Bao giờ đến tết hết lo?

Cứ đến độ gần tết hàng hóa lại thi nhau đổ về thị trường TPHCM. Hiện hàng thiết yếu phục vụ tết đã được bày bán tràn ngập với nhiều mẫu mã và chủng loại khác nhau. Theo tâm lý chung, năm nay, người dân sẽ đón tết tiết kiệm nên những sản phẩm có mức giá vừa phải sẽ hút hàng hơn sản phẩm cao cấp.

Cứ đến độ gần tết hàng hóa lại thi nhau đổ về thị trường TPHCM. Hiện hàng thiết yếu phục vụ tết đã được bày bán tràn ngập với nhiều mẫu mã và chủng loại khác nhau. Theo tâm lý chung, năm nay, người dân sẽ đón tết tiết kiệm nên những sản phẩm có mức giá vừa phải sẽ hút hàng hơn sản phẩm cao cấp.  

Thời gian qua, hàng Việt đã bắt đầu chiếm lĩnh thị trường, nhưng do nhu cầu tiêu thụ hàng hóa dịp tết cao, trong khi giá cả tăng nên hàng kém chất lượng, giá rẻ đang trà trộn vào thị trường với số lượng lớn.

Càng cận tết, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ càng xuất hiện nhiều. Ở các chợ nông sản như Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền hay các chợ đầu mối chuyên về hàng tiêu dùng như Tân Bình, Bình Tây… mỗi ngày lượng hàng về chợ đều tăng 20-30% so với trước.

Đáng nói là sự xuất hiện của hàng Trung Quốc càng gần tết càng nhiều. Dù đã có nhiều cảnh báo về Trung Quốc kém chất lượng, nhưng nhiều tiểu thương vẫn nhập vì giá thấp dễ tiêu thụ.

Nhiều gian hàng ở chợ Bình Tây bày bán sản phẩm không nhãn mác với đủ chủng loại. Để tránh tâm lý sợ hàng Trung Quốc, nhiều mặt hàng đã được thay nhãn mác, đổi xuất xứ trên bao bì như sản xuất từ Malaysia, Indonesia hay Thái Lan, nhưng giá bán lại rẻ hơn những sản phẩm cùng loại được sản xuất tại Việt Nam rất nhiều.

Các mặt hàng rau củ quả đang được bày bán trên thị trường lại rất khó phân biệt nên rau củ quả Trung Quốc đều được giới thiệu là sản phẩm về từ Đà Lạt. Các mặt hàng thời trang xuất xứ Trung Quốc cũng được mời chào rầm rộ tại các chợ. Thậm chí, ở một số hội chợ bán hàng cuối năm, hàng Trung Quốc cũng trà trộn vào.

Để kiểm soát tình trạng trên, cơ quan quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử phạt một số tiểu thương, nhưng vẫn chưa thể phát hiện hết được vì lực lượng có hạn.

Việc kiểm tra chỉ mới tập trung ở các địa điểm trung chuyển hàng hóa hay đầu mối cung cấp, còn các địa điểm kinh doanh cá nhân ở các chợ chưa được chú ý, trong khi đây là nơi tập trung nguồn hàng kém chất lượng cao nhất.

Hiện nay, các DN Việt chỉ quan tâm đến những kênh bán hàng lớn, còn độ phủ tại các chợ truyền thống mới chiếm 40%, bỏ trống một khoảng thị trường rất lớn nên hàng ngoại dễ chen chân vào.

Trong 40% đó, hàng Việt mẫu mã đơn giản, giá cả đắt đỏ, ít chính sách hậu mãi nên tiểu thương không mặn mà phân phối. Thời gian tới, những điểm yếu này cần sớm được khắc phục để hàng Việt giành lại thị trường nội địa và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Các tin khác