Triển khai chỉ thị này UBND TPHCM giao các quận, huyện tích cực triển khai việc gắn camera dọc các tuyến kênh, triển khai việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera để xử lý các vi phạm về vệ sinh môi trường, xả rác ra kênh rạch, bằng các hình thức như nhắc nhở, phạt tiền. Thí dụ, từ ngày 1-1 đến 15-5-2021, quận Gò Vấp đã xử phạt 10 trường hợp vi phạm về vệ sinh môi trường với số tiền phạt hơn 19 triệu đồng.
Nhưng… kênh rạch bị coi như túi rác
Nhưng… kênh rạch bị coi như túi rác
Cứ vào 5 giờ sáng hàng ngày, có 2 ca nô chạy dọc theo tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè để gom rác, chỉ sau 2 giờ 2 ca nô đầy ắp rác. Tính chung, mỗi ngày đội thu gom rác của Công ty TNHH Môi trường đô thị TP thu gom được 7-10 tấn rác.
Con kênh này chỉ dài 8km, được chính quyền TP đầu tư gần 9.000 tỷ đồng, dự án thực hiện trong 10 năm, di dời hơn 7.000 hộ dân, tiến hành thành công việc hồi sinh con kênh từng bị coi là “kênh đen, kênh thúi, kênh chết”. Kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè hồi sinh không chỉ mang lại lợi ích thoát nước, cải tạo vệ sinh môi trường, còn hy vọng cho giao thông đường thủy và du lịch trên sông.
Công ty TNHH Thuyền Sài Gòn (Saigon Boat) là đơn vị đầu tư và khai thác kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Tháng 9-2015, tour du ngoạn trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè có tổng chiều dài 4,5km đi qua địa bàn các quận 1, 3, Bình Thạnh và Phú Nhuận cũng chính thức được đưa vào khai thác. Nhưng chỉ được thời gian ngắn cho thấy không hiệu quả, ít khách, nhất là khách nước ngoài.
Khi nghe giới thiệu họ háo hức liên tưởng tới tour du thuyền trên sông Seine ở Paris, sông Hoàng Phố của Thượng Hải, sông Matxcơva của Nga, hay chí ít cũng như sông Chaophraya của Bangkok. Nhưng khi trải nghiệm thực tế, du khách phải bưng miệng bịt mũi vì kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè quá hôi, nước đen thui và rác rến lềnh bềnh.
Các hộ dân, các hộ kinh doanh và sản xuất thải thẳng nước không qua xử lý ra kênh khiến nước kênh rất bẩn, đã nhiều lần cá chết lên đến hàng tấn nổi trắng mặt kênh. Nhiều người dân rất thiếu ý thức, họ coi kênh như là túi rác nên cứ dọn cửa hàng ăn nhậu sau một ngày là đổ xuống kênh, xác động vật như gà, vịt, chuột chết vứt xuống kênh.
Đáng sợ nhất là những thứ cồng kềnh, cứ đến nửa đêm, chọn những chỗ tối, vắng người qua lại, không có camera vứt giường, tủ, bàn ghế bị hỏng, nệm cao su, bộ xa lon giả da, cho đến cả xà bần đập ra từ nhà cũ xuống kênh. Tình trạng này kéo dài nhiều năm không sao khắc phục được. Cán bộ phường tổ dân phố, vệ sinh môi trường nhắc nhở, xử phạt nhưng vẫn không ăn thua.
Phải duy trì thành quả hậu dự án
Trước đây khi người Pháp quy hoạch Sài Gòn theo kiểu phương Tây đã chủ trương triệt để sử dụng giải pháp thoát nước tự nhiên. Các cống tiêu thoát khoảng 60% lượng nước mưa, nước triều, còn lại để chảy tràn xuống các ao, hồ, kênh, rạch. TPHCM trước năm 1990 có bị ngập bởi nước mưa và triều, nhưng ngập nông, rút nhanh, chỉ 30 phút là hết.
Sau năm 1995, khi TPHCM đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, hầu hết ao, hồ, đầm bị lấp hết, các kênh cũng rơi vào số phận tương tự. TPHCM đã cố gắng giải tỏa, tái định cư người dân trên và 2 bờ kênh, nhưng cho đến nay mới được 8km kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một đoạn kênh Tân Hóa-Lò Gốm và khôi phục lại được vài chục mét kênh Hàng Bàng.
Theo thống kê mới nhất, hiện nay TPHCM còn khoảng 25.000 hộ dân với hơn 100.000 người đang sống trên và ven 44 tuyến kênh rạch, tập trung ở các quận 6, 7, 8, 9, Bình Thạnh, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân, Thủ Đức và huyện Bình Chánh. Rất nhiều con kênh hoàn toàn bị phủ kín bởi rác, khiến dòng kênh không còn tác dụng trong việc tiêu thoát nước, như rạch Xuyên Tâm, rạch Văn Thánh…
Nếu TP tập trung nguồn lực khai thông 5 tuyến kênh xuyên tâm Tham Lương - Bến Cát (33km), toàn tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè (32km), Tân Hóa - Lò Gốm (8km), Tàu Hủ - Bến Nghé và Kênh Đôi - Tẻ (25,8km), rạch Xuyên Tâm dài 8,2km và một số ao hồ, chắc chắn bức tranh ngập nước của TPHCM sáng sủa hơn.
Việc khai thông kênh rạch hướng tới đa mục tiêu không chỉ khai thông hệ thống kênh để thoát nước tự nhiên, giảm ngập lụt, còn hướng tới các mục tiêu hữu ích khác, như tái định cư cho người nghèo đang sống trên và dọc theo các con kênh tới nơi ở mới cùng với các phương thức mưu sinh mới; nâng cấp giao thông bộ dọc theo tuyến kênh giúp giảm tải khu vực trung tâm TP lâu nay luôn bị ách tắc giao thông; khôi phục giao thông thủy, hỗ trợ giao thông bộ đã quá tải.
Đây được coi là hướng phát triển mới của TP trong thời gian tới, nhằm giảm ô nhiễm môi trường, trả lại các con kênh xanh sạch; tạo vi khí hậu làm giảm nhiệt độ khu vực; tạo ra cảnh quan đẹp dọc theo các trục kênh với các cây xanh, thảm cỏ, công viên, các điểm tập thể dục; tạo ra các không gian công cộng cho cộng đồng dân cư; khai thác du lịch thủy nội ô; khai thác quỹ đất dọc tuyến kênh phục vụ các công trình công cộng như công viên, siêu thị, nhà thể thao.
Tuy nhiên, dù các kênh rạch có được khai thông, điều quan trọng hậu dự án là duy trì thành quả đạt được. Bởi nếu việc tái lấn chiếm kênh rạch vẫn diễn ra, bà con vẫn vô tư hành hạ các dòng kênh bằng cách xả thẳng nước thải chưa qua xử lý, ném rác thải xuống kênh, nhất là các loại rác siêu trường siêu trọng, chúng lại mang trên mình số phận là dòng kênh rác hơn là dòng kênh xanh phục vụ người dân TP.
Khi người dân không tôn trọng những dòng kênh và môi trường tự nhiên, TP có gắn hàng ngàn camera, huy động hàng trăm nhân viên dọn rác, đoàn thanh niên phát động hàng chục ngày chủ nhật xanh, đâu vẫn hoàn đó.
Bài học từ một đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cho thấy, nếu TP có quyết tâm cao, huy động được nguồn lực của dân, việc cải tạo, chỉnh trang các dòng kênh là hoàn toàn hiện thực. |