Với khẩu hiệu rất kêu “Đã đến lúc hành động”, giới quan sát tin tưởng COP25 sẽ là một bước đột phá, nơi các nhà lãnh đạo thế giới sẽ đưa ra được những kế hoạch hành động cụ thể và thiết thực để ngăn chặn biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, kết quả của COP25 lại vẫn chỉ là những cam kết, thậm chí chỉ có 80 quốc gia nhỏ (chiếm 10,5% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính) hứa sẽ nâng thêm mức cam kết của mình. Những ông lớn xả thải như Mỹ, Trung Quốc, Brazil, Australia, Nhật, Canada... gần như không đưa ra tuyên bố đáng kể nào. Vậy đâu là lý do dẫn đến sự thất bại của COP25?
Hứa thiệt nhiều, chẳng làm bao nhiêu
Hứa thiệt nhiều, chẳng làm bao nhiêu
Như đã biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút nước khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu Paris, một động thái bị nhiều người chỉ trích, vì thỏa thuận Paris được xem là “hy vọng cuối cùng” để cứu lấy Trái Đất.
Tuy nhiên, thực tế rất ít trong số những quốc gia đã ký vào thỏa thuận Paris thực hiện được lời hứa long trọng của họ. Tính đến cuối năm 2018, chỉ 5 quốc gia châu Âu đạt được 50% chỉ tiêu cắt giảm của mình, trong khi châu Á càng tệ hơn, lượng khí thải của Trung Quốc và Ấn Độ ngày một lớn, các nhà máy nhiệt điện than vẫn liên tục mọc lên.
Nếu nhìn vào danh sách những quốc gia trong thỏa thuận khí hậu Paris, có một nghịch lý là nước nào hứa hẹn càng nhiều, thì vi phạm càng nhiều. Tây Ban Nha, Đức và Ý không làm được bao nhiêu, nhưng lại là những nước mạnh miệng nhất trong việc thề dọn sạch Trái Đất. Bắc Kinh cũng từng nổi lên như nhà lãnh đạo các nước mới nổi trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu, tuy nhiên đó chỉ là bước đi để lấy tiếng, trong thực tế họ đã và đang bỏ qua mọi thỏa thuận để đẩy mạnh phát triển kinh tế. Chỉ lượng khí thải nhà kính tăng lên hàng năm của Trung Quốc cũng đã nhiều hơn toàn bộ lượng khí thải 1 năm của Canada.
Có một thực tế hầu như chẳng có quốc gia nào, đặc biệt là Trung Quốc, có ý định giảm tốc kinh tế của họ để hiện thực hóa những cam kết trước sự nóng lên của Trái Đất. Vì vậy, không phải là phi lý khi thỏa thuận Paris bị chính quyền Trump chỉ trích, thực ra chỉ là một cách để “ép” Mỹ phải chi ra thêm 100 tỷ USD tiền viện trợ nước ngoài cho phần còn lại của thế giới.
Theo Stephen Moore, một học giả thỉnh giảng tại Tổ chức Heritage và cố vấn về kinh tế tại FreedomWorks, trong thực tế sau 2 năm rút ra khỏi thỏa thuận Paris, Mỹ vẫn là nước cắt giảm lượng carbon nhiều hơn hẳn các nước vẫn còn ở trong thỏa thuận. Theo ông Moore, đó là vì người Mỹ đã phát minh ra một thứ có tên gọi là khí đá phiến (shale gas). Thứ nhiên liệu giá rẻ này đang thay thế than đá và những nguồn năng lượng gây ô nhiễm lớn khác. Ông tin rằng nếu phần còn lại của thế giới tiếp bước theo Mỹ và sử dụng nhiều khí tự nhiên hơn, hành tinh này sẽ xanh hơn và thịnh vượng hơn.
Trung Quốc thủ phạm phá hủy tầng ozone?
Tại COP25, Ấn Độ và Trung Quốc không chịu đưa ra cam kết nỗ lực mới, vì cho rằng các các quốc gia phát triển cũng không chịu hứa làm nhiều hơn và tôn trọng cam kết trợ giúp tài chính cho các nước đang phát triển.
Trong khi đó, một nghiên cứu của các nhà khoa học từ Đại học Bristol, Đại học Quốc gia Kyungpook và Viện Công nghệ Massachusetts, cho thấy Trung Quốc chịu trách nhiệm cho sự tăng vọt gần đây trong việc phát thải khí nhà kính bất hợp pháp. Theo đó, Trung Quốc chiếm 40-60% mức tăng trichlorofluoromethane toàn cầu, hay CFC-11, phát thải từ năm 2014-2017. Trong khi CFC-11 đã bị cấm trên bình diện quốc tế theo Nghị định thư Montreal, vì nó có thể phá hủy tầng ozone bảo vệ Trái Đất. Phát thải khí chủ yếu đến từ các tỉnh phía Đông Bắc Trung Quốc là Sơn Đông và Hà Bắc.
Các nhà khoa học cho biết nghiên cứu của họ được xây dựng dựa trên các nghiên cứu trước đó về sự tăng vọt của khí thải CFC-11 vào khí quyển sau năm 2013, bằng cách đưa ra chi tiết về nguồn gốc địa lý của những sự gia tăng đó. Nghiên cứu mới nhất cũng xác nhận, sự gia tăng phát thải CFC-11 từ phía Đông Hoa lục có thể là kết quả của việc sản xuất và sử dụng mới, không phù hợp với thỏa thuận của Nghị định thư Montreal về việc loại bỏ sản xuất chlorofluorocarbon toàn cầu vào năm 2010, bản tóm tắt nghiên cứu cho biết.
