Thu hút khách khiêm tốn
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các bảo tàng vẫn luôn giữ vị trí và vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ và diễn giải văn hóa và lịch sử nhân loại. Những cuộc triển lãm tại bảo tàng kể cho người xem những câu chuyện xảy ra trong quá khứ, dạy cho chúng ta những bài học sâu sắc, những giá trị nhân văn hay ánh sáng của một nền văn minh rực rỡ một thời tưởng chừng như đã mất.
Cách thức tư liệu hóa một nền văn hóa văn minh cũng như bảo tồn nguyên trạng các hiện vật là một trong những nhiệm vụ quan trọng của bảo tàng. Bên cạnh đó, bảo tàng còn nơi giáo dục cho thế hệ sau hiểu về sự phát triển của dân tộc, cung cấp kiến thức thú vị cùng những tài liệu và thông tin giúp nâng cao và tạo ra trải nghiệm đáng nhớ mà nhà trường không có.
Sự tương tác với bảo tàng sẽ giúp con người kết nối với quá khứ, hiện tại và tương lai, giúp chúng ta hiểu rõ bản thân từ đó thúc đẩy sáng tạo. Ngoài ra, đó là nơi tương tác cộng đồng cho mọi người tập hợp lại với nhau để tìm hiểu về lịch sử văn hóa cộng đồng mình, hay thảo luận những tác phẩm nghệ thuật thú vị. Đó cũng là nơi gắn kết các thành viên trong gia đình, bố mẹ con cái dành thời gian cho nhau cùng chia sẻ những trải nghiệm và hiểu biết.
Bảo tàng không chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội mà còn là một trong những guồng máy kinh tế quan trọng, tạo việc làm và hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành du lịch thu hút khách tham quan du lịch và tăng doanh thu cho kinh tế địa phương.
Tại Mỹ, quy mô thị trường của ngành bảo tàng vào năm 2022 đã tăng hơn so với năm trước, đạt tổng trị giá 19,4 tỷ USD. Theo dự báo, quy mô của ngành này sẽ được tăng hơn nữa trong năm nay đạt khoảng 20,8 tỷ USD.
Tại Pháp, Bảo tàng Louvre là một trong những địa điểm văn hóa nổi tiếng nhất không chỉ ở Paris mà còn trên toàn thế giới. Vào năm 2019, Louvre đã thu hút hơn 10 triệu lượt khách, giữ vị trí là bảo tàng được ghé thăm nhiều nhất trên toàn thế giới.
Tại Singapore, một quốc gia hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương với tham vọng trở thành trung tâm văn hóa của khu vực và thế giới, hệ thống bảo tàng được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Năm 2019, Bảo tàng Quốc gia Singapore thu hút hơn 1 triệu lượt khách; Bảo tàng Văn minh châu Á đạt mức gần 700.000 khách tham quan.
Trong khi đó ở Việt Nam, con số này hiện còn đang ở mức khá khiêm tốn so với tiềm năng. Top các bảo tàng thu hút đông khách như Bảo tàng Dân tộc học, Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, Bảo tàng Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Điêu khắc Chăm… trung bình khoảng 500.000 khách/năm. Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam tính cả số lượng khách trong các triển lãm chuyên đề đạt 355.000 khách (6 tháng đầu năm 2019). Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đạt khoảng 60.000 khách/năm.
Ứng dụng công nghệ 4.0 và nỗ lực cải thiện
Vậy làm sao để thu hút khách tham quan đến với bảo tàng? Đây luôn là một bài toán khó với các chuyên gia và nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh đầu tư công vào hệ thống bảo tàng còn đang ở mức khiêm tốn. Không thể phủ nhận, trong những năm trở lại đây, các bảo tàng đã có nhiều nỗ lực cải thiện trong các công tác trưng bày, thuyết minh, và dịch vụ nhằm đến gần hơn với công chúng.
Nhiều địa điểm đã thực hiện các bộ thuyết minh tự động, giúp khách tham quan chủ động hơn trong việc tiếp cận nguồn kiến thức mà bảo tàng cung cấp. Tuy vậy, tại phần lớn các bảo tàng, đặc biệt là ở các địa phương, không khí còn khá đìu hiu. Vậy bảo tàng cần phải làm gì để khắc phục hoàn cảnh đó?
Năm 2009, một dự án giáo dục hợp tác giữa tổ chức UNESCO tại Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Giá trị Di sản Văn hóa nghiên cứu ra bộ giáo trình tích hợp các môn học của học sinh cấp tiểu học và THCS với Bảo tàng và Di tích.
Năm 2012 một dự án giáo dục bảo tàng giữa Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Hoàng gia Marie Mont của Bỉ được ký kết (giai đoạn 2013-2016) nhằm xây dựng các chương trình giáo dục bảo tàng dành cho cộng đồng với sự tham gia hướng dẫn của chuyên gia đến từ Vương quốc Bỉ.
Đã có nhiều chương trình giáo dục bảo tàng tích hợp môn học được thực hiện với sự hợp tác của các trường học trên địa bàn Hà Nội. Trong thời gian đó các hoạt động giáo dục về bảo tàng đã phát triển khá sôi động. Đến khi dự án kết thúc, mọi hoạt động giáo dục lại trở về trầm lắng như ban đầu.
Đến năm 2015, Bảo tàng của Trường Đại học Durham (Vương quốc Anh) đã tổ chức trưng bày và các chương trình giáo dục với chủ đề “Việt Nam một đất nước không chiến tranh”. Triển lãm và các hoạt động diễn ra trong 1 tháng đã thu hút hàng ngàn lượt khách tham quan, chủ yếu là học sinh các trường đến tham quan và hoạt động trải nghiệm.
Các em không chỉ được hiểu hơn về đất nước con người Việt Nam của thời kỳ hòa bình, mà qua các hoạt động này, học sinh những thế hệ trẻ còn được hiểu hơn về các vấn đề của nước Anh như di cư… Tuy nhiên, những hoạt động sôi động trên chỉ diễn ra đơn lẻ, không tạo được phong trào thường xuyên để thu hút khách đến bảo tàng.
Một điểm mới là việc áp dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động bảo tàng để giúp tăng tương tác giữa công chúng với bảo tàng. Trên thế giới, giáo dục bảo tàng đang là một trong những phương cách nhằm thu hút khách tham quan hiệu quả.
Qua các hoạt động như học tập, giải trí, hay mua sắm, công chúng sẽ cảm thấy yêu thích và gần gũi với bảo tàng hơn và coi bảo tàng là một địa chỉ thân thuộc cho bản thân hay gia đình vào dịp cuối tuần. Khi liên kết với nhà trường, bảo tàng sẽ trở thành địa chỉ cho các em học sinh đến tham quan học tập dã ngoại với các môn học như lịch sử, mỹ thuật, văn học…
Các bảo tàng tại Việt Nam cũng nên học hỏi, tự làm mới mình, có những diễn giải dễ hiểu hơn bằng các hoạt động và các chương trình hấp dẫn, khi đó công chúng sẽ thay đổi thói quen đến với bảo tàng thường xuyên hơn.