Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, trong những năm qua, ngành thủy sản đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đứng đầu về xuất khẩu thủy sản trên thế giới.
Trong giai đoạn năm 2010-2020, giá trị sản xuất ngành thủy sản đạt tăng trưởng 5,2%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 2,5 lần, kim ngạch xuất khẩu có tốc độ tăng trung bình 6,1%/ năm.
Năm 2019, tổng sản lượng thủy sản đạt 8,15 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác 3,77 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản đạt 8,6 tỷ USD đưa Việt Nam lên vị trí thứ ba trên toàn thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bên cạnh tăng trưởng của toàn ngành thủy sản thì vấn đề đa dạng sinh học biển, trọng tâm là bảo tồn các hệ sinh thái biển có vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, bảo vệ các hệ sinh thái biển là một nhiệm vụ cấp thiết không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia, vùng lãnh thổ mà đã trở thành vấn đề thời sự nóng bỏng, là nhiệm vụ chung của toàn thế giới.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 gồm 16 khu. Đến nay, Bộ NN-NPTNT cùng với các địa phương đã thành lập và đưa vào hoạt động 12 khu bảo tồn biển: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Vịnh Nha Trang (Hòn Mun) - Khánh Hòa, Hòn Cau (Bình Thuận); Phú Quốc (Kiên Giang - khu bảo tồn Phú Quốc hiện nay đã sát nhập vào Vườn Quốc gia Phú Quốc), Cô Tô - Đảo Trần (Quảng Ninh - gộp 2 khu bảo tồn Cô Tô và Đảo Trần thành một khu bảo tồn Cô Tô – Đảo Trần); Vườn quốc gia Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Tổng diện tích các khu bảo tồn biển Việt Nam được phê duyệt tại Quyết định số 742/QĐ-TTg của Chính phủ là 270.271 ha, trong đó diện tích biển là 169.617 ha. Tính đến thời điểm tháng 9-2020, tổng diện tích vùng biển, đảo đã được quy hoạch vào khu bảo tồn chỉ đạt 213.400 ha, vẫn chưa đạt so với mục tiêu đến năm 2015 có 270.271ha vùng biển, đảo được bảo tồn.
Đáng chú ý, Bộ NN-PTNT đã xây dựng quy hoạch chi tiết, bàn giao cho UBND các tỉnh để phê duyệt thành lập 4 khu bảo tồn là Hòn Mê (Thanh Hóa), Nam Yết (Khánh Hòa), Phú Quý (Bình Thuận), Hải Vân - Sơn Trà (Đà Nẵng – Thừa Thiên Huế). Tuy nhiên, sau hơn 5 năm bàn giao, UBND các tỉnh vẫn chưa phê duyệt thành lập mặc dù Bộ NN-PTNT đã tổ chức đoàn công tác để kiểm tra, hướng dẫn và có nhiều văn bản chỉ đạo, nhắc nhở.
Một trong những khó khăn trong công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản hiện nay đó là thiếu nguồn lực, bao gồm cả nhân lực và tài chính. Về nhân lực, số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, số lượng biên chế làm công tác bảo tồn biển hiện nay rất ít, cả nước chỉ có 120 cán bộ làm công tác bảo tồn biển trong tổng số 500 biên chế chung. Trung bình tại các khu bảo tồn biển/vườn quốc gia có từ 4 – 7 biên chế trong khi phạm vi quản lý rộng với nhiều nhiệm vụ phức tạp.
Bên cạnh đó, nguồn ngân sách ngân sách Trung ương dành cho công tác bảo tồn và triển nguồn lợi biển quá ít, riêng năm 2019 thì không có ngân sách Trung ương. Ngân sách địa phương dành cho công tác bảo tồn và phát triển nguồn lợi biển hiện nay là từ nguồn ngân sách Nhà nước cấp, song cũng còn nhiều hạn chế…
Hiện nay, tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế có nhiều thay đổi, biến đổi khí hậu và nước biển dâng đã tác động sâu sắc đến hoạt động sản xuất kinh doanh thủy sản nói chung và công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói riêng. Cùng với đó, tình hình an ninh trên Biển Đông diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực tăng cường tuần tra trên biển, bắt giữ, xử lý tàu cá nước ngoài xâm phạm trái phép đang đặt ra nhiều thách thức cho ngành thủy sản Việt Nam.