Bất lực với “Ma men”

(ĐTTCO)-Vụ nữ tài xế say xỉn lái ô tô BMW tông hàng loạt phương tiện tại ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh, TPHCM) làm 1 người chết, 6 người bị thương đã trôi qua gần 1 tháng, song đến nay nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng mỗi khi nhắc lại. 
Cảnh sát giao thông TPHCM kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông
Cảnh sát giao thông TPHCM kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông

Hậu quả do “ma men” gây ra kinh khủng vậy nhưng phần lớn người dân hiện nay vẫn bất chấp, vô tư vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Cùng với đó, nhiều giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) do vi phạm nồng độ cồn của chính quyền, ngành chức năng chưa phát huy hiệu quả, đã khiến TNGT tại nhiều quận/huyện ở TPHCM đang tăng cao ở mức báo động.

“Ma men” nhiều, tai nạn tăng

Đường Vành Đai Trong (phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân) dài chừng 500m nhưng có hơn 50 nhà hàng, quán nhậu lớn nhỏ. Hàng ngày, từ trưa đến khuya, trên tuyến đường này, “ma men” liên tục xuất hiện và rình rập gây họa người đi đường. Ghi nhận vào tối chủ nhật (11-11), chỉ trong nửa giờ, chúng tôi thấy có hơn 30 trường hợp đi ra từ các nhà hàng Tr.Ch, B.V, Q.A trong tình trạng “bước thấp bước cao”.

Tại nhà hàng Tr.Ch, sau khi thi đấu tửu lượng với nhóm bạn, một người đàn ông trung niên ra về xỉn đến mức… đứng không vững và liên tục “cho chó ăn chè”.

Dù được nhóm bạn khuyên gửi xe máy lại quán, đi taxi về nhà cho an toàn nhưng ông này vẫn cho thấy mình là người bản lĩnh khi nói lảm nhảm “ông yên tâm, tôi còn chạy ngon, thấy vậy chứ không phải vậy đâu”. Dứt lời, người đàn ông trung niên kéo ga phóng nhanh, sau khi “vẽ rồng vẽ rắn” trên đường được 30m, người này không kiểm soát được tay lái, tự tông vào dải phân cách và ngã xuống đường.

Thấy chúng tôi lắc đầu ngao ngán, ông Thành, bảo vệ nhà hàng Tr.Ch nói: “Chuyện thường ngày ấy mà, ngày nào ở đây cũng có vài vụ như vậy. Nhẹ thì bị mẻ đầu, sứt trán, nặng thì vào nhà thương vì cái tội cố chạy xe sau khi nhậu. Nhiều trường hợp còn gây họa, tông xe vào người khác”.

Ghi nhận nhiều ngày tại một số tuyến đường khác có đông quán nhậu như Khu dân cư Trung Sơn (huyện Bình Chánh), đường Nguyễn Tri Phương (quận 10), đường Trần Não (quận 2), đường Nguyễn Thị Thập (quận 7)…, chúng tôi cũng nhiều lần bắt gặp những hình ảnh tương tự.

Theo Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ, đường sắt Công an TPHCM, số người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn ngày càng gia tăng. Trong 10 tháng năm 2018, các đội trực thuộc của đơn vị này đã xử lý 21.107 trường hợp vi phạm, so với cùng kỳ tăng hơn 2.000 trường hợp. Thực tế cho thấy tình trạng người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn kéo theo TNGT tăng cao.

Tính riêng huyện Bình Chánh, từ ngày 16-11-2017 đến ngày 15-10-2018 đã xảy ra 46 vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra, làm 47 người chết. Theo Công an huyện Bình Chánh, số vụ TNGT và số người tử vong trong các vụ tai nạn do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra luôn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tai nạn (gần 40%).

