Báo cáo qua kiểm toán: Nhiều DN bên bờ vực

Báo cáo soát xét nửa đầu năm 2012 ghi nhận tình trạng không mấy sáng sủa của các doanh nghiệp niêm yết đang phải đối mặt. Theo đánh giá của các công ty kiểm toán, khó khăn này đang ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

Báo cáo soát xét nửa đầu năm 2012 ghi nhận tình trạng không mấy sáng sủa của các doanh nghiệp niêm yết đang phải đối mặt. Theo đánh giá của các công ty kiểm toán, khó khăn này đang ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục hoạt động của nhiều doanh nghiệp.

Ngập trong nợ

Theo BCTC 6 tháng đầu năm 2012, CTCP Đầu tư tổng hợp Hà Nội (SHN) đã thua lỗ hơn 85,5 tỷ đồng. Giải trình về nguyên nhân gây thua lỗ, lãnh đạo SHN cho biết, do chưa thu hồi được công nợ nên không có vốn để hoạt động kinh doanh. Mặt khác, do chi phí lãi vay và các chi phí thường xuyên vẫn phát sinh khiến lợi nhuận sau thuế tụt giảm mạnh.

Còn đơn vị kiểm toán cho SHN là Công ty TNHH Dịch vụ kiểm toán và Tư vấn UHY cho biết tính đến ngày 30-6, tổng công nợ ngắn hạn của SHN là 328 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản ngắn hạn là 305 tỷ đồng. Riêng các khoản phải thu liên quan đến CTCP Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân là 238 tỷ đồng đã quá hạn thanh toán. SHN đã trích lập dự phòng số tiền 119 tỷ đồng, nên lỗ lũy kế tính đến cuối quý II là 216 tỷ đồng.

Với tình hình tài chính như trên, khả năng tiếp tục hoạt động của SHN phụ thuộc phần lớn vào khả năng thu hồi khoản công nợ liên quan đến CTCP Beta BQP và ông Nguyễn Anh Quân, cũng như khả năng thu xếp thanh toán các khoản nợ ngắn hạn.

Đánh giá về tình hình hoạt động của CTCP Đầu tư và Xây lắp dầu khí Sài Gòn (PSG), Công ty TNHH Tư vấn và Kiểm toán Việt Nam có ý kiến: “Tại thời điểm ngày 30-6, PSG có công nợ ngắn hạn vượt quá tài sản lưu động là 128 tỷ đồng, nợ gốc quá hạn các tổ chức tín dụng là 199 tỷ đồng, lãi chậm trả các tổ chức tín dụng gần 34 tỷ đồng. Điều này dẫn đến nghi ngờ của kiểm toán viên về khả năng hoạt động liên tục của PSG”.

Giải trình về ý kiến này, lãnh đạo PSG cho biết do tình hình tài chính nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng gặp nhiều khó khăn nên trong năm 2012 PSG chưa ký thêm được hợp đồng mới. Hoạt động trong nửa đầu năm 2012 chủ yếu là thực hiện các công trình/dự án chuyển tiếp từ các năm trước.

Thế nhưng, các công trình này cũng không dễ dàng trong việc thu hồi vốn do chủ đầu tư gặp khó khăn. Vì vậy, PSG không có nguồn trả nợ cho các tổ chức tín dụng dẫn đến dư nợ tín dụng lớn cộng với chi phí lãi vay cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động.

Mất khả năng thanh toán

Báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm 2012 của CTCP Tập đoàn Thái Hòa (THV) tiếp tục lỗ hơn 212 tỷ đồng. Với khoản lỗ mới này, lỗ lũy kế của THV đến thời điểm hiện nay là hơn 431 tỷ đồng. Theo Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn Thăng Long, tại thời điểm ngày 30-6, tài sản ngắn hạn của THV thấp hơn nợ ngắn hạn là 550 tỷ đồng, lỗ lũy kế tương đương 74,7% vốn điều lệ.

Chính vì vậy, khả năng hoạt động tiếp tục của THV phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các tổ chức tín dụng về kế hoạch giãn nợ và tái cơ cấu nợ. Đồng thời, với kế hoạch bán một phần tài sản, dự án, nếu công ty hoạt động không hiệu quả cũng như sự cam kết mua cổ phần khi phát hành riêng lẻ của cổ đông chính, THV rất khó tìm được cơ hội “hồi sinh”.

