Bất lực với tin nhắn rác?

(ĐTTCO) - Dù các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công bố thực hiện các biện pháp để giảm nạn tin nhắn rác; cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các giải pháp để quản chặt hơn… nhưng tin nhắn rác vẫn đang là vấn nạn gây bức xúc cho người dùng di động.

(ĐTTCO) - Dù các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông công bố thực hiện các biện pháp để giảm nạn tin nhắn rác; cơ quan quản lý nhà nước tăng cường các giải pháp để quản chặt hơn… nhưng tin nhắn rác vẫn đang là vấn nạn gây bức xúc cho người dùng di động.

Thả nổi thuê bao trả trước

Cách đây khoảng 1 năm, tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước chuyên ngành, Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) đã đưa ra giải pháp sẽ trực tiếp quản lý đầu số tổng đài từ nhà mạng nhằm ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo... Các phương tiện truyền thông cũng đã nhiều lần phản ánh khách hàng dùng di động thường xuyên phải nhận vài tin nhắn rác/ngày, với nội dung rao bán sim, bất động sản, chăn ga gối đệm… gây khó chịu cho người dùng. Tuy nhiên đến nay nạn tin rác không hề giảm mà ngày càng lan rộng. Một khách hàng dùng thuê bao di động ở TPHCM cho biết thường phải đi công tác ở nước ngoài và hay mua sim di động của nước sở tại để tiện liên hệ. Các nước đó không có chuyện nhà mạng vô tư cho xả tin nhắn rác tới các thuê bao như ở Việt Nam.

Thống kê từ hệ thống giám sát của Tập đoàn Bkav, mỗi ngày hiện có tới 13,9 triệu tin nhắn rác được phát tán. Vào mùa khuyến mại giáp Tết, lượng tin nhắn rác khủng bố gia tăng mạnh. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tràn ngập tin nhắn rác hiện nay đó là việc buông lỏng quản lý thuê bao trả trước của các nhà mạng. Một người có nhiều năm buôn bán sim cho hay, dân kinh doanh sim thường nhập sim theo lô trực tiếp từ người trong nhà mạng hoặc mua, bán từ những người kinh doanh sim với nhau. Sim nhập có thể chưa kích hoạt, hoặc đã được kích hoạt sẵn. Tuy cấm bán sim kích hoạt sẵn nhưng thực tế một lượng lớn sim đã kích hoạt được chào mời hằng ngày.

Theo quy định 1 chứng minh nhân dân (CMND) chỉ được đăng ký 3 số thuê bao, nhưng chỉ cần chệch đi 1 số trong CMND lại đăng ký được thêm 3 thuê bao khác. Những quy định nặng về hình thức đó đã khiến việc đăng ký một thuê bao trả trước trở nên vô cùng đơn giản và không ai kiểm soát được. Đối với tin nhắn rác quảng cáo sim số đẹp thông thường thực hiện theo spam ngẫu nhiên, danh sách để spam tin nhắn được mua từ chính nhân viên nhà mạng cho nên cứ thuê bao trả sau hoặc thuê bao số đẹp càng dễ bị spam tin nhắn rác.

Tại Hà Nội có rất nhiều địa điểm bán sim. Thẻ của các nhà mạng được bán từ quán nước trà đá, các cửa hàng tạp hóa, đến các đại lý. Các loại sim khuyến mại rất rẻ chỉ 30.000-40.000đ, đặc biệt các loại sim khuyến mại hầu như đều được kích hoạt sẵn. Một nhân viên chuyên bán sim thẻ và thu cước của một nhà mạng cho biết với quy định hiện nay, 1 người có thể sử dụng rất nhiều số thuê bao di động. Mặc dù quy định là phải có CMND photo khi đăng ký thuê bao trả trước nhưng không dễ gì truy ra được tên chủ thuê bao, vì còn liên quan đến mã số thuê bao. “Anh muốn dùng thoải mái nhất cứ mua sim rác ngoài phố, vừa rẻ, vừa chẳng ai quan tâm anh là ai” - nữ nhân viên bán sim thẻ cho hay.

