nhập lậu, kinh doanh mỹ phẩm chưa đăng ký…
Đó chỉ là 2 trong số không ít các DN tham gia kinh doanh loại hình này bị các cơ quan chức năng xử phạt do hành vi kinh doanh thiếu trung thực. Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, chia sẻ: “Trong tiếp thị bán hàng hiện đại, việc lợi dụng lòng tin để lừa dối người tiêu dùng là điều tối kỵ. Nhưng đó cũng có thể là cơ hội để người tiêu dùng và thị trường loại bỏ những DN làm ăn thiếu nghiêm túc”.
Lấy kinh nghiệm từ những đơn vị đi trước, những DN đi sau luôn giơ cao khẩu hiểu bán hàng chính hãng, giá cả hợp lý. Điều này có lẽ cần thời gian chứng minh. Nhưng còn có một thực tế DN sẽ phải đối mặt khi tham gia kinh doanh loại hình tivi shopping, đó là thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang có những thay đổi, nhất là trong năm 2012 nền kinh tế dự báo còn nhiều khó khăn.
Theo một nghiên cứu của FTA, người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm mua sắm tại các kênh hiện đại và chuyển qua kênh truyền thống để có mức giá rẻ hơn. Cụ thể, riêng trong lĩnh vực thời trang và làm đẹp chỉ có 2% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho hay sẽ chọn tivi shopping làm kênh mua sắm.
Hành trình các DN phải đi trên con đường chinh phục người tiêu dùng Việt Nam hết sức khó khăn dù dự báo tăng trưởng khá khả quan. Thay đổi một thói quen mua hàng thông qua việc trực tiếp mắt thấy, tai nghe, tay sờ, miệng trả giá bằng việc chỉ nghe và thấy qua truyền hình quả vẫn còn chờ thời gian kiểm nghiệm.