Hiện nay, nhiều NH đã chuyển hướng bán vốn từ việc tập trung mời chào 1-2 đối tác chiến lược, sang bán vốn cho nhiều nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) để nhanh chóng giải quyết bài toán vốn điều lệ.
Lên Basel II cần 20 tỷ USD
Lên Basel II cần 20 tỷ USD
Đầu năm 2019, Vietcombank thông báo đã phát hành riêng lẻ thành công hơn 111,1 triệu cổ phiếu mới cho quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC Private Limited) và Mizuho Bank Ltd, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (tương đương với khoảng 265 triệu USD). Trong đó, GIC mua hơn 94,4 triệu cổ phần mới tương đương với việc sở hữu 2,55% cổ phần, Mizuho đã mua thêm hơn 16,6 triệu cổ phần mới để duy trì mức sở hữu 15% cổ phần Vietcombank.
Chỉ qua đợt bán vốn với tỷ lệ chỉ 3%, Vietcombank đã lập tức bổ sung được một lượng vốn rất lớn trở thành NH có vốn hóa lớn nhất tại Việt Nam. Điều này cho thấy sự tương phản rõ rệt giữa việc tăng vốn bằng nội lực và tăng vốn từ NĐTNN tại các NH Việt Nam. |
Ngành NH hiện nay đối mặt với áp lực tăng vốn rất lớn. Theo nhận định của hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings đưa ra vào tháng 9-2018, hệ thống NH Việt Nam có thể phải đối mặt với mức thiếu hụt vốn gần 20 tỷ USD (tương đương 9% GDP) để đáp ứng việc triển khai tiêu chuẩn Basel II.
Các năm gần đây, các NH liên tục tăng mạnh vốn tự có bằng nhiều biện pháp khác nhau, như phát hành chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài để tăng vốn cấp 2, không chia cổ tức để bổ sung vốn tự có, hoặc tăng vốn điều lệ theo 2 hình thức phổ biến là trả cổ tức bằng cổ phiếu và phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Một số NH xây dựng kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành các trái phiếu dài hạn. Nhưng rõ ràng các giải pháp trên chỉ giảm phần nào gánh nặng tăng vốn điều lệ, kết quả mang lại vẫn chưa đáng kể.
Đổi chiến lược bán vốn
Đổi chiến lược bán vốn
Tìm đối tác nước ngoài bán cổ phần hầu như luôn được các NHTM đặt ra và điều này ngày càng bức thiết trước yêu cầu tăng vốn của ngành NH. Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng nhận định, hầu hết các NH của Việt Nam sẽ thiếu vốn để đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt tiêu chuẩn Basel II, có hiệu lực từ năm 2020. Việc huy động vốn trong đó chủ yếu huy động từ các NĐTNN sẽ là tâm điểm chú ý trong năm 2019, vì thị trường vốn Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn phát triển.
Ảnh minh họa.
Quan sát thực tế, sau đợt rút vốn lần lượt khỏi NH nội của đối tác chiến lược ngoại trong các năm gần đây, việc tìm cổ đông chiến lược ngày càng khó khăn. Cho đến năm 2017, khi HDBank tiến hành bán 21,5% vốn cho hơn 76 NĐTNN, xu hướng bán vốn của NH bắt đầu có sự thay đổi. Từ việc tìm 1-2 đối tác chiến lược, các nhà băng đã mở rộng hình thức bán cổ phần cho nhiều tổ chức nước ngoài.
Cụ thể, năm 2018, trong giai đoạn niêm yết trên sàn, VPBank đã bán cổ phần cho 50 nhà đầu tư trong giai đoạn niêm yết (trong đó có nhiều tên tuổi lớn như GIC, Deccan, Clermont, Dragon Capital…). Việc mở rộng khách hàng nước ngoài mua cổ phần đã đẩy tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại VPBank từ 0% kể từ khi OCBC rút vốn, lập tức vọt lên mức 22,34%. Năm ngoái, TPBank chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho hơn 20 nhà đầu tư cũng thu về hơn 2.190 tỷ đồng, trong đó có các NĐTNN như PYN Elite Fund (Phần Lan), SBI Holdings…
Lên kế hoạch cho năm nay, nhiều NH cũng tính toán bán thêm cổ phần cho NĐTNN, nhưng cũng không nhắc đến đối tác chiến lược. Cụ thể, tại ĐHCĐ năm 2019, ông Võ Tấn Hoàng Văn, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc SCB cho biết, dự kiến SCB sẽ tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ lên 5.000 tỷ đồng thông qua chào bán riêng lẻ 500 triệu cổ phiếu, với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu sở hữu từ 0,5% vốn điều lệ trở lên, bao gồm cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.
Trong khi đó, lãnh đạo OCB cũng cho biết sẽ chốt bán cho NĐTNN trước khi niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM trong năm 2019. Tại tờ trình tăng vốn điều lệ chuẩn bị cho ĐHCĐ sắp tới, VPBank dự kiến sẽ phát hành tối đa 260 triệu cổ phần, tương đương khoảng 2.600 tỷ đồng. Số lượng phát hành cụ thể sẽ được tính toán chi tiết tại thời điểm phát hành để tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài/vốn điều lệ VPBank từ mức hiện tại 22,532% lên tối đa 30%.
Theo một chuyên gia tài chính, hiện nay việc tìm đối tác lớn khác thay thế vào khoảng trống mà cổ đông chiến lược cũ để lại ngày càng khó khăn hơn, vì tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại các NHTM vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đầu tư.
Trong khi đó, khả năng nới trần sở hữu của nước ngoài tại các NHTM Việt Nam theo nhu cầu của NĐTNN vẫn không cao, trừ các NH yếu kém. Do vậy nhiều NH buộc phải chọn giải pháp bán cổ phần gói nhỏ không chỉ đắt khách, mà còn được nhiều tổ chức nước ngoài hỗ trợ phát triển kinh doanh, quản trị rủi ro… nên nhiều NH đang lựa chọn để sớm giải quyết bài toán về vốn trước năm 2020.