Đẳng cấp bóng đá Việt Nam vẫn đang ở trình độ bán chuyên nghiệp. Điều đó ai cũng biết, nhưng không ai nỡ quay lưng với bộ môn thể thao vua này. Về mặt chiến lược, quá trình xã hội hóa bóng đá đang được thúc đẩy tích cực. Về mặt công chúng, người hâm mộ vẫn dõi theo từng tiến bộ dẫu nhỏ nhoi nhất của các cầu thủ nước nhà. Thế nhưng, sau rất nhiều nghi án bán độ ầm ĩ mấy năm qua ở cấp câu lạc bộ lẫn cấp tuyển quốc gia, khán giả lại một phen choáng váng vì hành vi ngang nhiên dàn xếp tỷ số để cá độ của đội V.Ninh Bình.
Cơ quan công an vào cuộc đã khẳng định hơn 10 cầu thủ của đội V.Ninh Bình có dấu hiệu tham gia đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá và dàn xếp tỷ số trận đấu, trong số này có 6 cầu thủ từng khoác áo U23 và đội tuyển Quốc gia. Các cầu thủ liên quan đã giao nộp toàn bộ 800 triệu đồng số tiền thắng độ trong trận đấu giữa V.Ninh Bình và Kelanta của Malaysia tại AFC Cup ngày 18-3.
Trở lại trận cầu hôm ấy, khi đội bạn bị đuổi 2 cầu thủ, Ninh Bình đã giành chiến thắng 3-2. Chính huấn luyện viên Nguyễn Văn Sỹ cũng không thể ngờ các học trò của mình đã thi đấu không phải vì tinh thần túc cầu giáo mà vì khoản tiền thỏa thuận với giới đỏ đen ngoài sân cỏ. Ban lãnh đạo đội V.Ninh Bình hơn một lần nghi ngờ và tức giận về phong độ của các cầu thủ, nhưng chưa có giải pháp chấn chỉnh kịp thời.
Mỗi cầu thủ được chia 85 triệu đồng hoặc 75 triệu đồng từ màn trình diễn mưu mô ngoạn mục trong trận gặp đội Kelanta. Số tiền ấy không phải lớn, nhưng đủ để phơi bày thực trạng bê bối của bóng đá Việt Nam với hiểm họa suy đồi đạo đức cầu thủ. Nhiều hãng thông tấn quốc tế cũng bày tỏ sự bàng hoàng trước thái độ thi đấu như những kịch sĩ thực thụ của đội V.Ninh Bình.
Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Ninh Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với tội danh “đánh bạc và tổ chức đánh bạc” tại Câu lạc bộ bóng đá V.Ninh Bình. Nhưng án phạt dành cho những cầu thủ “nhúng chàm” liệu có vực dậy niềm tin bị tổn thương của người hâm mộ? Và khi người hâm mộ bị bán rẻ sẽ rất khó hình dung bóng đá Việt Nam còn trượt dài đến mức nào?
Từ câu chuyện đau đớn của các cầu thủ V.Ninh Bình, có lẽ đã đến lúc phải nghiêm khắc nhìn lại nền tảng bóng đá Việt Nam. Vì sao liên tục xảy ra những khuất tất đáng sợ? Vì nghèo đói? Vì buông lỏng kỷ cương? Vì bóng đá chỉ cần đôi chân mà không cần bộ óc và trái tim? Thu nhập cầu thủ vẫn tương đối cao so với mặt bằng dân sinh, vậy mà họ vẫn ngang nhiên luồn lách gian trá để kiếm thêm những khoản tiền bất chính, thì sự tử tế đã giống như điều xa xỉ trong đời sống rồi. Lời cảnh báo ấy không chỉ dành riêng cho bóng đá và cũng không dành riêng ở lĩnh vực thể thao.