Băn khoăn hoạt động trải nghiệm: Con vui một, ba mẹ lo mười!

(ĐTTCO) - Sau khi một trường THCS ở huyện Hóc Môn (TPHCM) bị yêu cầu tạm dừng hoạt động ngoại khóa do liên quan chỉ đạo 'bằng mọi giá phải cho lớp tham gia đầy đủ' của hiệu trưởng, dư luận một lần nữa băn khoăn về ý nghĩa thật sự của hoạt động này ở trường học.

Đến hẹn lại... đi

Tuần qua, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TPHCM tổ chức cho học sinh tham gia ngoại khóa tại 2 khu vui chơi lớn trên địa bàn TPHCM là Công viên Văn hóa Đầm Sen và Khu du lịch Suối Tiên. Chị Phương Anh, phụ huynh có con đang học lớp 2, Trường Tiểu học Bế Văn Đàn (quận Bình Thạnh), cho biết: “Dù đã nhiều lần đi công viên nước với ba mẹ nhưng đây là lần đầu tiên được đi cùng các bạn nên con háo hức chuẩn bị quần áo suốt cả đêm. Con vui một, ba mẹ lo mười vì các trò chơi vận động dưới nước tiềm ẩn nhiều rủi ro”.

Trước đó, vào giữa tháng 3-2023, Trường Tiểu học thực hành - Đại học Sài Gòn (quận 3) có kế hoạch cho học sinh đi ngoại khóa tại một khu vui chơi tại tỉnh Long An. Tuy nhiên, sau khi Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản rà soát, chấn chỉnh hoạt động ngoài giờ chính khóa, trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh, trong đó yêu cầu trường tiểu học không tổ chức hoạt động trải nghiệm cho học sinh tại các địa điểm ngoài TPHCM, nhà trường đã đồng loạt gửi tin nhắn cho phụ huynh thông báo thay đổi địa điểm tổ chức hoạt động trải nghiệm.

Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TPHCM) tham gia hoạt động trải nghiệm vào giữa tháng 3-2023

Học sinh Trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh, TPHCM) tham gia hoạt động trải nghiệm vào giữa tháng 3-2023

Nếu như trường tiểu học sôi nổi các hoạt động ngoại khóa vào nửa cuối tháng 3, thời điểm sau Tết Nguyên đán và trước kỳ kiểm tra giữa học kỳ 2, thì hai bậc THPT và THCS nhộn nhịp ngoại khóa vào khoảng tháng 12. Sau khi học sinh hoàn tất bài kiểm tra cuối học kỳ 1, nhiều trường tổ chức cho học sinh tham quan ngoại khóa kết hợp giáo dục kỹ năng sống hoặc các chủ đề liên môn học. Chẳng hạn, vào tháng 12-2022, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) đồng loạt tổ chức cho học sinh ba khối 10, 11, 12 tham gia ngoại khóa tại TP Đà Lạt.

Do số lượng học sinh tham gia khá đông nên trường huy động hơn 30 xe du lịch cùng toàn thể cán bộ, giáo viên đi theo để đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi. Cũng trong khoảng thời gian này, nhiều trường THPT khác như Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh), Trưng Vương (quận 1), Nguyễn Du (quận 10)… chọn TP Đà Lạt làm điểm đến cho hoạt động ngoại khóa.

Có bắt buộc?

Chia sẻ với PV Báo SGGP, một phụ huynh có con học ở Trường Trung học thực hành - Đại học Sư phạm TPHCM (quận 5) cho biết, trong một hoạt động ngoại khóa do trường tổ chức trước đây tại một khu du lịch ở Lâm Đồng, do lo lắng nên nhiều phụ huynh quyết định gác lại công việc đi cùng con. Các con đi xe du lịch 45 chỗ, phụ huynh hùn tiền thuê xe 16 chỗ đi theo. Buổi tối ở khách sạn, các con sinh hoạt chung với nhau, các phụ huynh thuê phòng ở gần đó.

Điều khiến nhiều người băn khoăn là hoạt động ngoại khóa tuy không bắt buộc học sinh tham gia, nhưng thực tế lại có hàng trăm lý do để giáo viên “huy động càng nhiều học sinh đi càng tốt” như đề xuất ban đại diện phụ huynh học sinh trích quỹ lớp đóng phí tham gia cho các bạn có hoàn cảnh khó khăn, kết hợp vui chơi ngoại khóa và cho học sinh viết bài thu hoạch, cộng điểm thưởng môn học cho học sinh có bài thu hoạch tốt sau chuyến đi...

Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM), khái niệm “hoạt động trải nghiệm” chưa được hiểu đúng ở tất cả trường học. Trước đây, khi chưa triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, hoạt động ngoại khóa - còn có tên gọi khác là ngoài giờ chính khóa - được triển khai với mục đích củng cố kiến thức, tăng cường kỹ năng sống, đẩy mạnh hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh và có thu phí khi triển khai thực hiện.

