Cẩn trọng hiệu ứng ngược
Thật ra việc khuyến khích sinh con rất nhiều nước đã thực hiện từ lâu. Họ khuyến sinh bằng tiền mặt; tăng thời gian nghỉ chăm con trong thời gian thai sản và chăm con sau sinh cho vợ và cả chồng; được ưu đãi khi mua nhà (mua sớm, giảm giá, vay lãi suất thấp, vay dài hạn), được tặng phiếu mua các loại hàng phục vụ cho trẻ nhỏ…
Nói chung ưu tiên đủ thứ miễn là các cô, các chị chịu đẻ. Nhưng mấy chục năm qua tình hình cải thiện không bao nhiêu, quốc gia nào cũng có vấn đề nghiêm trọng về dân số.
Nói cho cùng dân số chỉ có 3 chuyện: sinh-tử-di chuyển. Bất cứ sự biến động nào lớn trong 3 chuyện này đều ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia. Thậm chí, chiến lược phát triển nào, chính sách nào khi xây dựng, ban hành đều phải ngó đến chuyện dân số. Từ phát triển giao thông, nhà ở, giáo dục, y tế, nông nghiệp, đến xây dựng lực lượng quân sự, hay cả nghĩa trang đều phải biết đến chuyện dân số.
Thế nhưng, sinh nhiều quá thừa lao động xã hội sẽ mất an ninh, còn sinh ít quá mà sống lâu quá thành ra xã hội già. Sinh nhiều bé trai khiến hàng triệu đàn ông khó tìm vợ, sinh nhiều bé gái chiến tranh không ai cầm súng đi đánh nhau, tất cả kéo nhau về TP, biên giới, hải đảo, vùng sâu vùng xa không có ai trấn giữ.
Quốc gia nào cũng ban hành rất nhiều chính sách liên quan đến dân số, nhưng chỉ vài chục năm sau thấy không ổn phải bãi bỏ. Nước Nga có thời gian xây dựng hàng triệu căn hộ cho gia đình, nhưng giới trẻ lại thích độc thân, hoặc kết hôn muộn, kết hôn rồi không muốn sinh con, nhu cầu chỉ là căn hộ cho người độc thân, vì thế chương trình nhà ở bị phá sản.
Năm 1978, Trung Quốc áp dụng chính sách 1 con nhằm giảm đà tăng dân số, được coi là thành công, khi sau hơn 40 năm chỉ tăng thêm 300 triệu người (nay là 1,4 tỷ). Nhưng hệ quả khác không lường được là gia đình nào cũng chọn bé trai, nên bé trai nhiều hơn bé gái 20%.
Điều đó có nghĩa hàng trăm triệu thanh niên Trung Quốc không lấy được vợ, kéo theo các tệ nạn như đồng tính, mua bán phụ nữ, mua bán trẻ em nữ…
Rốt cuộc, nước này phải thay thế bằng luật mỗi gia đình có 2 con. Như vậy, việc ban hành chính sách dân số rất khó khăn, nếu không cẩn trọng lại gây hiệu ứng ngược.
Ở Việt Nam hiện nay vấn đề dân số đã xuất hiện (dù chưa có gì nghiêm trọng cho đến lúc này), bao gồm già hóa dân số nhanh, tỷ lệ sinh thấp và phân bổ dân số các vùng miền quá chênh lệch. Tỷ suất sinh của người phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện 2,09 con/phụ nữ so với mức sinh thay thế 2,1 con, chưa đến mức đáng lo ngại.
Nhưng đáng lo là tỷ suất sinh ở phụ nữ TP thấp chỉ khoảng 1,53 con. Như thế việc khuyến sinh trong giai đoạn hiện nay chủ yếu tập trung khu vực đô thị.
Thực trạng ngại sinh con
Thực trạng ngại sinh con
Khoảng 10 năm trở lại đây, ở các TP lớn như Hà Nội, TPHCM, một bộ phận đông đảo thanh niên nam nữ không kết hôn, chọn lối sống độc thân. Một bộ phận khác có xu hướng kết hôn rất muộn, nữ 28, nam 32, nhưng không muốn sinh con. Số khác nữa muốn có con nhưng chỉ sinh 1 đứa, gái trai gì cũng được.
