PHÓNG VIÊN: Công tác trùng tu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đình tại TPHCM những năm qua được thực hiện ra sao, thưa ông?
* Ông TRẦN THẾ THUẬN: Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các đình làng trên địa bàn luôn là mục tiêu hết sức quan trọng của TPHCM, trong đó công tác tu bổ, tôn tạo luôn là nhiệm vụ hàng đầu và ngày càng trở nên cấp bách. Thành phố hiện có 53 trong tổng số hơn 260 ngôi đình được công nhận, xếp hạng là di tích cấp quốc gia và thành phố.
Do thiếu nguồn kinh phí nên hơn 90% trong số đó chưa được tu bổ, nhiều ngôi đình xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ sập đổ. Chưa kể, trên địa bàn TPHCM hiện còn 185 di tích lịch sử quốc gia và thành phố, trong đó có nhiều di tích xuống cấp, cần khẩn cấp tu bổ, tôn tạo.
* Vì sao việc tu bổ, tôn tạo các di tích còn chậm, thưa ông?
* Nhiều năm qua, công tác tu bổ tôn tạo di tích luôn được sự quan tâm của cộng đồng xã hội, sự chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM. Các dự án do thành phố triển khai bằng nguồn vốn ngân sách hoặc xã hội hóa đều đảm bảo đúng quy trình, thủ tục, có sự phối hợp tương đối đồng bộ giữa các cấp ngành, phù hợp với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa.
Công tác tôn tạo, phát huy giá trị văn hóa đình là một trong những yếu tố cần sự góp sức của toàn xã hội, đặc biệt với những người trực tiếp quản lý di tích. Sở VH-TT thống nhất ủng hộ các ban quản lý đình, di tích chủ động tu bổ nhanh công trình đã xuống cấp bằng nhiều nguồn khác nhau, không trông chờ vào ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác tu bổ, tôn tạo di tích, như việc tu bổ di tích không tuân thủ các nguyên tắc khoa học của bảo tồn, làm thay đổi, suy giảm giá trị di tích. Việc thiếu nguồn vốn để tu bổ di tích cũng là một khó khăn lớn trong giai đoạn hiện nay.
* Ông đánh giá như thế nào về giá trị văn hóa đình trong đời sống người dân được lưu giữ bao đời nay của vùng đất Sài Gòn - Nam bộ?
* Các di tích đình tại TPHCM có giá trị rất lớn về kiến trúc, văn hóa. Sở VH-TT đang ấp ủ chương trình phối hợp với các địa phương trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo hướng từng bước phục dựng hình thức, nghi thức các ngôi đình trên địa bàn TPHCM, phát huy giá trị văn hóa cao hơn, trở thành một nơi sinh hoạt cộng đồng thực sự.
Giá trị văn hóa đình sẽ lưu giữ và là nơi cộng đồng dân cư quy tụ các hoạt động trong không gian đình. Dịp hè thì thiếu nhi có thể đến đình sinh hoạt, vui chơi, là tụ điểm sinh hoạt của người cao tuổi, cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên. Qua đó, nâng cao trách nhiệm, góp sức của mỗi người dân trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của ngôi đình Nam bộ.
* Trước mắt, chúng ta nên làm gì?
* Trước mắt, mỗi ngôi đình bằng những cách làm sáng tạo trong vận động nguồn lực xã hội để trùng tu, sửa chữa các hạng mục, công trình đã bị xuống cấp. Bổ sung, thống nhất lại một số hình thức, nghi thức trong hoạt động lễ tế, hội đình. Cái gì còn phù hợp với thực tế hiện nay thì giữ lại, cái gì không phù hợp, không cần thiết thì điều chỉnh. Đặc biệt, làm sao mỗi ngôi đình vừa phục vụ cộng đồng dân cư, vừa phục vụ phát triển du lịch của thành phố, trở thành nơi sinh hoạt văn hóa phong phú, đa dạng.
* Từ thực tế các đoàn khảo sát vừa qua, sở có đề xuất gì cho công tác trùng tu, tôn tạo những ngôi đình đã xuống cấp, thưa ông?
* Sở VH-TT đã đánh giá sát thực tình trạng xuống cấp, cần khẩn cấp tu bổ, sửa chữa với các ngôi đình: Tân Quy Đông (quận 7), Chí Hòa (quận 10), Xuân Hiệp, Linh Đông (TP Thủ Đức), Bình Trường, Phú Lạc, Tân Túc (huyện Bình Chánh), Tân Hội (quận 12), An Nhơn, Thông Tây Hội (quận Gò Vấp).
Sở đã thẩm định, cho phép TP Thủ Đức tu sửa đình Xuân Hiệp và Linh Đông; báo cáo đề xuất UBND TPHCM cấp kinh phí tu bổ đình Chí Hòa (quận 10), Tân Quy Đông (quận 7) và đề nghị UBND huyện Bình Chánh trình chủ trương bố trí kinh phí tu bổ đình Bình Trường, Phú Lạc, Tân Túc. Sở cũng đã có văn bản đề nghị Sở KH-ĐT tham mưu UBND TPHCM giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư dự án đình Tân Hội (quận 12).