Bão, lũ trong thi ca âm nhạc

(ĐTTCO) - Khi bão kéo đến hay lũ tràn về, thì cộng đồng càng hiểu con người phải gắn bó với con người hơn để dắt dìu nhau qua khốn khó. Trong thi ca đến âm nhạc cũng đã góp phần nhen nhóm lên tình nghĩa đồng bào sâu đậm khi bão lũ đến.

Bão, lũ trong thi ca âm nhạc

Bão tan thường kèm theo lũ quét, bão tan thường gây ngập lụt, nên dân gian gọi chung là “bão lũ” hoặc “bão lụt”. Trong thơ Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888) có cảnh nước lụt ở miền Tây Nam bộ: “Liu riu rừng quạnh nghe chim hót/Lổm xổm giường cao thấy chó ngồi/Nỡ để dân đen chìm đắm mãi/Này ông Hạ Vũ ở đâu rồi?”.

Còn trong thơ Nguyễn Khuyến (1835-1909) cũng có cảnh nước lụt ở đồng bằng sông Hồng: “Ai lên nhắn hỏi bác Châu Cầu/Lụt lội năm nay bác ở đâu/Mấy ổ lợn con rày lớn bé/Vài gian nếp cái ngập nông sâu”.

Thậm chí, sau khi chứng kiến 2 trận lụt năm Quý Tỵ 1893 và năm Ất Tỵ 1905, nhà thơ Nguyễn Khuyến có bài thơ “Vịnh nước lụt” đầy tâm trạng: “Tỵ trước Tỵ này chục lẻ ba/Thuận dòng nước cũ lại bao la/Bóng thuyền thấp thoáng dờn trên vách/Tiếng sóng long bong vỗ trước nhà/ Bắc bậc người còn chờ chúa đến/Đóng bè ta phải rước vua ra/Sửa sang việc nước cho yên ổn/Trời đã sinh ra ắt có ta”.

Bước sang thế kỷ 20, bão lụt diễn biến phức tạp hơn. Nhất là khu vực miền Trung, mỗi năm đều phải gánh chịu bao nhiêu cơn bão, bao nhiêu trận lụt. Câu khẩu hiệu ân tình “Hướng về miền Trung” đã trở nên quen thuộc cũng vì lẽ ấy.

Sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, nhà thơ Tường Linh (1931-2021) đã chứng kiến nhiều hình ảnh tang thương nên ông có bài thơ “Biết thuở nào quên” day dứt: “Một tối nước lên, nước tràn lên khủng khiếp/Cả trăm người, cả ngàn người không chạy kịp/Nước réo ầm ầm, át tiếng kêu la/Chới với, ngửa nghiêng, người cuốn theo nhà/Nhà theo sóng, người không thấy nữa/Những kẻ sống không nhà không cửa/Không áo cơm, không cả lệ thông thường/Cắn vành môi nhìn lại một quê hương/Bỗng run sợ, tưởng đây là địa ngục”.

Dù chưa đến mức gọi là “đại hồng thủy”, nhưng mỗi cơn lụt ở đâu cũng gây ra nỗi sợ hãi cho chúng sinh. Nhà thơ Vũ Quần Phương có bài thơ “Trong cơn lụt” viết về sự ám ảnh vùng chiêm trũng Nam Định: “Bàn chân quen với đất làng/Bây giờ đất ngạt dưới làn nước sâu/Cánh đồng vàng lúa còn đâu/Chùa chìm, Phật ngập dưới màu phù sa/Giữa dòng ta cứu lấy ta/Cây cau chới với nóc nhà chon von/Tiếng ai gọi dưới mưa dồn/Tiếng cha mẹ, tiếng bãi cồn quê hương”.

Tương tự, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (1952-2022) cũng khắc khoải cảnh ngập lụt bẽ bàng ở vùng tứ giác Long Xuyên: “Thương trăng vỡ trên đồng nước nổi/Gió thu ào khóc giữa mưa giăng/Ai biến đồng xanh thành biển cả/Cánh dế ngày xưa bỗng lạc đàn/ Bến sông giờ đã chìm trong lũ/Em dạt về đâu trong mưa giông”.

Trong khi đó, nhà thơ Đồng Đức Bốn (1948-2006) ở Hải Phòng lại kêu lên những lời hoảng hốt: "Ối mẹ ơi vỡ đê rồi/ Đồng ta trắng xóa cả trời nước trong/Trâu bò thất thểu long đong/Trên bè tre rối bòng bong xoong nồi/Ối mẹ ơi vỡ đê rồi/Mộ cha liệu có lên trời được không/Sao chưa thấy chiếc thuyền rồng/Chở con với mẹ qua giông bão này”.

Những giây phút khắc khoải trước thiên tai bao giờ cũng được xoa dịu bằng ngọn lửa tình thương đồng bào. Câu chuyện “Sau lũ” được nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng ở Huế miêu tả: “Những chuyến xe rồi cũng thông hành/Những chuyến xe tình thương cứu trợ/Rầm rập ra đi như cuộc hành quân về miền khổ/Người không quen người/Tay lại cầm tay/Hạt gạo nẩy mầm xanh lên sau cơn bão lũ/Thay thế màu xanh da người”.