Nghị định thư Montreal là một thỏa thuận được ký bởi tất cả 197 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc (bao gồm cả Trung Quốc) để điều chỉnh việc sản xuất và tiêu thụ các hóa chất gây hại cho lớp bảo vệ trái đất. Hiệp ước đã dẫn đến việc giảm một lượng đáng kể các loại khí độc hại như CFC-11, nhờ đó cho phép tầng ozone bị hư hại được chữa lành.
Năm 2018, một báo cáo của Thời báo New York cho thấy, các nhà máy Trung Quốc đã bỏ qua lệnh cấm toàn cầu đối với CFC-11 theo Nghị định thư Montreal. Họ đã tiếp tục sản xuất và sử dụng hóa chất này vì nó là một vật liệu rẻ hơn để sản xuất xốp cách nhiệt cho tủ lạnh và các tòa nhà. Nhóm hoạt động phi chính phủ-Cơ quan điều tra môi trường năm 2018 đã báo cáo những phát hiện tương tự như Times dựa trên nghiên cứu của chính họ.
Tranh cãi về CO2
Một trong những tác nhân được nhiều người tin tưởng nhất gây nên sự ấm lên toàn cầu là carbon dioxide (CO2). Tuy nhiên, ngày càng xuất hiện những nghiên cứu cho thấy một thực tế khác. Các ước tính tốt nhất nói rằng nếu lượng CO2 trong khí quyển tăng gấp đôi, nhiệt độ sẽ tăng thêm 3°C. Nhưng con số 3°C chỉ là ước tính. Đây là “độ nhạy khí hậu”. Năm 2007, Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết độ nhạy khí hậu có thể ở khoảng từ 2-4,5°C. Điều đó có nghĩa sự gia tăng nhiệt độ từ việc giải phóng CO2 nhất định vẫn chưa chắc chắn.
Đã có một số nỗ lực để giảm độ nhạy. Lần gần đây nhất đến từ Andreas Schmittner thuộc Đại học bang Oregon, Corvallis và các đồng nghiệp, những người đã xem xét kỹ hơn về kỷ băng hà khoảng 20.000 năm trước, khi kỷ băng hà cuối cùng ở đỉnh cao. Họ đã sử dụng dữ liệu được công bố trước đây để đưa ra một bản đồ toàn cầu chi tiết về nhiệt độ bề mặt. Theo đó, nhiệt độ trung bình của Trái đất mát hơn 2,2°C so với ngày nay.
Qua nghiên cứu lõi băng, các nhà khoa học biết được mức khí nhà kính trong khí quyển vào thời điểm đó thấp hơn nhiều so với hiện tại. Schmittner đã đưa nồng độ khí nhà kính trong khí quyển của thời đó vào mô hình khí hậu và cố gắng tái tạo các kiểu nhiệt độ toàn cầu. Theo đó, ông cho rằng độ nhạy khí hậu tương đối nhỏ là 2,4°C.
Nếu mô hình của ông là đúng, sự nóng lên toàn cầu trong thế kỷ này sẽ nằm ở mức thấp hơn trong ước tính của IPCC. Giả sử chúng ta tiếp tục đốt nhiên liệu hóa thạch rất nhiều, IPCC ước tính rằng nhiệt độ vào năm 2100 sẽ cao hơn khoảng 4°C so với giai đoạn 1980-1999. Tuy nhiên, nghiên cứu của Schmittner cho thấy sự nóng lên chỉ cỡ 2,4°C.
Cần cởi mở hơn
Cần cởi mở hơn
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy có những khuynh hướng áp đặt trong cuộc chiến biến đổi khí hậu. Có những ví dụ ngày càng tăng từ hệ thống giáo dục ở tất cả các cấp trong đó các chủ đề nhất định được coi là không thể chạm tới, hoặc khi một tập hợp các sự kiện không đầy đủ dẫn đến một kết luận bị bỏ qua. Đối với các cuộc tranh luận về khí hậu, các sự kiện có liên quan xung đột với lý thuyết đang thịnh hành không được kiểm chứng và thậm chí còn bị tấn công.
Tiến sĩ Susan Crockford, một chuyên gia về nhận dạng xương động vật và nhà nghiên cứu gấu Bắc cực, người đã viết 5 cuốn sách về các loài động vật, nghi ngờ việc cô bị đuổi khỏi Đại học Victoria vào tháng 5-2019 là vì phát hiện gấu Bắc cực không hề đối mặt với sự tuyệt chủng, ngược lại với tuyên bố của các nhà hoạt động biến đổi khí hậu. Nghiên cứu của Crockford cho thấy mặc dù có nhiều giả định ngược lại, quần thể gấu Bắc cực trong thực tế lại đang gia tăng và thực sự phát triển mạnh.
Thay vì được đón nhận nồng nhiệt như một tin mừng, tin tức này được cho là đe dọa những tuyên truyền hiện tại. Nghiên cứu của cô được cho là “quá sai về mặt chính trị” đối với sinh viên. Vì Crockford chọc một lỗ hổng trong câu chuyện đang thịnh hành, cô phải im lặng. Petteri Taalas, Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới, gần đây đã lên tiếng lo ngại rằng cuộc đối thoại về biến đổi khí hậu đã bị tấn công bởi những kẻ cực đoan khí hậu và những kêu gọi hành động cực đoan của họ.