Hãng thông tấn AP (Mỹ) cho biết hàng nghìn luật sư của cả hai đảng đều sẵn sàng để đảm bảo các phiếu bầu được kiểm hoặc loại trừ.
Kể từ cuộc bầu cử năm 2000 khi quyết định về người chiến thắng do Tòa án Tối cao đưa ra, cả “chú Lừa” và “chú Voi” đều thành lập đội ngũ tư pháp chuẩn bị cho tình huống bất đồng về kết quả bầu cử.
Các ứng cử viên đều giữ bên mình những luật sư hàng đầu thân thiết với đảng. Đó là đảng Dân chủ với ông Donald Verrilli vốn từng là luật sư tại Tòa án Tối cao dưới thời cựu Tổng thống Brack Obama, phía bên đảng Cộng hòa là ông John Gore – quan chức cấp cao Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời Tổng thống Trump.
Việc tố tụng hiện hành tại Pennsylvania, North Carolina, Minnesota và Nevada cho thấy đây là những bang có thể trở thành “đối tượng” tranh chấp tại tòa án hậu bầu cử.
Các chuyên gia cho rằng thách thức pháp lý nhiều khả năng xuất phát từ lượng lớn các lá phiếu vắng mặt của cử tri do dịch COVID-19. Theo Tòa án Tối cao Mỹ, phiếu bầu gửi qua thư không có phong bì riêng sẽ coi là phạm luật.
Giáo sư luật Edward Foley tại Đại học Ohio đánh giá: “Tôi vẫn chưa xác định được phương pháp đếm và xác minh những lá phiếu vắng mặt tại một số bang chiến trường như Pennsylvania”. Tại bang Pennsylvania, các quan chức sẽ đợi đến ngày 3/11 mới kiểm phiếu trong khi một số hạt khẳng định sẽ kiểm phiếu vào những ngày sau đó.
Theo tòa án bang Pennsylvania, hạn chót kiểm phiếu bầu vắng mặt tại đây là vào 6/11. Tổng thống Trump không hài lòng với quyết định kéo dài này.
Ngày 1/11, Tổng thống Trump tuyên bố ngay sau khi các điểm bầu cử đóng cửa “chúng tôi sẽ đi vào với các luật sư”.
Thứ ba ngày 3/11 (giờ địa phương), người dân Mỹ sẽ đi bỏ phiếu lựa chọn tổng thống mới với 2 ứng cử viên là ông Donald Trump - đại diện đảng Cộng hòa và ông Joe Biden – đại diện đảng Dân chủ.