Đây là hoạt động không bắt buộc, giáo viên không tính điểm hay kiểm tra, đánh giá học sinh. Khi Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai cuốn chiếu ở các bậc học, hai bậc THCS và THPT có thêm hoạt động giáo dục bắt buộc, tương đương một môn học, là hoạt động trải nghiệm (triển khai ở khối 6, 7) và hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp (khối 10). Hoạt động quy định thời lượng 3 tiết/tuần, giáo viên giảng dạy theo các chủ đề trong sách giáo khoa, có kiểm tra, đánh giá học sinh. Như vậy, cùng tên gọi “hoạt động trải nghiệm” nhưng có sự nhập nhằng giữa hai hình thức trong chương trình cũ và mới.

Hạn hẹp về kinh phí

Hiệu trưởng một trường THPT ở quận 3, TPHCM chia sẻ, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 mang tính bắt buộc nhưng không có quy định kinh phí.

Nếu tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động theo đúng tinh thần môn học thì trường không biết lấy kinh phí ở đâu thực hiện; ngược lại nếu chọn giải pháp an toàn là tổ chức học trên… giấy, hoạt động ở sân trường thì chưa phát huy hết mục tiêu, ý nghĩa của môn học.

Hiện nay, có trường đưa hoạt động này vào thời khóa biểu chính khóa, có nơi tổ chức thành hoạt động chuyên đề vào cuối mỗi học kỳ.

Một cán bộ Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT TPHCM) nêu thực tế, hiện nay để tiết kiệm thời gian, đồng thời huy động số lượng lớn học sinh tham gia để thuận tiện cho công tác tổ chức, nhiều trường học gộp chung hai mục đích ngoại khóa (không bắt buộc) và trải nghiệm theo chương trình môn học (có tính bắt buộc) trong cùng một chuyến đi.

Học sinh được kết hợp tham quan ngoại khóa, vui chơi và triển khai các chủ đề học tập liên môn trong chương trình. Vì vậy, nếu học sinh không tham gia chuyến đi sẽ chịu thiệt thòi trong kết quả kiểm tra, đánh giá khiến phụ huynh lầm tưởng là hoạt động bắt buộc.

Bên cạnh đó, dù có quy định trước khi triển khai hoạt động, trường học phải gửi kế hoạch tổ chức về cơ quan quản lý thẩm định và phê duyệt (Sở GD-ĐT TPHCM đối với cấp THPT, và Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, 21 quận, huyện đối với mầm non, tiểu học, THCS), tuy nhiên, trên thực tế, nhiều nơi gửi kế hoạch chỉ mang tính báo cáo, hiệu trưởng hoàn toàn chịu trách nhiệm tổ chức chuyến đi trên cơ sở đồng thuận với phụ huynh học sinh.

Không nhất thiết trải nghiệm ngoài nhà trường

Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, hoạt động trải nghiệm theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 không bắt buộc tổ chức ngoài khuôn viên trường học. Thay vào đó, các trường có thể tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau như sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục theo chủ đề, hoạt động câu lạc bộ…

Đối với hoạt động trải nghiệm tổ chức ngoài nhà trường, có tiến hành thu phí, ban giám hiệu cần bàn bạc cụ thể với phụ huynh, tổ chức đăng ký trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh tham gia.

Học sinh nào không tham gia thì cơ sở giáo dục xây dựng phương án học tập tương đương cho học sinh, có kiểm tra, đánh giá bằng hình thức thay thế. Riêng ở bậc tiểu học, trường học phải đảm bảo an toàn cho học sinh, không tổ chức hoạt động trải nghiệm ra khỏi TPHCM.

Đối với hoạt động ngoài giờ chính khóa, kế hoạch tổ chức phải đảm bảo tính thiết thực, gắn với mục tiêu, nội dung giáo dục cụ thể, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời chú trọng công tác an toàn, hiệu quả trong quá trình tổ chức, hạn chế tổ chức toàn trường, nhiều khối hoặc quá đông học sinh trong cùng thời điểm.

Khi xây dựng chương trình, phải đặt tiêu chí đảm bảo an toàn tuyệt đối cho giáo viên, nhân viên và học sinh là trọng tâm hàng đầu, rà soát kỹ các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh. Sở GD-ĐT TPHCM khuyến khích đơn vị tổ chức đi tiền trạm địa điểm tổ chức trước khi xây dựng các phương án an toàn cho học sinh.

Khó khăn với trải nghiệm theo chương trình mới

Hoạt động trải nghiệm (đối với cấp THCS) và trải nghiệm - hướng nghiệp (đối với cấp THPT) theo quy định của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 dù mang tính bắt buộc nhưng qua 3 năm triển khai, cơ sở giáo dục vẫn thiếu đội ngũ giáo viên chuyên trách, hình thức kiểm tra, đánh giá theo hướng mở khiến mỗi nơi triển khai một kiểu.

Tại Trường THPT Dương Văn Thì (TP Thủ Đức), giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp được huy động từ ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm, trợ lý thanh niên, giáo viên các tổ bộ môn. Một cách làm khác, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) bố trí giáo viên môn Giáo dục công dân, Công nghệ (các môn học có ít tiết trong chương trình mới) kết hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đảm nhận giảng dạy.

Liên quan đến việc sắp xếp giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, thông tin, tùy vào tình hình nhân sự, các trường có kế hoạch bố trí giáo viên dạy phù hợp. Tuy nhiên, việc sắp xếp phải đảm bảo hài hòa quyền lợi của người học và người dạy, chú trọng công tác bồi dưỡng thường xuyên để giáo viên “chắc tay” khi đứng lớp.

Các tin khác