Việt Nam có thể mở cửa đón khách du lịch
Những ngày gần đây, câu hỏi khi nào Việt Nam mở cửa du lịch đang trở thành đề tài nóng được bàn luận sôi nổi.
Ông Trần Trọng Kiên, Thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, Chủ tịch Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), chia sẻ: “Đối với nước ta, việc mở cửa này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Chính phủ tập trung phục hồi nền kinh tế và đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 4,5% trong năm 2020. Mở cửa cho khách quốc tế có nghĩa là cho phép và tạo thuận lợi cho khách nước ngoài đến Việt Nam và người Việt Nam đi ra nước ngoài, cho phép mở đường bay kết nối các thành phố trong nước và quốc tế. Mở cửa cho du lịch là bước đi đầu tiên để đảm bảo mở cửa cho đầu tư, thương mại và các hợp tác khác.
Việt Nam nên xây dựng các phương án mở cửa với toàn thế giới dựa trên phân tích dữ liệu về rủi ro lây nhiễm cộng đồng của các quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Số ca lây nhiễm trong cộng đồng bằng 0 trong khoảng thời gian 4 tuần có thể coi là rủi ro rất thấp. Phương án cho Việt Nam là kết nối trực tiếp thử nghiệm với các nước và cộng đồng như vậy trước, sau đó tiếp tục mở ra cho các nước tương tự nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát.”
Ông Kiên đưa ra khuyến nghị nên cân nhắc mở cửa với Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Đài Loan và môt số tỉnh của Trung Quốc. Việc mở cửa với các điểm đến này có thể sớm trở thành hiện thực nếu như có các đàm phán song phương về một hành lang an toàn.
Hiện nay, các hãng hàng không đã sẵn sàng mở lại đường bay quốc tế bất kể lúc nào khi được Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và Cục Hàng không Việt Nam cấp phép. Trong đó, Vietnam Airlines và Bamboo Airways sẽ có thể khai thác đường bay quốc tế trong tháng 7-2020.
Tại buổi hội thảo hàng không của Vietnam Airlines vào chiều 12-6, theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban kế hoạch phát triển Vietnam Airlines, hiện hãng đã sẵn sàng mở lại các đường bay quốc tế trên cơ sở cho phép của Chính phủ Việt Nam và các nước.
Để làm điều này, Vietnam Airlines đã xây dựng và ban hành các quy trình, quy định về khai thác bay và phục vụ hành khách để đảm bảo an toàn dịch tễ cũng như tuân thủ chặt chẽ các quy định về kiểm dịch và phòng dịch của cơ quan chức năng.
Hiện, Vietnam Airlines đã triển khai khai thác thường lệ các đường bay chở khách từ Hà Nội và TPHCM-Seoul (Hàn Quốc) với tổng 5 chuyến/tuần và dự kiến sẽ tăng lên 14 chuyến/tuần vào tháng 7-2020 để chở khách Việt Nam sang Hàn Quốc.
Bất động sản nghỉ dưỡng có sức bật mới
Truyền thông quốc tế tiếp tục đề cao Việt Nam khống chế thành công dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 và bắt đầu trở lại nếp sống yên bình, yếu tố này giúp Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy đối với giới đầu tư, tạo thuận lợi cho quá trình khôi phục sản xuất sau đại dịch. Từ đó, ngành du lịch và đầu tư bất động sản du lịch có cơ hội tăng trưởng mạnh.
Ngay đầu tháng 6-2020, những dự án bất động sản nghỉ dưỡng bắt đầu chiến dịch quảng bá và mở bán. Có thể kể đến dự án Sun Grand City Feria (Hạ Long – Quảng Ninh), Khu đô thị biển Kỳ Co Gateway (Bình Định), Tổ hợp Wyndham Soleil Danang ra mắt mắt giới thiệu tòa tháp căn hộ khách sạn Ethereal (tòa D – Ethereal)…
Theo dự báo mới nhất của DKRA, nguồn cung căn hộ condotel có thể tăng mạnh trong thời gian tới. Điển hình, tại thị trường Khánh Hòa, dự kiến từ 3 đến 5 năm nữa, sẽ đưa ra thị trường khoảng 17.000 sản phẩm nghỉ dưỡng (trong đó có khoảng 15.500 căn hộ condotel).
Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP) - nơi tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch – đã có nhiều buổi làm việc với UBND tỉnh Khánh Hòa với mong muốn được đầu tư quy mô lớn vào các ngành trọng điểm tại khu vực Bắc Vân Phong (Khánh Hòa). Tập trung chủ yếu vào ngành du lịch và dịch vụ du lịch như casino, khu mua sắm, khu khách sạn và nghỉ dưỡng cao cấp, khu giải trí, cơ sở thể dục - thể thao…
Dự kiến lượng vốn đầu tư ở khu vực này khoảng 40 tỷ USD. IPP không đầu tư cả 40 tỷ USD mà sẽ kêu gọi các tỷ phú thế giới cùng đầu tư vào theo từng thế mạnh của họ.
Trong lúc phân khúc bất động sản du lịch tràn đầy niềm tin vào thời kỳ hậu Covid-19 thì các phân khúc khác đang phân vân với nhiều kịch bản và lựa chọn. Tại tọa đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới" do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ phối hợp tổ chức, các chuyên gia đã đưa ra nhiều nhận định về thị trường sau dịch Covid-19, nhiều định hướng cho rằng bất động sản công nghiệp sẽ khởi sắc.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam thì những khó khăn của thị trường ở thời điểm hiện tại khác với những khó khăn mà thị trường phải đối mặt của 10 năm trước. Cuộc khủng hoảng bất động sản 10 năm trước có căn nguyên là sự dư thừa nguồn cung, trong khi thị trường hiện tại lại đang thiếu nguồn hàng do động thái kiểm soát nghiêm ngặt của cơ quan chức năng về việc cấp phép và siết tín dụng bất động sản.
Ông Hà nhấn mạnh bất động sản nhà ở vẫn là nhu cầu thiết yếu. Dù Covid-19 là một cú bồi khiến thị trường thêm khó khăn nhưng nhu cầu mua ở thực vẫn luôn hiện hữu và thường trực, vấn đề chỉ là có sản phẩm phù hợp hay không. Trong phát triển sản phẩm nhà ở, cần suy tính đến nhu cầu tương lai với xu hướng nâng cao chất lượng như phát triển nhà thông minh, công trình xanh.
Bày tỏ quan điểm về xu hướng thị trường trong tương lai, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng trong ngắn hạn thì hết năm nay có thể thị trường sẽ khởi sắc trở lại. Hiện thị trường đang có nhiều kênh đầu tư tốt hơn và người dân vẫn có tâm lý chờ bất động sản xuống giá. Về dài hạn, bất động sản sẽ vẫn là kênh đầu tư tiềm năng do dân số trẻ, nhu cầu nhà ở lớn và mức sống của người dân ngày càng một nâng cao.
Ông Trịnh Văn Quyết, chủ tịch tập đoàn FLCcho biết FLC đã có khoảng thời gian dài đồng hành cùng thị trường bất động sản Việt Nam, đã đi cùng và vượt qua những giai đoạn khủng hoảng như 2008, 2013 với kết quả tích cực. Do đó, với Covid-19, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng ông vẫn tin tưởng vào sự hồi phục và phát triển của thị trường trong thời gian tới. Ông nhận định đây là thời điểm vàng để xuống tiền mua bất động sản, cả với những người tích lũy ít đến đầu tư lớn.