Trong cơn bão Yagi, bài thơ “Bão” của nhà thơ Tế Hanh (1921-2009) viết từ năm 1956 lại được nhiều người nhắc đến. Bài thơ “Bão” vỏn vẹn 8 câu: “Cơn bão nghiêng đêm/Cây gãy cành bay lá/Ta nắm tay em/Cùng nhau qua đường cho khỏi ngã/Cơn bão tạnh lâu rồi/Hàng cây xanh thắm lại/Nhưng em đã xa xôi/Và cơn bão lòng ta thổi mãi”.

Em ruột của nhà thơ Tế Hanh là nhạc sĩ Thế Bảo đã phổ nguyên vẹn bài thơ “Bão” thành ca khúc cùng tên, còn nhạc sĩ Thanh Tùng (1948-2016) phổ bài thơ “Bão” thành ca khúc “Cơn bão nghiêng đêm” với nhiều nhấn nhá trữ tình.

Bão lũ đi vào thi ca có vẻ đơn giản hơn đi vào âm nhạc. Đặc tính đong đưa và thánh thót của ca khúc dường như ít dung nạp được sự dữ dội của nước cuồng gió cuốn. Trong ca khúc “Lên ngàn” được nhạc sĩ Hoàng Việt (1928-1967) viết vào năm Nhâm Thìn 1952 có đề cập đến thiên tai: “Nước ngập đồng xanh lúa chết/Gió mưa sập đổ mái nhà/Bao nhiêu gia đình tan hoang/Đau thương lệ rơi chứa chan”.

Mãi đến năm Canh Thìn 2000, trong đời sống biểu diễn mới có ca khúc “Quê em mùa nước lũ” do nhạc sĩ Tiến Luân sáng tác. Ca khúc “Quê em mùa nước lũ” được ca sĩ Hương Lan đưa lên sân khấu lần đầu tiên, gây xúc động cho công chúng: “Không còn con sông, nước dâng tràn lên bãi bờ/Anh về quê em, khắp nơi như là biển khơi/Chập chờn mái tranh ngoi lên giữa ngọn triều dâng/Những đàn gà con bơ vơ đứng nhìn trời xanh”.

Dải đất hình chữ S thường xuyên hứng chịu bão lụt, nhưng rất hiếm ca khúc viết về nỗi đau con người trước sự thịnh nộ của trời đất. Vì vậy, ca khúc “Quê em mùa nước lũ” của nhạc sĩ Tiến Luân nhanh chóng chiếm được tình cảm của giới mộ điệu, bởi chạm vào nghĩa đồng bào thiêng liêng trong hoạn nạn.

Ca khúc “Quê em mùa nước lũ” xuất hiện thường xuyên ở những chương trình nghệ thuật có mục đích quyên góp hỗ trợ nạn nhân bị ảnh hưởng thiên tai. Năm 2014, cô bé 11 tuổi Phương Mỹ Chi đã hát “Quê em mùa nước lũ” làm xao xuyến trái tim người nghe: “Bao ngày trôi qua lũ cao dần thêm nữa rồi/Không còn nhận ra tiếng ai đi tìm người trôi/Mẹ ngồi dưới mưa tay ôm ấp trẻ lạnh căm/Xóm làng chìm trong bao la những nỗi đau này”.

Giải thưởng “Bài hát của năm 2014” đã vinh danh ca khúc “Quê em mùa nước lũ”, ca sĩ Phương Mỹ Chi nhận được số tiền thưởng 1 tỷ đồng, còn nhạc sĩ Tiến Luân nhận được số tiền thưởng 300 triệu đồng.

Ca khúc “Quê em mùa nước lũ” mang tâm tình chia sẻ với miền Nam “ơi đồng bằng ơi, biết bao thân phận nổi trôi”, đã thúc giục những đôi chân thiện nguyện hướng về miền Trung, bây giờ lại tiếp tục réo gọi những bàn tay nhân ái tìm đến miền Bắc máu chảy ruột mềm. Bởi lẽ, “nhiễu điều mà thương dân ta lắm nỗi đoạn trường”.

Ngoài ca khúc “Quê em mùa nước lũ”, nhạc sĩ Tiến Luân còn có một bài hát nữa viết về nỗi lo thiên tai là ca khúc “Mùa lũ sớm”.

Dù chưa được phổ biến như ca khúc “Quê em mùa nước lũ”, nhưng ca khúc “Mùa lũ sớm” cũng đầy trìu mến ấm áp giữa con người với con người trước biến cố bão giông khó lường: “Em với anh chung sức nhau tay chèo/Theo nước xuôi đến nơi làng quê nghèo/Bao mái tranh che từng hình hài chập chờn giữa những cánh đồng nước trắng/Gian khó lên theo nước dâng cao từng ngày/Yêu lũy tre nhớ thương mái trường làng/Mà dòng lũ đã nhấn chìm thành con sông/Chỉ còn trơ mái tranh xiêu đang chờ trông”.

Các tin khác