 NĐT theo dõi giá CK. Ảnh: LÃ ANH

NĐT theo dõi giá CK. Ảnh: LÃ ANH 

Theo BCTC quý II-2012 của CTCP Vận tải biển Hải Âu (SSG), số dư tiền cuối quý của doanh nghiệp chỉ còn 33 triệu đồng, bao gồm cả tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Tài sản ngắn hạn cuối quý II-2012 là 19 tỷ đồng, trong khi khoản nợ ngắn hạn của SSG đã lên tới 47 tỷ đồng. Ngay cả khi bán hết hàng tồn kho, SSG vẫn không đủ khả năng thanh toán. Chính vì vậy, SGG đang đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Đánh giá về tình hình hoạt động của SSG, Công ty Kiểm toán DTL cho rằng: “Tại thời điểm ngày 30-6, các khoản mục phải trả của SSG đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 28 tỷ đồng. Điều kiện này chỉ ra sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn, có thể đưa đến sự hoài nghi đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của SSG”. 

Đánh giá về BCTC giữa niên độ của CTCK Tràng An (TAS), Công ty TNHH Kiểm toán và Định giá Việt Nam cho biết tại thời điểm ngày 30-6 khả năng thanh toán nhanh của TAS chỉ đạt 0,044 lần. Mặt khác, các khoản nhận nợ lại các khoản vay của các NĐT với các tổ chức cho vay đều đã quá hạn thanh toán. Đồng thời khoản lỗ lũy kế đến ngày 30-6 xấp xỉ 70 tỷ đồng. Những điều này chỉ ra sự tồn tại của yếu tố có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của TAS trong các kỳ hoạt động tiếp theo.

Rủi ro ngoài dự kiến

Tổng CTCP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVX) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực xây lắp, thậm chí CP của PVX còn được xếp vào chỉ báo cho HNX Index. Thế nhưng, với kết quả kinh doanh sa sút nghiêm trọng trong thời gian gần đây, PVX đang khiến NĐT đứng ngồi không yên về khả năng hoạt động, đặc biệt sau khi có ý kiến của công ty kiểm toán. Theo Công ty Kiểm toán Deloitte, các khoản vay do Tổng công ty bảo lãnh 558 tỷ đồng hiện đang quá hạn cả về thời gian trả nợ lẫn thời gian bảo lãnh, trong khi doanh nghiệp chưa trích lập dự phòng trên BCTC. Trước đây, PVX đã ký hợp đồng xây lắp trọn gói với CTCP Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học dầu khí để xây dựng nhà máy sản xuất ethanol với giá trị trên 50 triệu USD. PVX đã thực hiện một phần hợp đồng và đã ký hợp đồng giao thầu cho CTCP Xây lắp Dầu khí Hà Nội (PVC Hà Nội) tiếp tục thực hiện phần còn lại trị giá hơn 43 triệu USD. Trong quá trình thực hiện, giá trị dự toán của công trình lại phát sinh thêm gần 14 triệu USD, vì có một số thay đổi về bảng thiết kế. Tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán, các bên vẫn chưa thống nhất và ký chính thức phụ lục hợp đồng về giá trị bổ sung của công trình.

Theo BCTC của CTCP Viglacera Hạ Long (VHL), quý II vẫn ghi nhận được mức lợi nhuận trên 2,8 tỷ đồng. Thế nhưng, lũy kế đến thời điểm ngày 30-6, VHL vẫn thua lỗ nặng do giá cả nguyên vật liệu đầu vào (than, dầu, điện, sắt thép) đều tăng. Trong khi đó, giá bán đầu ra của sản phẩm lại giảm do nguồn cung trên thị trường nhiều mà nhu cầu lại đứng ở mức thấp. Đánh giá về khả năng hoạt động của VHL, Công ty TNHH Dịch vụ tư vấn tài chính kế toán và Kiểm toán (AASC) cho biết lỗ lũy kế đến thời điểm  ngày 30-6 của VHL gần 81 tỷ đồng, đặc biệt tổng nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 321 tỷ đồng. Các dấu hiệu này dẫn tới sự nghi ngờ về khả năng hoạt động theo giả định hoạt động liên tục của VHL.

Các tin khác