Những ngày qua, thế giới cũng như Việt Nam chịu ảnh hưởng của bão Mặt Trời (hay còn gọi là bão từ) mạnh nhất trong hai thập kỷ.
Bão từ tấn công Trái Đất đã tạo ra những màn trình diễn ánh sáng cực quang ngoạn mục trên bầu trời nhưng cũng mang đến nguy cơ làm gián đoạn các vệ tinh và lưới điện khi dự kiến bão kéo dài đến cuối tuần.
Bão từ tác động đến tàu vũ trụ, lưới điện, sinh vật trên Trái Đất. Con người cũng có thể cảm nhận rõ tác động của hiện tượng này.
Bão từ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Duyên Châu, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, bão từ là sự biến thiên mạnh của từ trường Trái Đất.
Khi mặt trời hoạt động mạnh, trên bề mặt Mặt Trời xuất hiện những vệt vết đen. Từ các vết đen này xảy ra các vụ bùng nổ sắc cầu mặt trời, phóng vào vũ trụ sinh ra các chùm plasma (gọi là chùm sắc cầu plasma Mặt Trời).
Chúng bao gồm những phần tử trung hòa về điện, sẽ tác động đến Trái Đất, bao trùm toàn bộ Trái Đất và làm xáo trộn hệ thống từ trường. Gọi là bão nhưng nó tồn tại vô hình, mắt thường không thể nhận biết và chỉ gây ra những tác động cụ thể.
Ngày 10/5/2024, một trận bão từ cực lớn đã xảy ra trên Trái Đất, được các nhà khoa học đánh giá là “mạnh nhất trong vòng 20 năm qua.” Trận bão từ này có cấp độ 5 (G5) cấp độ mạnh nhất trong thang bão từ, gây ảnh hưởng trực tiếp tới Việt Nam.
Hoạt động của Mặt Trời thay đổi theo chu kì 11 năm. Lần hoạt động Mặt Trời cực đại gần đây nhất là vào năm 2014. Như vậy, hoạt động của Mặt Trời đang mạnh dần lên để đến năm 2025 sẽ đạt đến độ hoạt động cực đại trong chu trình 11 năm của mình.
Khi hoạt động Mặt Trời mạnh lên, tần suất và cường độ của bão từ cũng tăng lên. Như vậy, trong năm 2024-2025 sẽ xuất hiện những trận bão từ mạnh hơn.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Duyên Châu cho biết cường độ bão từ được đánh giá theo 5 cấp: Cấp G5 cho những trận bão từ cực mạnh, G4 cho các trận bão từ rất mạnh, G3 cho các trận bão từ mạnh, G2 cho các trận bão từ trung bình và G1 cho các trận bão từ nhỏ. Chỉ có những bão từ cấp rất mạnh G4 và cực mạnh G5 là có ảnh hưởng rõ rệt nhất tới Việt Nam.
Bão từ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe con người vì nó tác động mạnh vào hệ thần kinh và tim mạch. Các nhà khoa học đã xác định khi bão từ xảy ra, tần số nhịp tim và huyết áp tăng lên rõ rệt, nhất là đối với những người cao tuổi.
Các số liệu thống kê cũng cho thấy tỷ lệ tử vong, nhất là đối với những người mắc bệnh tim mạch và thần kinh tăng lên trong thời kỳ Mặt Trời hoạt động mạnh.
Các nhà khoa học cũng đánh giá trong thời kỳ này, bạch cầu trong máu của tất cả các động vật bị giảm đi và có sự liên quan của nhiều bệnh dịch với chu kỳ hoạt động mạnh của bão từ như: Dịch tả, dịch hạch, cúm, thương hàn, viêm màng não...
Tuy nhiên, bão từ không gây ảnh hưởng với người bình thường. Bão từ chỉ tác động trực tiếp đến người mắc bệnh thần kinh, tim mạch hoặc người mẫn cảm với từ tính. Ảnh hưởng của bão thường gây ra mệt mỏi, bồn chồn, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Nâng chất lượng nghiên cứu bão từ
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Duyên Châu, tại nhiều nước trên thế giới, trong những ngày có bão từ, bệnh nhân mẫn cảm với từ trường, nhất là các bệnh nhân về tim mạch, thần kinh được đưa vào các nhà chống từ (lồng Faraday) nhằm ngăn chặn tác động của bão từ.
Ở Việt Nam, hiện chưa có điều kiện xây dựng những nhà chống từ như vậy, vì thế cần có sự theo dõi chăm sóc thường xuyên hơn.
Đối với các hệ thống truyền tải điện lớn, để đề phòng sự cố bão từ, nhiều nước cũng đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể, như: Đặt các trị số mới cho hệ thống bảo vệ (hệ thống rơle), thông báo các dự báo bão từ, theo dõi sự bất đối xứng của điện thế AC, giảm công suất vận hành khi nhận được dự báo có bão từ.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu thông tin, Việt Nam hiện có hệ thống bốn đài địa từ để ghi biến thiên từ, bão từ cũng như phục vụ công tác nghiên cứu và dự báo bão.
Bốn đài này được đặt ở Phú Thụy (Gia Lâm, Hà Nội), Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) và Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu). Tuy nhiên, hiện chỉ có 2 đài ở Phú Thụy và Đà Lạt có khả năng truyền trực tiếp dữ liệu về Viện Vật lý địa cầu cũng như đi quốc tế.
Ở Việt Nam, mới chỉ thực hiện nhiệm vụ quan sát liên tục trường từ của Trái Đất và dự báo dài hạn (khoảng 30 ngày). Việc nghiên cứu dự báo bão từ ngắn hạn (khoảng 30 phút/ngày) chưa thực hiện được do chưa đủ thiết bị và số liệu.
“Với sự đầu tư của Nhà nước và hợp tác quốc tế, Viện Vật lý địa cầu đang có kế hoạch nâng cấp các đài, trạm thu thập số liệu địa từ, điện ly bằng các thiết bị hiện đại ghi từ hiện số nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu trường địa từ và dự báo bão từ. Sắp tới, Viện sẽ hợp tác với Nhật Bản để sửa chữa thiết bị ghi trường từ tại đài ở Bạc Liêu. Còn các đài ở Sa Pa sử dụng máy ghi từ quang cơ (dùng giấy ảnh) đang từng bước được hiện đại hóa bằng máy ghi từ hiện số,” Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Anh cho biết thêm.