Báo chí truyền thống vẫn có thế mạnh riêng

(ĐTTCO)-Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, nhận xét trước sức ép cạnh tranh về tốc độ đưa tin, một số cơ quan báo chí và nhà báo đang đang bị cuốn vào cuộc đua này. 
 
Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: VIỆT DŨNG
Mạng xã hội là nguồn thông tin phong phú, đa dạng, là công cụ để báo chí khai thác song điểm “chết người” hiện nay là việc đưa tin theo mạng xã hội nhưng thiếu kiểm chứng thông tin.
Sáng 24-10, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông cùng Hội Nhà báo TPHCM đã tổ chức tọa đàm "Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay".
Tham dự tọa đàm có đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM…
Mở đầu, ông Mã Diệu Cương, Chủ tịch Hội Nhà báo TPHCM nhận xét: Thời gian qua, báo chí TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Báo chí cũng là kênh thông tin quan trọng giúp lãnh đạo TPHCM kịp thời nắm bắt nguyện vọng, nhu cầu của người dân góp phần cho công tác quản lý hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, một số người làm báo còn mắc các khuyết điểm, sai lầm.

Do đó, buổi tọa đàm "Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay" được tổ chức nhằm tạo diễn đàn để nhà quản lý, cơ quan chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và những người làm báo có điều kiện trao đổi về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, góp phần nâng cao nhận thức của người làm báo, hướng đến nền báo chí lành mạnh, trung thực, có uy tín và tạo sự tin cậy trong lòng bạn đọc.

Tại buổi tọa đàm, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đánh giá việc làm báo hiện nay thuận lợi hơn song cũng nhiều rủi ro hơn. Cùng với truyền thông đa phương tiện, báo chí có điều kiện phát triển nhưng cạnh tranh gay gắt hơn.

“Thông tin nhiều chiều trên mạng nhưng không dễ sàng lọc, kiểm chứng. Điều kiện làm việc tốt hơn nhưng cũng dễ tạo cảm giác chủ quan và có thể gây ra những bệnh nghề nghiệp khó lường”, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo nhận xét.

Đánh giá về sự phát triển của truyền thông kỹ thuật số, của mạng xã hội, ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cho rằng, hiện nay bất cứ ai cũng có thể trở thành nguồn phát tin thông qua mạng xã hội. Điều này khiến việc kiểm soát thông tin và xác định tính chân thật, tin cậy trở nên khó khăn hơn.
Ông Lê Tiền Tuyến cũng nhận xét về mặt tiêu cực của kỷ nguyên số, đó là tạo ra nơi phát tán các thông tin không chính xác, sai sự thật, thông tin vô bổ, thiếu kiểm chứng. Đó là chưa kể thông tin bịa đặt, thiếu căn cứ vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm hoặc mang tính chống đối của các thế lực thù địch.

“Mạng xã hội ngày càng phát triển đã đưa báo chí vào cuộc đua khốc liệt trong việc cạnh tranh thông tin. Không thể phủ nhận mạng xã hội với nguồn tin đa đạng, bao phủ khắp nơi là công cụ để báo chí khai thác, phát hiện nhiều vấn đề nóng bạn đọc quan tâm. Tuy nhiên, điểm “chết người” hiện nay là việc săn tin, đưa tin theo mạng xã hội một cách thiếu kiểm chứng, nhất là những người làm báo trẻ và một số tờ báo điện tử làm rối loạn thông tin”, ông Lê Tiền Tuyến phân tích.

"Tôi tin chắc rằng mạng xã hội vẫn không thể thay thế báo chí chính thống. Công chúng vẫn cần những tác phẩm báo chí chất lượng, khả tín, định hướng dư luận… chứ không chỉ là những bài viết chỉ để thỏa mãn sự tò mò và hiếu kỳ đầy giật gân, câu khách. Chính vì vậy, công chúng đòi hỏi đạo đức người làm báo phải được rèn luyện, xem trọng. Việc chuẩn hóa đội ngũ và tôi rèn đạo đức cá nhân mỗi người làm báo ở từng cơ quan báo chí là điều bức thiết đang đặt ra hiện nay" - ông Lê Tiền Tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng.
Theo ông Lê Tiền Tuyến, chính vì các tin tức không chân thực, thiếu kiểm chứng đã tác động xấu đến vai trò, uy tín của báo chí, làm suy giảm lòng tin của công chúng đối với báo chí và làm tổn hại lợi ích của đất nước và cộng đồng. Điều này cho thấy vấn đề “đạo đức của người làm báo” trở nên nóng bỏng, không còn là khuyến cáo mà là cảnh báo đối với cơ quan báo chí chính thống.

Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng cũng dẫn chứng lại nội dung một cuộc họp mới đây với lãnh đạo báo chí, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nhận xét: “Hiện tượng báo chí “ăn theo” mạng xã hội rất không ổn, lãnh đạo các cơ quan báo chí phải xem xét lại để chấn chỉnh”.

