Bắt đầu sàng lọc DN trên sàn chứng khoán

Tình hình kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn đã buộc nhiều DN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2012, thậm chí phải rời sàn.

Tình hình kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn đã buộc nhiều DN quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh năm 2012, thậm chí phải rời sàn.

 

Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2012 có 111 Cty trên sàn ghi nhận lỗ, chiếm 18% toàn thị trường, gấp đôi con số 9% của cùng kỳ, tổng lỗ lên tới hơn 2.004 tỉ đồng.

Ngành có khoản lỗ lớn nhất và tỉ trọng lỗ cao nhất là thực phẩm – đồ uống – thuốc lá, với 7/48 DN lỗ, nhưng tổng mức lỗ lên đến 359 tỉ đồng, chiếm 18% tổng lỗ toàn thị trường.

Kế tiếp là kim loại và các sản phẩm từ khoáng phi kim có tổng lỗ 338,9 tỉ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ năm ngoái. BĐS, xây dựng vẫn là những DN có kết quả làm ăn bê bết nhất khi có sự góp mặt của 3 DN trong top 10 gồm KBC, SJS, PSG.

Đáng chú ý là 2 đứa “con cưng” của ông Đặng Thành Tâm là KBC và SGT đều năm trong danh sách 10 DN lỗ nhiều nhất trong nửa đầu năm, con số lỗ lần lượt là 101 tỉ đồng và 51,55 tỉ đồng.

Riêng, SGT hiện đã có 6 quý kinh doanh lỗ liên tiếp, đây là “điều kiện” khiến CP này lọt vào danh sách CP không được giao dịch ký quỹ. Cũng vì tình hình kinh doanh khó khăn, có không ít DN điều chỉnh giảm đến hơn 90% chỉ tiêu lợi nhuận như PV2, DTL.

Hay thậm chí có trường hợp HĐQT Cty còn quyết định điều chỉnh kế hoạch đang từ lãi thành lỗ. Đó chính là trường hợp của CTCP đầu tư và xây dựng Bưu điện (PTC). HĐQT Cty này đã quyết định đặt ra mức lỗ 17,8 tỉ đồng cho năm 2012 thay vì lãi 20,3 tỉ đồng như kết quả tại ĐHCĐ, bởi vì 6 tháng đầu năm nay, Cty đã lỗ hơn 29 tỉ đồng.

Mới đây, một đại gia như FPT cũng gây được sự chú ý của NĐT khi điều chỉnh kế hoạch. Mặc dù, kết quả kinh doanh 6 tháng của FPT không thấp so với kế hoạch được ĐHCĐ trước đó thông qua (lợi nhuận bằng 40,2% so với kế hoạch). Nhưng HĐQT FPT vẫn quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh sau khi TGĐ Trương Đình Anh nghỉ phép gần 2 tháng.

Mới đây, trả lời với báo giới, lãnh đạo UBCKNN cho biết, DN thua lỗ 3 năm liên tiếp thì buộc phải bị hủy niêm yết, không thể vì kinh tế khó khăn mà được phép ở lại sàn. Đây là một biện pháp nhằm nâng chất lượng hàng hóa trên sàn theo những cam kết trước đây của UBCKNN. Có thể thấy, đã không còn sự nhân nhượng từ phía cơ quan quản lý.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 58/2012/NĐ-CP, có hiệu lực từ 15-9, điều kiện được niêm yết còn khắt khe hơn trước. TTCK đang cần một sự chuyển mình về chất lượng hàng hóa để có thể giúp NĐT yên tâm hơn khi mua CP của các Cty niêm yết trên sàn.

Trên cả 2 sàn, từ đầu năm đến nay đã có 15 DN bị hủy niêm yết, trong đó hơn một nửa là do Cty kinh doanh thua lỗ. Và tất nhiên, bản danh sách đen này không chỉ dừng lại ở đó. Các chuyên gia phân tích cũng khẳng định trong năm tới lượng CP hủy niêm yết có thể còn nhiều hơn cả năm nay nếu tình hình kinh tế không được cải thiện.

Hiện tại cũng có một số Cty lỗ vượt vốn chủ sở hữu và một số Cty lỗ 3 năm liên tiếp nằm trong danh sách có khả năng bị hủy niêm yết theo quy định. Giả sử lãi suất bắt đầu hạ thì các DN cũng chưa thể xử lý ngay lập tức các khoản nợ xấu, do đó, nguy cơ hủy niêm yết vì thua lỗ sang năm thứ ba vẫn cao.

Nhiều chuyên gia còn đưa ra kiến nghị, để tránh tình trạng CP “chết” nằm chật sàn, gây ảnh hưởng đến NĐT, thời gian quy định hủy niêm yết nên rút ngắn từ 3 năm xuống còn 1 hoặc 2 năm là đủ, nhất là đối với những DN đã bị lỗ trên mức vốn.

Dẫu vậy trong chuyện người phải đi và kẻ ở lại vẫn có một chút tranh luận về quyền lợi của NĐT. Với những DN thua lỗ liên tục, chưa khắc phục được, thì có thể xin niêm yết tại sàn UPCoM nếu lo lắng việc hủy niêm yết sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi NĐT.

Tuy nhiên, với câu chuyện ồ ạt giảm chỉ tiêu lợi nhuận thì không khỏi tránh được chuyện “té nước theo mưa”. Không ai dám chắc rằng không có chuyện DN đề ra chỉ tiêu quá cao để lấy điểm với cổ đông, nhưng khi cảm thấy sức mình có hạn thì lại lợi dụng bối cảnh kinh tế khó khăn để hạ chỉ tiêu.

NĐT đầu tư vào DN với mức giá được kỳ vọng tương ứng với mức lợi nhuận ĐHCĐ thông qua, nên việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu như trên sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số tài chính và giá trị CP. Chính vì lý do đó, CP của DN thường bị tụt giảm ngay khi thông tin được công bố và NĐT là người nắm phần thua thiệt. 

Các tin khác