“Ma men” ngày càng xuất hiện nhiều, TNGT do “ma men” ngày càng tăng nhưng công tác ngăn chặn, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Theo Trung tá Hồ Đình Hải, Phó đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an quận 8, hầu hết các trường hợp người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn khi bị CSGT xử lý đều bất hợp tác: “Họ (người vi phạm - PV) thường xuyên từ chối thổi máy đo, cho rằng mình uống ít, còn chạy xe được, không vi phạm. Không ít trường hợp ngang ngược không ký biên bản, cho rằng kết quả máy đo không chính xác. Thậm chí có trường hợp khi bị xử phạt còn lớn tiếng chửi bới, hăm dọa, tấn công làm cán bộ chiến sĩ bị thương”.

Thiếu quyết liệt, còn hình thức trong các giải pháp

Công tác kéo giảm TNGT nói chung và kéo giảm TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn gây ra được chính quyền, ngành chức năng TPHCM đặc biệt quan tâm.

Thời gian qua, các cấp chính quyền, ngành công an từ thành phố đến quận/huyện, phường/xã đã triển khai nhiều giải pháp như tăng cường tuần tra - xử lý vi phạm, đẩy mạnh tuyên truyền...

Thế nhưng đến nay kết quả không như mong đợi. Vì sao? Thiếu tá Ninh Xuân Hảo, Phó đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Bình Chánh, nhìn nhận ý thức của một bộ phận lớn người dân trong việc chấp hành luật khi tham gia giao thông còn rất hạn chế. Nhiều người biết là vi phạm nhưng vẫn cố tình thực hiện. Vi phạm này còn tồn tại nhiều có phần lớn trách nhiệm chính quyền, ngành chức năng chưa thực sự làm tốt công tác tuyên truyền.

Một cán bộ của Ban An toàn giao thông TPHCM cho rằng, việc tuần tra, chốt chặn, kiểm tra, phát hiện và xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn được xem là giải pháp trọng tâm, căn cơ để kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, ở nhiều địa phương, công tác này chưa được thực hiện hiệu quả.

“Có quận/huyện cả năm không có đến một chuyên đề về kiểm tra - xử lý ở lĩnh vực này. Đặc biệt, một số đơn vị, sau khi có sự cố, tai nạn nghiêm trọng liên quan đến nồng độ cồn xảy ra trên địa bàn mình phụ trách mới mở đợt cao điểm kiểm tra. Đã vậy, quá trình triển khai lại làm rất chiếu lệ, hình thức, chỉ sôi nổi, rầm rộ ở buổi ra quân - khi có báo đài quay phim, chụp hình, còn sau đó thì thiếu quyết liệt. Thậm chí có đơn vị đưa ra kế hoạch thực hiện đợt cao điểm kéo dài cả tháng nhưng chỉ làm vài ngày đầu, sau đó… quên luôn”, vị cán bộ của Ban An toàn giao thông TPHCM chỉ ra thực tế, đồng thời đề nghị lãnh đạo cấp ủy, công an các cấp phải sâu sát hơn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp kéo giảm TNGT, nhất là tuần tra, kiểm tra, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Anh Nguyễn Hữu Nam (48 tuổi), tài xế lái xe khách tuyến Quảng Ngãi - Kiên Giang, chia sẻ rằng, không có một người tham gia giao thông nào muốn mình bị xử phạt, vấn đề ở đây vì sao sợ - không muốn bị phạt nhưng người điều khiển phương tiện vẫn cứ vi phạm?

“Đơn giản vì những trường hợp vi phạm thường là những người có thân thế, có “gốc”, thậm chí là cán bộ, có quyền sẵn trong tay. Khi bị CSGT kiểm tra, phát hiện có vi phạm nồng độ cồn trong tham gia giao thông thì họ “tự giải quyết”, hoặc nhờ “ở trên” can thiệp được ngay". Chính vì vậy nên người vi phạm không sợ, không ngại vi phạm. Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp được CSGT nhẹ tay, bỏ qua vì lý do nào đó”, anh Nam chia sẻ và cho rằng khi gặp những trường hợp người vi phạm như đã nêu, nếu CSGT không “hiền”, cứ mạnh tay, kiên quyết xử phạt, có lẽ tình trạng người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn sẽ giảm mạnh.

