Lập BCTC là công việc hết sức bình thường đối các doanh nghiệp niêm yết trên TTCK. Thế nhưng, trong mùa BCTC năm nay, tất cả các doanh nghiệp than đang niêm yết đều có sai lệch số liệu trước và sau kiểm toán. Lệch hơn 5 lần Doanh nghiệp có sự chênh lệch về số liệu lớn nhất là CTCP Than Vàng Danh (TVD). Theo BCTC 2012 trước kiểm toán, lợi nhuận sau thuế của TVD chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng, nhưng sau khi kiểm toán lợi nhuận tăng vọt lên gần 57,5 tỷ đồng (tăng hơn 5 lần). CTCP Than Cọc Sáu - (TC6) cũng có sự chênh lệch lớn về lợi nhuận sau kiểm toán. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế chưa kiểm toán là 16 tỷ đồng, nhưng sau kiểm toán lên hơn 56 tỷ đồng. Danh sách các doanh nghiệp chênh số liệu lợi nhuận theo hướng tăng lên sau kiểm toán còn có CTCP Than Đèo Nai (TDN), từ 19 tỷ đồng tăng lên 32,7 tỷ đồng; CTCP Than Hà Tu (THT), từ 16,6 tỷ đồng tăng lên 18,8 tỷ đồng; CTCP Than Núi Béo (NBC), từ 40,9 tỷ đồng lên 51,6 tỷ đồng...
So với nhóm CP khoáng sản, CP than có lợi nhuận ổn định và tỷ lệ chi trả cổ tức cao hơn hẳn. Tuy nhiên, do thanh khoản kém hơn nên nhóm CP này không được NĐT ưa chuộng. Do vậy, nhóm CP than ít có sự đột biến và giá CP ngành than hiện đang giao dịch quanh mốc 1.0. |
Phía ngược lại, các doanh nghiệp lệch lợi nhuận theo hướng giảm sau kiểm toán gồm có: CTCP Than Hà Lầm (HLC), CTCP Than Cao Sơn (TCS) và CTCP Than Mông Dương (MDC). Cụ thể, lợi nhuận sau thuế kiểm toán của HLC từ 103,4 tỷ đồng giảm xuống còn 20,8 tỷ đồng (giảm hơn 5 lần), TCS từ 95,3 tỷ đồng giảm xuống còn 44,5 tỷ đồng (giảm hơn 2 lần), MDC từ 27 tỷ đồng giảm xuống còn 26 tỷ đồng.
Điều đáng nói là việc để xảy ra chênh lệch số liệu trước và sau kiểm toán của các doanh nghiệp than đã trở thành chuyện "cơm bữa". Tuy nhiên, do thiếu chế tài đủ mạnh nên các doanh nghiệp than vẫn cứ vô tư vi phạm từ năm này sang năm khác.
Lý do khách quan?
Cũng như mọi năm, khi giải trình về sự chênh lệch, đa phần doanh nghiệp đều "đổ lỗi" cho cơ chế của công ty mẹ là Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Chẳng hạn, HLC có mức độ chênh lệch số liệu rất lớn nhưng khi giải trình về hiện tượng này, ông Ngô Thế Phiệt, Giám đốc HLC, cho biết lợi nhuận sau thuế tại BCTC năm 2012 do công ty tự lập so với BCTC đã được AFC kiểm toán giảm hơn 86 tỷ đồng do Vinacomin có quyết định thay đổi điều chỉnh giá bán than trong năm 2012.
Tương tự, TDN cũng có giải trình về sự chênh lệch số liệu do BCTC tự lập áp dụng giá bán than theo Quyết định 1582 của Vinacomin, trong khi công ty kiểm toán áp dụng giá bán than theo quyết định mới của Vinacomin.
NĐT theo dõi giá CP. Ảnh: LONG THANH |
Trong khi đó, bản giải trình về chênh lệch số liệu của TVD, ông Nguyễn Văn Trịnh, Chủ tịch HĐQT, cho biết TVD là công ty con của Vinacomin, do đó sau khi kết thúc năm phải làm các thủ tục để nghiệm thu khối lượng mỏ và quyết toán chi phí với công ty mẹ.
Chính vì vậy, tại thời điểm TVD lập BCTC quý IV-2012 thì doanh nghiệp chưa triển khai nghiệm thu khối lượng và quyết toán chi phí với Vinacomin. Không "đổ thừa" cho Vinacomin nhưng khi giải trình về khoản chênh lệch 40 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán, ông Phạm Hồng Tài, Giám đốc TC6, lại nêu yếu tố khách quan.
Theo ông Tài, BCTC (chưa qua kiểm toán độc lập) được lập và nộp cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và UBCKNN vào ngày 21-1-2013 để đảm bảo đúng thời gian nộp báo cáo theo quy định. Số liệu trong BCTC chưa có ý kiến của kiểm toán độc lập và chưa quyết toán khoán chi phí với Vinacomin. Chính vì làm quá gấp gáp đã dẫn đến sự sai lệch số liệu trước và sau kiểm toán.