Giải pháp nào?

Tiếp tay cho tình trạng bùng nổ tin nhắn rác chính là sự tồn tại và phát triển của thị trường mua bán thông tin cá nhân, số điện thoại khách hàng trên nhiều website và mạng xã hội. Tại địa chỉ http://dskhachhang... công khai rao bán danh sách khách hàng gồm đầy đủ dữ liệu của một khách hàng như: họ tên, số điện thoại, email, chức vụ, ngành nghề kinh doanh... được sắp xếp và phân chia theo ngành nghề, mức thu nhập. Trang mạng xã hội “Data khách hàng” giao bán danh sách khách hàng với giá từ 100.000-300.000 đồng/danh sách, mua nhiều được giá ưu đãi. Danh sách còn được phân loại rõ khách hàng thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng; khách hàng của các DN; danh sách giám đốc, chủ tịch HĐQT những công ty lớn ở TPHCM...

Như đã nói, nguyên nhân của các vấn nạn tin rác, tin lừa đảo xảy ra đầu tiên thuộc về các cá nhân và tổ chức phát tán tin nhắn rác. Song, không thể không kể đến vai trò trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ di động. Chính các nhà mạng được cơ quan quản lý nhà nước giao cho quản lý và khai thác các đầu số tổng đài và họ đã thực hiện các hợp đồng hợp tác kinh doanh với các đối tác là DN cung cấp về nội dung và hưởng tỷ lệ ăn chia phổ biến ở mức 45-55% (trong đó DN đối tác hưởng 45%, nhà mạng hưởng tỷ lệ ăn chia 55%). Phải chăng đây là lý do khó dẹp nạn tin nhắn rác.

Mỗi ngày hiện có gần 14 triệu tin nhắn rác được phát tán.

Mỗi ngày hiện có gần 14 triệu tin nhắn rác được phát tán.

Tại cuộc họp giao ban quản lý nhà nước mới đây, lãnh đạo Bộ TT-TT cho biết sẽ xem xét để thực hiện quản lý các đầu số tổng đài thay vì để DN quản lý như hiện nay. Theo quy định, việc kiểm soát nội dung trên mạng di động chỉ có cơ quan quản lý mới được làm, trong khi đó nhà mạng vốn có hạ tầng cho thuê đầu số nhưng không được quản lý nội dung. Do vậy, mới có chuyện các đối tác thuê hạ tầng thực hiện các hành vi lừa đảo mà nhà mạng không thể kiểm soát. Và để hạn chế nạn tin rác, tin lừa, Bộ TT-TT sẽ thu hồi quyền quản lý đầu số viễn thông từ DN hiện nay về cơ quan quản lý nhà nước, theo hướng Nhà nước sẽ quản lý đầu số và cấp đầu số, đồng thời kiểm soát nội dung DN cung cấp ra thị trường; các DN cung cấp dịch vụ viễn thông chỉ giữ vai trò cho thuê hạ tầng. Tuy nhiên, đã được gần 1 năm trôi qua, dường như đề xuất này vẫn đang ở trên bàn thảo luận.

Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 9 khóa XIII vừa diễn ra, vấn nạn tin nhắn rác đã được đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn. Bức xúc là vậy nhưng không rõ đến khi nào cơ quan quản lý nhà nước mới tìm ra giải pháp ngăn chặn triệt để vấn nạn này. Bởi lẽ, số tiền các đối tượng thu lợi bất chính qua việc phát tán tin nhắn rác, lừa đảo lên tới hàng chục tỷ đồng. Không ít vụ đã bị phanh phui, xử lý nhưng lợi nhuận thu được đã làm mờ mắt những kẻ xấu và tin nhắn rác vẫn tiếp tục hoành hành.

Các tin khác