Liệu chính sách khuyến sinh có tác động mạnh đến thanh niên, để người lưỡng lự tìm bạn đời kết hôn, để chị em lấy chồng rồi không trì hoãn sinh, để người chưa muốn sinh con sẽ sinh con, người có 1 con sẽ sinh thêm.
Chắc ít nhiều có tác động, nhưng việc lựa chọn sinh con của các cặp không phải vì số tiền thưởng, mà vì những chuyện khác quan trọng hơn liên quan đến môi trường và chất lượng sống.
Có một thực tế, nuôi con bây giờ vất vả quá khiến các bạn trẻ ngại sinh. Sinh ra 1 đứa trẻ nuôi khôn lớn, trưởng thành không chỉ tốn kém tiền bạc, sức lực, còn trăm mối lo toan kéo dài gần 20 năm (chưa hẳn là đã hết).
Những ai làm cha làm mẹ mới biết việc sinh con, nuôi con, chăm con, dạy con và dưỡng con cơ cực biết nhường nào. Không chỉ lo cho chúng tránh ăn những thực phẩm bẩn, còn phải chạy trường, chuyển cấp, học thêm, đưa đón mỗi ngày. Nỗi lo lắng cho con thường trực mỗi ngày, mỗi giờ trước biết bao tai họa rình rập như đụng xe, chó cắn, sập hố, ngập nước, điện giật, cây đổ, bị bạo hành, bị xâm hại tình dục…
Môi trường sống như thế khiến các bạn trẻ ngại sinh, và nếu sinh rồi không sinh thêm nữa. Họ nghĩ rằng sinh con ra nhưng không nuôi nấng đến nơi đến chốn là có tội nên đừng sinh, hoặc chỉ sinh 1 đứa để có điều kiện chăm lo tốt hơn là 2, 3 đứa.
Rõ ràng nếu những đứa trẻ lớn lên trong môi trường lành mạnh, xã hội an ninh an toàn, môi trường tự nhiên trong lành, thực phẩm sạch, xã hội thân thiện, ít rủi ro, tương lai của chúng được đảm bảo, có lẽ Chính phủ không cần khuyến sinh các bạn trẻ vẫn sẽ sinh con. Thêm vào nữa, mặt bằng mức sống của các TP hiện nay quá thấp.
Hãy hình dung một sinh viên xuất sắc được giữ lại làm giảng viên đại học, sau 7 năm, được tăng lương 2 lần, hàng tháng nhận được chừng 5,5 triệu đồng khi đã 28-29 tuổi. Với thu nhập như vậy nuôi mình còn chật vật, nói chi đến mua nhà, kết hôn và sinh con.
Hiện có nhiều người, trong đó có cả lãnh đạo, lo sợ một ngày không xa TPHCM sẽ bị già hóa dân số nhanh chóng, thiếu lực lượng lao động do tỷ suất sinh thấp nhất cả nước.
Thực tế, TPHCM không phải là TP đóng mà là TP luôn trong trạng thái mở, lúc nào cũng có lực lượng thanh niên trẻ khỏe, thông minh năng động từ các tỉnh thành trong cả nước đến sinh sống và làm việc. TP không giống như hồ nước tù đọng quanh năm, mà là hồ nước luôn đầy tràn, tươi mới nhờ có nguồn nước dẫn vào và thoát ra thường xuyên, liên tục.
Một TP có sức hút như cục nam châm khổng lồ sẽ không bao giờ già nua. Đó chính là điều thú vị của TPHCM, khi lịch sử cho thấy TP này chưa bao giờ già.
Khuyến sinh bằng tiền là cần thiết, nhưng nó mới chỉ là gia vị, chưa phải là nhân tố quan trọng dẫn đến quyết định sinh con. Chỉ khi nào mặt bằng mức sống, điều kiện sống, môi trường sống tốt hơn mới hy vọng các bạn trẻ ham sinh con. |