Bão Saola giật cấp 17 gần Biển Đông

(ĐTTCO) - Cơn bão có tên quốc tế là Saola đang hoạt động gần Biển Đông. Mặc dù bão được nhận định sẽ không đi vào Biển Đông, nhưng vẫn tác động thời tiết trên Biển Đông.
Dự báo xác suất mưa tại TPHCM hôm nay là 95%. Nguồn: Tổng cục KTTV

Dự báo xác suất mưa tại TPHCM hôm nay là 95%. Nguồn: Tổng cục KTTV

Trưa 29-8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai đã ban hành công điện gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh, cùng các bộ liên quan, đề nghị theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.

Vùng nguy hiểm trong 24 giờ tới là phía Bắc vĩ tuyến 18 và phía Đông kinh tuyến 118,5.

Trong 48 giờ tới, vùng nguy hiểm là phía Bắc vĩ tuyến 18,5 và phía Đông kinh tuyến 117.

Dự báo hướng di chuyển của bão Saola

Dự báo hướng di chuyển của bão Saola

Theo tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 29-8, bão Saola đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Bắc đảo Luzon - Philippines. Hồi 7 giờ sáng nay, tâm bão ở vào khoảng 18,5 độ Vĩ Bắc - 123,5 độ Kinh Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14, giật cấp 17, di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc, khoảng 5 km/giờ.

Vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông từ đêm 29-8 gió mạnh cấp 6, từ chiều và đêm 30-8 mạnh lên cấp 7-8, vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật trên cấp 14, biển động dữ dội.

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng - thủy văn (Bộ TN-MT), tên cơn bão Saola do Việt Nam đề cử - được đặt tên dựa theo tên của loài Sao la (danh pháp khoa học: Pseudoryx nghetinhensis), là một trong những loài thú hiếm nhất trên thế giới, sinh sống trong vùng núi rừng Trường Sơn của Việt Nam và núi rừng Lào, được các nhà khoa học phát hiện vào năm 1992.

Sao la được xếp ở mức cực kì nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.

Các tin khác