Dựa vào kế hoạch số 51 (ngày 10-3-2021), TP Cần Thơ dự kiến chi khoản tiền trên (vốn đề xuất ngân sách hơn 22,5 tỷ đồng, vốn đối ứng của nông dân hơn 7 tỷ đồng) để triển khai phòng chống chuột, bảo vệ sản xuất, trồng trọt giai đoạn 2021-2025.
Theo TP Cần Thơ, chuột phá hoại diện tích sản xuất trên địa bàn trung bình 2%-3% mỗi năm. Việc xây dựng kế hoạch diệt chuột là để dự phòng cho kịch bản chuột phá hoại đến mức 5% diện tích và sẽ có kế hoạch cụ thể, tùy tình hình chuột phá hoại của từng năm. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng, đây chỉ là dự trù được tính toán dựa trên thực tế nạn chuột phá hại trong nhiều năm. Tuy nhiên, khi triển khai thì phải phụ thuộc vào từng năm để thực hiện. Từng năm phải xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND TP Cần Thơ xem xét; chứ không phải TP có sẵn khoảng 30 tỷ đồng để sử dụng vào phòng chống chuột…
Kế hoạch đề ra mục tiêu khá rõ ràng, thể hiện sự quan tâm, chủ động của chính quyền trong việc ứng phó với chuột gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, khi vừa công khai đã khiến rất nhiều nông dân băn khoăn. Theo đó, nội dung “tập huấn nông dân” diệt chuột trong 5 năm, TP Cần Thơ sẽ triển khai 1.585 cuộc tập huấn (trên cây lúa 1.500 cuộc, cây ăn trái 85 cuộc, mỗi cuộc 1 ngày) cho nông dân. Như vậy, mỗi năm sẽ có 317 cuộc, mỗi tháng có hơn 26 cuộc tập huấn và gần như ngày nào trên địa bàn cũng có tập huấn diệt chuột (!?) Tất nhiên, tập huấn cũng cần phải có giảng viên, địa điểm, phương tiện hỗ trợ, đi lại... tất cả đều phải quyết toán bằng ngân sách.
Nói về cách diệt chuột, nông dân miền Tây nói chung và TP Cần Thơ nói riêng, chắc hẳn không lạ đến mức phải “tập huấn”. Đó là chưa kể người miền Tây còn coi chuột là một đặc sản, món ăn khoái khẩu thì việc bắt và diệt chuột trở nên rất đỗi bình thường. Trẻ con vẫn thường hay đi bắt chuột là vậy. Mặc dù thực tế hiện nay cho thấy, vẫn còn tình trạng nông dân dùng các loại thuốc hóa học độc hại, thuốc cấm, dùng điện... để diệt chuột. Tuy nhiên, để nông dân triển khai các giải pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả, chắc hẳn không phải chỉ có cách “tập huấn”. So với “tập huấn” thì nền tảng công nghệ số, công nghệ thông tin hiện nay, chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn cho việc tuyên truyền giải pháp diệt chuột vừa hiệu quả, an toàn, vừa không tạo nên gánh nặng cho ngân sách.
Trong kế hoạch phòng chống chuột, TP Cần Thơ còn đưa ra nhiều giải pháp khác trong 5 năm như: mua 112.500 bẫy chuột, 5.625kg thuốc sinh học, 35 bẫy cây trồng, in 2.500 poster, 25.000 tài liệu bướm, lễ phát động phòng diệt chuột, hội nghị triển khai, tổng kết... Theo kinh nghiệm của nhiều lão nông thì chuột là một loài tinh khôn. Cùng một địa điểm, mỗi loại bẫy chỉ có thể bắt được một vài con; sau vài lần “sập bẫy” chuột sẽ không “dính chưởng” nữa. Trong trường hợp đầu tư cùng 1 loại bẫy, 1 loại thuốc, chắc chắn hiệu quả mang lại sẽ không cao...
Nhiều nông dân cho biết, hiện chuột chỉ bùng phát số lượng lớn và tàn phá mạnh theo mùa, có tính chu kỳ khá rõ. Tiêu biểu như chuột xuất hiện và phá lúa nhiều ở vụ đông xuân. Nếu thời điểm này, nông dân nhận được sự cảnh báo sớm, kịp thời của ngành chức năng để đồng loạt triển khai các biện pháp diệt chuột, sẽ giảm được thiệt hại đáng kể. Ngoài ra, chuột cũng có tập tính “di cư” để tìm thức ăn, môi trường sống tốt hơn, nên liệu sau 5 năm thực hiện kế hoạch, TP Cần Thơ có khống chế được sự sinh sôi của chuột? Đây là một câu hỏi mà nhiều người băn khoăn!