Bắt đúng bệnh nhưng không dễ kê đơn

Rất khó phát hiện bán khống CK tại Việt Nam?
Rất khó phát hiện bán khống CK tại Việt Nam?
Rất khó phát hiện bán khống CK tại Việt Nam?

Trong Công văn 3229/UBCK-QLQ (CV3229) ngày 7-9 gửi các CTCK, công ty quản lý quỹ, ngân hàng (NH) lưu ký, NH giám sát việc chấn chỉnh hoạt động trên TTCK, đã chỉ ra những chiêu trò liên quan đến hoạt động bán khống đã có từ lâu. Mặc dù vậy, việc xử lý những chiêu trò này như thế nào lại không đơn giản.

Công văn đã chỉ ra các “nguồn” cũng như tác nhân để từ đó tạo ra “hàng” cho hoạt động bán khống, bao gồm CTCK, công ty quản lý quỹ và NĐT đơn lẻ, với sợi dây nối kết là các nhân viên môi giới. Các chiêu trò như CTCK cho mượn hàng tự doanh, công ty quản lý quỹ cho mượn danh mục, hay NĐT cho mượn CP để bán ra đều đã được nhận diện.

Có thể nói, đây là một công văn thể hiện sự sâu sát, thẳng thắn trong việc nhận diện rõ ràng các nghiệp vụ “ngoài luồng” trên thị trường. Nhưng thực tế những chiêu trò hay cách lách không hề mới, nếu không muốn nói là đã quá cũ với những NĐT có kinh nghiệm.

Nhưng vì sao đến nay UBCKNN mới nêu ra một cách chi tiết như vậy? UBCKNN mới biết, đã biết từ lâu nhưng không nêu ra, hay đây mới là thời điểm chín muồi để chấn chỉnh? Bởi lẽ, nếu nội dung của Công văn 3229 được nêu ra sớm hơn thì tính chất cảnh báo, răn đe sẽ có tác dụng hơn so với hiện nay.

Theo đó, những bên cung cấp dịch vụ bán khống chui sẽ phần nào e ngại khi UBCKNN đã nắm thóp được mình, còn NĐT cũng có một cái nhìn rõ nét hơn về hoạt động này để từ đó gia tăng nhận thức và suy đoán của mình.

Thí dụ, trong Công văn 3229 UBCKNN khuyến cáo NĐT không cho vay chứng khoán để bán do hoạt động này tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể gây thất thoát, tranh chấp về tài sản. Thực tế, chuyện CTCK vay CP của NĐT đã có và nếu được nhắc nhở sớm, ít nhiều hoạt động này cũng sẽ được hạn chế.

Tuy nhiên, việc xử lý của UBCKNN nếu phát hiện hoạt động bán khống là như thế nào? Cho đến thời điểm này, vẫn chưa có “án điểm” nào liên quan đến hoạt động bán khống được đem ra xử lý, cũng như chưa có khung hình phạt cụ thể nào. Vì thế những bên cung cấp dịch vụ bán khống không thể hình dung ra được mức hình phạt mình sẽ đón nhận nặng đến đâu.

Hiện nay, việc cho vay mượn CP cũng như cung cấp dịch vụ bán khống đã trở thành nguồn sống của không ít cá nhân, tổ chức. Đã có những NĐT sử dụng thuần thục kỹ năng “short” (từ chỉ hoạt động bán khống) như những “nhà cung cấp” chuyên nghiệp.

Xử phạt không đơn giản, nhưng phát hiện lại càng khó khăn hơn. Thí dụ, các tổ chức kinh doanh chứng khoán có cung cấp dịch vụ bán khống đọc được Công văn 3229 sẽ biết rằng UBCKNN đã nhận diện được thủ thuật của mình, nên không loại trừ các tổ chức này sẽ tiếp tục sáng tạo thêm những chiêu trò mới.

Trong mục 1 của Công văn 3229, UBCKNN yêu cầu nhân viên làm việc tại CTCK không được làm trung gian bán khống, nhưng tìm thấy chứng cứ của việc này rất khó. Bởi hiện nay trên thị trường có rất nhiều môi giới tự do hình thành từng nhóm để cung cấp dịch vụ này chứ không riêng gì nhân viên của CTCK.

Họ đứng ra làm trung gian giữa “nhà cung cấp” và “khách hàng” để bán khống và việc này dù diễn ra phổ biến hơn trong 1-2 năm gần đây, nhưng cũng vẫn ở dạng đóng, chứ không quá mở. UBCKNN liệu có thể phát hiện hoạt động trung gian này được nhanh chóng hay không?

Bên cạnh đó, liệu NĐT cá nhân có nghe UBCKNN khuyến cáo việc không cho vay chứng khoán để bán? Bởi việc bán khống nếu thực hiện trên tài khoản của CTCK, công ty quản lý quỹ sẽ có nhiều cơ sở để phát hiện. Nhưng với tài khoản của NĐT cá nhân, việc bán ra, mua vào dù có nhiều, họ vẫn có lý lẽ để nói rằng mình đang lướt sóng. Và nếu CTCK “đẩy” CP chuyên dùng cho bán khống về tài khoản của NĐT cá nhân thì UBCKNN sẽ “bó tay”? 

Hoạt động CTCK cấp margin đã được luật hóa, T+3 cũng đã được thực thi, trong khi hoạt động bán khống, vốn dĩ là một nghiệp vụ quen thuộc trên TTCK thế giới lại không được như vậy? NĐT hiện nay đã đủ trưởng thành để nhận ra những ưu, khuyết, được, mất của bán khống nên không có lý do gì để trì hoãn.

Lấy trường hợp một NĐT không có thói quen “short” với mục đích “ăn” giá xuống, mà chủ yếu dùng để “sửa lỗ” lỡ mua vào giá cao, sau đó thị trường giảm giá. Đây là mặt tích cực (nhưng chưa được thực hiện) của bán khống. T+3 từ khi được nhắc tới cho đến khi chính thức triển khai đã mất khoảng thời gian khá dài.

Nếu bán khống cũng phải mất thời gian như vậy, NĐT vẫn có thể chờ đợi được. Bởi hoạt động margin đã được triển khai trước khi được luật hóa trong một thời gian dài, nên đến khi có luật, những tồn tại trước đó vẫn còn “theo” các CTCK đến hôm nay. Và như vậy, đối với hoạt động bán khống, càng để lâu, đến khi chính thức được triển khai, việc khắc phục các khiếm khuyết trước đó sẽ càng vất vả.

Các tin khác