Thiếu tá NINH XUÂN HẢO, Phó đội trưởng Đội CSGT - Trật tự Công an huyện Bình Chánh:

Xử nghiêm, kiên quyết để răn đe

Nguyên nhân dẫn đến TNGT liên quan đến nồng độ cồn xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông kém. Những người có ý thức kém họ không xem trọng tính mạng của mình và người khác, bất chấp việc thượng tôn pháp luật, vô tư ăn nhậu đến mức say xỉn, điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia.

Trên thực tế, số lượng người thiếu ý thức như nêu trên rất lớn và đây chính là nguyên nhân khiến TNGT liên quan đến nồng độ cồn tăng lên mỗi năm; chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tai nạn.

Từ thực tế trên, để kéo giảm TNGT liên quan đến nồng độ cồn, tại Bình Chánh, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung thực hiện 2 giải pháp chính. Đó là nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, chốt chặn, phát hiện, xử lý người tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn.

Theo đó, ngoài việc chủ động phát hiện, xử lý vi phạm hàng ngày, đơn vị sẽ phối hợp với các đội - trạm CSGT của Phòng CSGT đường bộ đường sắt và công an các xã, quận/huyện giáp ranh tổ chức nhiều hơn nữa các đợt cao điểm xử lý “ma men”. Trong đó, tập trung xử lý tại các khu vực có nhiều quán nhậu, nhà hàng...

Chúng tôi sẽ xử nghiêm, kiên quyết, không khoan nhượng với bất cứ ai nhằm răn đe. Cùng với đó, CSGT Bình Chánh cũng sẽ làm mới, sinh động các hình thức tuyên truyền. Ngoài cổ động, phổ biến kiến thức pháp luật, thông tin các vụ TNGT liên quan đến nồng độ cồn trên xe lưu động, chúng tôi cũng phối hợp với chính quyền ở cơ sở, mặt trận, đoàn thể… tổ chức các buổi nói chuyện, phổ biến kiến thức pháp luật về giao thông, tác hại của bia rượu đến người dân ở tận khu phố, tổ dân phố.

Luật gia ĐẶNG TRẦN THỊNH:

Chiếu clip tai nạn thảm khốc do bia rượutrong quán nhậu, giao lộ

Tuyên truyền là giải pháp quan trọng nhất để kéo giảm TNGT do “ma men, bởi khi nhận thức được hiểm họa, mối nguy hiểm từ bia rượu trong tham gia giao thông, người dân sẽ không vi phạm. Quan trọng vậy nhưng hiện nay giải pháp này chưa được chính quyền, ngành công an, tổ chức đoàn thể xã hội nhiều nơi thật sự quan tâm.

Phần lớn các cơ quan, đơn vị chỉ luẩn quẩn với cách làm rập khuôn, hình thức như chạy xe phát loa cổ động, phát tờ rơi - tờ bướm, lâu lâu tổ chức nói chuyện qua loa một vài buổi. Tôi cho rằng, muốn TNGT do “ma men” được kéo giảm phải nhất thiết thay đổi cách tuyên truyền, nếu không thay đổi, vi phạm và TNGT sẽ tiếp tục gia tăng.

Hình thức tuyên truyền phải sinh động, phải tạo sự chú ý, để người dân “thấm”, hiểu ra vấn đề và từ đó thay đổi nhận thức, điều chỉnh hành động.

Tôi đề xuất, CSGT nên phối hợp với đoàn thể, hội, các bệnh viện… tổ chức ghi hình, quay video cảnh TNGT, cảnh các nạn nhân bị tai nạn phải điều trị trong đau đớn tại bệnh viện, hậu quả người gánh chịu từ các vụ TNGT…

Sau đó dựng thành clip và chiếu tại khu vực đông người, các giao lộ, thậm chí chính quyền địa phương có thể làm việc với chủ các nhà hàng, quán nhậu để chiếu, phát ngay trong nhà hàng. Khi đọc, xem thấy những hình ảnh đáng tiếc trong clip, chắc chắn không ai để mình vi phạm và phải rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Các tin khác