Ông Lê Tiền Tuyến cho rằng phải trở lại vấn đề căn cốt của báo chí cách mạng: Trung thực trong thông tin. Bất cứ cơ quan báo chí nào cũng phải đảm bảo quy trình xuất bản, rà soát, thẩm định kỹ tính chính xác của thông tin nhằm tránh tình trạng cạnh tranh đưa tin nhanh để câu views nhưng sai sự thật hoặc tệ hơn là lợi ích riêng, lợi ích nhóm. 

Ông Lê Tiền Tuyến cho rằng một khi việc kiểm soát của Ban Biên tập mạnh mẽ, chặt chẽ thì sẽ tránh được tình trạng thông tin bôi đen, tô hồng, dựng chuyện không có thật và lan truyền thông tin xấu, độc hại.

“Sự kinh nghiệm trong thông tin và trách nhiệm công dân của nhà báo là điểm khác biệt của báo chí chính thống với mạng xã hội”, ông Tuyến lưu ý và nhấn mạnh đến yêu cầu về sự chuẩn xác của thông tin đối với nhà báo và các cơ quan báo chí khi phát tin. Tuy nhiên, hiện nay sự phối hợp, chia sẻ thông tin của cơ quan, cá nhân còn chưa tốt và báo chí chính thống vô hình trung đã bị tước mất vũ khí “nhạy bén”, kịp thời của mình. Đợi đến khi người có trách nhiệm phát ngôn lên tiếng thì vấn đề đã nguội lạnh hoặc câu chuyện đã bị mạng truyền thông tự do, không bị kiểm soát đẩy đi rất xa.

Báo chí truyền thống vẫn có thế mạnh riêng ảnh 1 Đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, trao đổi cùng đồng chí Thân Thị Thư, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; đồng chí Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Phát biểu kết luận buổi tọa đàm, đồng chí Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đánh giá báo chí đã góp phần tích cực vào việc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi để phát triển TPHCM.
Hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hóa truyền thông, việc cạnh tranh của các cơ quan báo chí trở nên mạnh mẽ, trong đó có cả việc cạnh tranh giữa báo chí và mạng xã hội. Điều này cũng nảy sinh nhiều hành vi tiêu cực trong đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ đội ngũ những người làm báo, làm ảnh hưởng đến vị thế và uy tín của cơ quan báo chí; làm cho vai trò tuyên truyền, vận động, định hướng dư luận của báo chí bị suy giảm đáng kể.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho rằng công chúng độc giả cần có cái nhìn khách quan về sự đóng góp của những người làm báo. Đặc biệt, trong bối cảnh truyền thông xã hội đang cạnh tranh quyết liệt với truyền thông chính thống, đòi hỏi người đọc phải tỉnh táo và nâng cao năng lực tiếp nhận, thẩm định tính tin cậy của báo chí và coi báo chí là một kênh thông tin đồng hành và phát triển.
Để nâng cao vai trò, trách nhiệm và bản lĩnh của người làm báo, đồng chí Thân Thị Thư cho rằng các cơ quan lãnh đạo, quản lý báo chí cần xây dựng các quy định cụ thể kiểm soát hoạt động của cơ quan báo chí mình phụ trách. Cạnh đó, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
“Lãnh đạo các cơ quan chủ quản phải phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc lãnh đạo, quản lý”, đồng chí Thân Thị Thư lưu ý. Đồng chí đề nghị cơ quan chủ quản cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ tài chính đối với báo chí làm nhiệm vụ chính trị, thông tin, tuyên truyền thiết yếu.
Đối với đội ngũ người làm báo, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP nhấn mạnh đến việc chú trọng hơn nữa trong giáo dục, rèn luyện đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm xã hội. Đồng chí Thân Thị Thư cũng dẫn lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức của người làm báo; và cho rằng khi đã lựa chọn nghề báo thì phải “mắt sáng, lòng trong, bút sắc”, phải nhận thức về trách nhiệm xã hội, về sự trung thực, bảo vệ lẽ phải, tôn trọng và chấp hành pháp luật luôn phải được đặt lên hàng đầu.

Tổng Biên tập “dễ dãi”, phóng viên sẽ hư hỏng!

Đại tá Trần Trọng Dũng, Tổng Biên tập Báo Công An TPHCM, nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu các cơ quan báo chí. Một tờ báo có đạo đức báo chí thì đầu tiên đòi hỏi Tổng Biên tập phải có bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn sâu rộng và sự tử tế.

“Nếu tổng biên tập cổ súy hay thấy các phóng viên có những biểu hiện vi phạm đạo đức trong quá trình tác nghiệp như cố tình bịa đặt, sao chép hoặc “đánh hội đồng doanh nghiệp”, xâm phạm bí mật đời tư… mà không kip thời uốn nắn thì phóng viên có vi phạm sẽ coi là sếp đã "bật đèn xanh" cho làm”, Đại tá Trần Trọng Dũng nhận xét. Nhấn mạnh trên thực tế, Tổng Biên tập Báo Công An TPHCM cũng nhận định các phóng viên thường nhìn vào cách xử sự của Tổng Biên tập để đánh giá về quan điểm, nhận thức cũng như đạo đức của người lãnh đạo.

Vì vậy, Đại tá Trần Trọng Dũng cho rằng sự gương mẫu của Tổng Biên tập trong việc thực thi đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là cực kỳ quan trọng.

Các tin khác