Kênh trực tuyến được ưa chuộng
Theo thống kê trong giai đoạn cao điểm tháng 7-2021, sàn Tiki ghi nhận 10.000 đơn hàng/ngày với các mặt hàng thiết yếu. Lazada tiêu thụ 5-10 tấn/ngày đối với mặt hàng rau xanh và thực phẩm chế biến…
Ông Trần Ngọc Thái Sơn, CEO của Tiki cho biết tốc độ chuyển dịch từ mô hình truyền thống sang hiện đại đang diễn ra nhanh. Cụ thể, trong đợt dịch lần thứ 4, hầu hết mặt hàng cần thiết như thực phẩm, dụng cụ y tế, thuốc men, đồ dùng gia đình… đều được người dân đặt mua trên online.
Nhiều nhóm ngành tưởng như còn lâu nữa mới xuất hiện trên các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như thực phẩm tươi sống, trong những ngày giãn cách xã hội đã trở thành nhóm ngành tiêu thụ mạnh trên nền tảng trực tuyến.
Hành vi của người mua hàng thay đổi, các doanh nghiệp (DN) cũng phải nhanh chóng thay đổi để thích nghi trong dịch cũng như khi chuyển qua bình thường mới. Theo kết quả khảo sát với 15.000 nhà bán lẻ của Công ty Công nghệ Sapo, chuyển đổi số và dịch chuyển việc bán hàng lên không gian mạng đã bùng nổ trong bối cảnh dịch.
Cụ thể, so với năm 2019 và 2020, giải pháp được các nhà bán lẻ 2021 ưu tiên lựa chọn là đẩy mạnh việc bán hàng trên các sàn TMĐT và nền tảng trực tuyến. Theo đó, chuyển đổi kinh doanh từ offline lên online (chiếm 72,8%), tăng 9% so với năm 2020 (63,8%). Tỷ lệ nhà bán hàng kinh doanh offline, giảm từ 36,2% (năm 2020) xuống 20,9% (năm 2021).
Rất nhiều kỷ lục kinh doanh trực tuyến đã được ghi nhận, đặc biệt trên các sàn TMĐT vào những dịp siêu sale. Thí dụ, sàn TMĐT Shopee, trong ngày 12-12-2021 ghi nhận số lượng đơn hàng tại gian hàng của hãng đã tăng gấp 14 lần so với mức trung bình ngày thường.
Các thương hiệu trên gian hàng cũng thu hút thêm nhiều người dùng mới, theo đó trong 8 người dùng có 1 người mua sắm lần đầu tại đây. Bán lẻ trực tuyến không chỉ bùng nổ ở các sàn TMĐT chính thống, còn rất sôi động trên mạng xã hội như facebook, tiktok…
Báo cáo của Google, Temasel và Bain & Company, cho thấy xét về quy mô, thị trường TMĐT Việt Nam năm 2021 tăng trưởng đến 53% so với 2020, lên 13 tỷ USD. Cũng theo báo cáo này, từ khi bắt đầu đại dịch đến nửa đầu năm 2021, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới, với hơn một nửa trong số họ đến từ các khu vực không phải thành phố lớn.
Tuy nhiên, Google, Temasel và Bain & Company đánh giá quy mô thị trường thực sự có thể lớn hơn thống kê của họ. Bởi lẽ, số liệu này chỉ tính toán được quy mô của TMĐT chính thức, tức những giao dịch được thực hiện thông qua nền tảng bán lẻ trực tuyến chuyên nghiệp.
Còn việc người bán, người mua tự trao đổi thông tin qua tin nhắn, nhóm trò truyện trên các mạng xã hội, hay ứng dụng nhắn tin (giới chuyên môn gọi là TMĐT không chính thức) khó đo đếm hết được, bởi mảng TMĐT không chính thức lại khá phổ biến ở Việt Nam.
Nhức nhối gian lận thương mại
Nhức nhối gian lận thương mại
Đại dịch Covid-19 đã khiến lượng người bán, người mua trên nền tảng trực tuyến gia tăng nhanh chóng, bán lẻ trực tuyến đã có năm 2021 thực sự bùng nổ. Nhưng câu hỏi đang được quan tâm, khi dịch được kiểm soát, sự bùng nổ ấy liệu có được duy trì? Câu trả lời có lẽ là khó.
Theo khảo sát mới đây của CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) với người tiêu dùng, có tới hơn 45% người tham gia khảo sát cho biết sẽ mua sắm trực tuyến ít hơn so với khi đại dịch bùng phát. Rất nhiều cửa hàng đóng cửa trong thời gian dịch bệnh lan rộng, nhưng không có nghĩa chúng không còn quan trọng nữa.
TMĐT sẽ không thay thế các cửa hàng truyền thống. Khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn, khách hàng sẽ quay trở lại nhiều hơn, cửa hàng truyền thống là nơi lý tưởng để giới thiệu các mặt hàng mới.
Thêm lý do quan trọng nữa khiến sự bùng nổ khó duy trì, là chất lượng hàng hóa trên các kênh trực tuyến vẫn là vấn đề nhức nhối với người tiêu dùng và cơ quan quản lý. Đó là vấn nạn buôn bán hàng giả, nhái, kém chất lượng tràn lan từ các mạng xã hội đến các sàn TMĐT.
Trước đây người bán thường chụp ảnh sản phẩm sau đó đăng bán và dễ vướng nghi ngờ chỉnh ảnh, nay để tạo thêm “uy tín” đa phần người bán sẽ livestream. Thế nhưng livestream dùng hàng xịn để giới thiệu, còn khi đến tay khách mua... lại không như vậy.
Nếu mua trên các sàn TMĐT, khách có thể khiếu nại, đổi trả hàng nhưng cũng mất khá nhiều thời gian, nên với những món hàng giá trị không cao khách vẫn thường bỏ qua. Còn nếu mua trên các mạng xã hội phần nhiều chấp nhận mất tiền chứ khó lòng đổi trả. Vì thế, để tránh việc bỏ tiền thật mua hàng giả nhiều người tiêu dùng vẫn thích đến các cửa hàng thực.
Cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều cơ sở kinh doanh hàng lậu bằng hình thức livestream trên mạng xã hội. Nhưng những vi phạm ngày càng táo tợn hơn vì lợi nhuận thu về quá khủng.
Tính đến tháng 10-2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã thực hiện kiểm tra gần 2.500 vụ việc, phát hiện, xử lý trên 2.300 vụ vi phạm (bao gồm hành vi vi phạm về TMĐT và các hành vi lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả), xử phạt trên 18 tỷ đồng.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, trong khoảng 2-3 năm tới, tỷ lệ gian lận thương mại trên TMĐT sẽ chiếm khoảng 50-60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.
Mới đây nhất Chính phủ vừa ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT. Theo đó ngoài việc quản lý các sàn TMĐT truyền thống, các hoạt động kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội cũng đưa vào diện quản lý.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 1-1-2022, được kỳ vọng sẽ giúp quản lý việc bán hàng trực tuyến có hiệu quả hơn. Tất nhiên từ kỳ vọng đến thực tế quản lý vẫn cần thời gian chứng minh.
Vấn nạn buôn bán hàng giả, nhái, kém chất lượng tràn lan từ các mạng xã hội đến các sàn TMĐT, đang là rào cản khiến kênh bán hàng trực tuyến khó hấp dẫn người tiêu dùng trong thời kỳ bình thường mới. |