* PV: Ông đánh giá như thế nào về tình trạng triều cường gây ngập úng và thiệt hại tại TPHCM cũng như Nam bộ những ngày qua?
- Ông MAI VĂN KHIÊM: Hiện tượng triều cường trong những năm gần đây liên tục phá kỷ lục về cao độ mực nước. Đợt triều cường vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 vừa qua, mực nước quan trắc được tại trạm hải văn Vũng Tàu thấp hơn mức kỷ lục vào tháng 12-1999 chỉ 1cm (4,35m năm 2019 so với 4,36m năm 1999), nhưng lại tạo nên kỷ lục độ cao mực nước tại trạm Phú An trên sông Sài Gòn (1,77m năm 2019 so với 1,44m năm 1999).
Thống kê cho thấy, các đợt triều cường cao tại ven biển Nam bộ thường bắt đầu từ cuối tháng 10 (giai đoạn 1999-2019, đợt triều cường cao xuất hiện sớm nhất vào ngày 9-10-2010). Như vậy, đợt triều cường năm nay gây ngập lụt ở Nam bộ, trong đó có TPHCM và TP Cần Thơ, xuất hiện sớm hơn quy luật hàng năm.
* Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
- So với các khu vực ven biển khác trong cả nước, ven biển Nam bộ ít bị ảnh hưởng của các loại hình thiên tai trên biển như bão và áp thấp nhiệt đới. Nhưng với đặc thù vùng đồng bằng thấp, lại có hệ thống cửa sông lớn, nên khu vực này thường xuyên bị nước biển lấn sâu vào nội địa khi có triều cường. Hiện tượng này ngày càng xảy ra mạnh hơn khi lưu lượng nước từ thượng nguồn hệ thống sông Mê Công đổ về hạ lưu ngày một giảm.
Hiện tượng nước biển lấn sâu vào nội địa phụ thuộc vào chế độ thủy triều ở khu vực cửa sông ven biển và nước dâng do gió, áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Đối với khu vực ven biển Nam bộ, hiện tượng ngập khi triều cường thường xuyên xảy ra vào một số ngày của các tháng cuối và đầu của năm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau).
Đây là thời gian tập trung nhiều nhân tố kết hợp như biên độ thủy triều lớn, gió mùa mạnh (đôi khi có cả tác động của bão, áp thấp nhiệt đới), nên gây ra triều cường kết hợp nước biển dâng cao.
Mức độ ngập úng trong các đợt triều cường còn phụ thuộc vào mưa, lũ trong đất liền, khả năng thoát úng của cơ sở hạ tầng và mức độ sụt lún của bề mặt đất. Thực tế cho thấy, có nhiều đợt ngập úng nghiêm trọng mặc dù triều cường không phải quá cao, như đợt triều cường vào đầu tháng 10-2018.
* Trung tâm đã cảnh báo như thế nào về triều cường và các đợt tới sẽ diễn ra như thế nào?
- Từ ngày 24-9, trung tâm đã ra bản tin cảnh báo triều cường tại Nam bộ và nhận định tại các trạm hạ lưu sông Cửu Long, sông Sài Gòn lên mức báo động 2, báo động 3 và trên báo động 3; cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp, vùng ngoài đê bao, sạt lở bờ sông và đê bao tại các tỉnh Nam bộ.
Chúng tôi dự báo những tháng còn lại của năm 2019, ven biển Nam bộ sẽ xuất hiện 8 đợt triều cường, vào khoảng ngày 15 đến 18-10 và 26 đến 31-10; ngày 13 đến 16-11 và 25 đến 30-11; ngày 12 đến 16-12 và 25 đến 28-12.
Nhiều khả năng 2 đợt triều cường từ ngày 26 đến 31-10 và 25 đến 30-11 sẽ xấp xỉ hoặc cao hơn đợt triều cường vừa xảy ra, nhất là khi có gió mùa Đông Bắc từ phía Bắc biển Đông với cường độ mạnh lấn sâu xuống vùng biển phía Nam.
Đỉnh triều sẽ xuất hiện vào khoảng sáng sớm và chiều tối, gây ngập úng và tác động không nhỏ đến giao thông trong giờ cao điểm... Đầu năm 2020, sẽ có triều cường vào khoảng ngày 11 đến 14-1 và ngày 10 đến 14-2.
* Theo ông, nên ứng phó như thế nào với các đợt triều cường nguy hại này?
- Triều cường sẽ gây ra tình trạng ngập úng, gia tăng nguy cơ vỡ đê bao và làm chậm thoát lũ trên sông. Chính vì vậy, chính quyền và người dân ở Nam bộ phải chủ động ứng phó. Chính quyền tiếp nhận các thông tin cảnh báo, dự báo sớm về triều cường cũng như khu vực, thời gian, mức độ ngập; tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về triều cường và tác động của triều cường; chủ động lên phương án bảo vệ các tuyến đê bao xung yếu, cảnh báo các khu vực có nguy cơ ngập úng cao, đảm bảo hệ thống thoát nước nhanh, phân luồng giao thông tại những khu vực ngập úng, giữ gìn an toàn giao thông và hạn chế tối đa rủi ro đối với tính mạng và tài sản của người dân.
Chúng tôi đề nghị bà con chủ động theo dõi những thông tin dự báo, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là về thời gian và khu vực ngập để điều chỉnh kế hoạch tham gia giao thông, đồng thời có phương án bảo vệ tài sản.
* Tình hình lũ tại ĐBSCL, mùa khô tại Nam bộ sắp tới sẽ thế nào?
- Cùng với kỷ lục về triều cường, đầu tháng 10 vừa rồi, đỉnh lũ tại ĐBSCL đã đạt tới mức cao nhất trong mùa lũ năm nay. Lũ về đã mang phù sa, góp phần giảm bớt hạn mặn cho miền Tây. Khả năng năm nay lũ không lớn như mọi năm, nên nhiều nơi đối mặt nguy cơ hạn mặn do thiếu mưa và nước lũ.
Tại Nam bộ và Tây Nguyên, tổng lượng mưa tháng 12 phổ biến ở mức cao hơn trung bình cùng thời kỳ 10%-30%; tháng 11 ở mức thấp hơn 10%-20%. Mùa mưa ở khu vực Nam bộ kết thúc tương đương với trung bình nhiều năm, tuy nhiên, trong các tháng cuối năm 2019, có khả năng vẫn xuất hiện các đợt mưa diện rộng trên khu vực.
Do đỉnh lũ năm 2019 ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn trung bình nhiều năm nên chúng tôi đã thông báo, cảnh báo nguy cơ về xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019-2020 vẫn ở mức cao, các tỉnh ở đồng bằng Nam bộ cần sớm xây dựng các kế hoạch, kịch bản phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn để chủ động ứng phó với tình hình thực tế trong thời gian tới.