Bạo lực tràn ngập nền tảng nhạc số

(ĐTTCO) - Với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhạc số gần như đang chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Việc tiếp cận một sản phẩm âm nhạc trên nền tảng số trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. 

Bạo lực tràn ngập nền tảng nhạc số

Thế nhưng kèm theo đó, “nhạc rác” với ngôn từ phản cảm, thô tục, nhảm nhí, thậm chí là sặc mùi bạo lực cũng được phát tán rộng rãi.

“Sống bên em y như nuôi một con rắn 2 đầu. Biến đi, còn không là căn phòng này đổ máu”. Đây là một đoạn rap trong bài hát Sầu hồng gai nói về chuyện tình yêu đổ vỡ giữa chàng trai và cô gái. Và trong bài hát, những lời hằn học, chửi bới, kể cả là đe dọa tính mạng xuất hiện liên tục như một cách thể hiện sự tức giận của kẻ bị phản bội trong tình yêu

Trên nền tảng YouTube, Sầu hồng gai hiện có trên 73,4 triệu lượt xem, 600.000 lượt thích sau hơn 3 năm đăng tải. Người hát có thể vô tình nhưng người nghe lại hữu ý. Đặc biệt là người trẻ, họ sẽ học được gì? Trải nghiệm được cảm xúc gì? Lắng đọng lại điều gì khi nghe bài hát? Hay là phải “đổ máu” để giải quyết mâu thuẫn trong chuyện tình yêu của tuổi trẻ?

“Mày đừng bao giờ, mày lạc vào đây, mày cầm máy ảnh mày chụp các kiểu. Một hồi là đầu đổ máu, chú phóng viên khỏi phát biểu”. Đây là một đoạn lời bài rap có tên Thằng bé cầm quyền được tải lên nền tảng YouTube.

Bài rap nói về một cậu bé 15 tuổi đã nhận được sự tin tưởng của “lão đại” tại biên giới để trở thành “người cầm quyền” điều hành đường dây buôn lậu qua biên giới… với những lời lẽ ngông cuồng, thách thức pháp luật. Bài rap này hiện có hơn 23,5 triệu lượt xem, 170.000 lượt thích.

Không chỉ trên nền tảng YouTube, những bài “nhạc rác” với các ca từ bạo lực còn xuất hiện cả trên các nền tảng nhạc trực tuyến lớn trong nước, như Nhaccuatui, Zing MP3…

Hơn thế nữa, tại một số nền tảng nhạc số còn rất nhiều sản phẩm nhạc rác với ngôn từ phản cảm, thô tục, nhảm nhí, đầy bạo lực đang tồn tại và phát tán rộng khắp. Hậu quả là các trào lưu sống tiêu cực, bạo lực, tệ nạn xã hội, lệch lạc, phá phách… dần xâm nhập vào giới trẻ. Vấn đề đặt ra là vì sao và ai chịu trách nhiệm về thực trạng này?

Mới đây, câu chuyện thiếu niên 17 tuổi tại Tiền Giang chỉ vì mâu thuẫn nhỏ trong gia đình đã nhẫn tâm bỏ thuốc độc vào sữa để đầu độc chính người thân của mình.

Hậu quả là bà nội và cha chết, một người trong gia đình phải nhập viện cấp cứu và tất nhiên bạn trẻ này không thoát khỏi cảnh tù tội. Sự việc trên khiến dư luận hoang mang, đặt ra nhiều vấn đề để chúng ta suy ngẫm về trách nhiệm giáo dục đối với giới trẻ từ những việc nhỏ nhất, kể cả bài hát.

TUẤN QUANG

Các tin khác