Không quá bi quan vào thị trường nhưng cũng không quá lạc quan, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng (ảnh) cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng đang phản ánh đúng sự thật và không phải là không tích cực.
PHÓNG VIÊN: - Thị trường BĐS đóng băng suốt 2 năm qua, đã xuất hiện làn sóng bán tháo, giá nhà đất cũng giảm, doanh nghiệp đang rất khó khăn… Theo Bộ trưởng, đã đến lúc cần giải cứu thị trường này?
![]() |
- Bộ trưởng TRỊNH ĐÌNH DŨNG: - Thị trường BĐS đóng băng thực tế có tác động 2 mặt. Về mặt tích cực, nó phản ánh đúng sự thật; mặt tiêu cực là làm kinh tế khó khăn hơn.
Nguyên nhân tồn tại, yếu kém chúng ta đã phân tích, mổ xẻ rất nhiều. Trong đó có nguyên nhân về thể chế, có nguyên nhân chủ đầu tư. Tuy nhiên đã là kinh tế thị trường phải tôn trọng quy luật cạnh tranh, cung cầu, sau mới có sự can thiệp của Nhà nước. Việc giảm giá nhà, đất hiện nay là tốt.
Cung tăng - cầu ít thì giảm giá là quy luật kinh tế thị trường. Điều này lợi cho người tiêu dùng, thiệt cho người sản xuất. Về lâu dài cần có sự can thiệp của Nhà nước. Nhưng phải tiếp tục xây dựng chính sách. Nhiều người nói năm sau thị trường mới giảm giá nhưng thực tế tại thời điểm này đã giảm giá rồi.
Còn thời gian tới như thế nào, tôi nghĩ, tùy thuộc vào sự phát triển thị trường BĐS và sức chịu đựng của từng doanh nghiệp.
- Năm 2011, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng “chết lâm sàng”, không tuyên bố phá sản nhưng hoạt động kinh doanh lỗ nặng. Điều này dự báo còn tiếp diễn. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về thực trạng này?
- Tôi cho rằng, doanh nghiệp phải chịu quy luật phát triển. Có đăng ký mới thì cũng có phá sản. Thí dụ như Nhật Bản, cuối năm, hàng vạn doanh nghiệp phá sản. Có cả những doanh nghiệp lớn, nổi tiếng như hãng hàng không của Hoa Kỳ cũng khốn đốn.
Kinh nghiệm hàng trăm năm mà còn thế, nên theo tôi, phá sản là chuyện bình thường. Nhưng phá sản nhiều hay ít là điều cần phải lưu ý. Trong bối cảnh khó khăn, nếu không có giải pháp thì nhiều doanh nghiệp còn phá sản, dù không ai muốn. Đây thuộc về trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Chính phủ.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải tái cấu trúc, trước hết về sản phẩm rồi đến công nghệ, vốn để có thể đứng vững trong thị trường đầy khắc nghiệt như hiện nay.
- Việc tái cấu trúc đối với các doanh nghiệp BĐS sẽ như thế nào, thưa ông?
Năm 2012 Chính phủ tiếp tục thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội. Bối cảnh chung khó khăn sẽ chưa hết, đặc biệt là tác động của cuộc suy thoái kinh tế thế giới cũng như những yếu kém nội tại của nước ta. Vì vậy Chính phủ không đặt mục tiêu tăng trưởng cao, tức ưu tiên kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng hợp lý. Điều này sẽ tác động mạnh đến thị trường BĐS. Hiện nay thị trường BĐS đang gặp khó khăn thì năm 2012 vẫn tiếp tục khó khăn, ít nhất trong 6 tháng đầu năm. Doanh nghiệp cần nắm bắt thời thế để ứng xử phù hợp. |
- Doanh nghiệp phải tái cấu trúc, tuy nhiên trước khi tái cấu trúc phải xác định được mục tiêu, chiến lược phát triển và vốn, công nghệ.
Bộ Xây dựng sẽ tạo ra hành lang pháp lý giúp các doanh nghiệp hoạt động, có đủ khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp phải chủ động trong việc tái cấu trúc để tồn tại, đứng vững và cạnh tranh.
- Xin Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình về nhận định chính sách nhà ở xã hội đã thất bại?
- Nhà ở xã hội giai đoạn vừa rồi làm để rút kinh nghiệm, nay đã có chiến lược, mục tiêu, giải pháp. Bộ khẳng định, phát triển nhà ở trong giai đoạn vừa qua được nhiều hơn mất, đã tạo ra cơ sở vật chất, nhà ở, việc làm, kinh nghiệm... Thời gian tới, chiến lược phát triển nhà ở đã chỉ rõ trách nhiệm các bộ, ngành.
Bộ Xây dựng đưa ra chính sách, có đi vào đời sống hay không phải có sự hưởng ứng của các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, sẽ phải hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến nhà ở. Không thể nói miệng; hai là phải làm tốt công tác quy hoạch.
Trước đây quy hoạch chỉ tô màu nhà ở, không quy hoạch rõ. Tới đây, trong quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết phải xác định rõ chỗ đó là đất nhà ở xã hội, không được sử dụng vào mục đích khác. Và kèm theo phải có các cơ chế, chính sách để thực hiện. Bộ Xây dựng phải đề ra chính sách trình Chính phủ, Quốc hội thông qua.
Trong quá trình xây dựng nhà ở xã hội phải có chính sách huy động vốn đầu tư. Vốn ngân sách có thể mua lại nhà các doanh nghiệp làm, hoặc bằng hình thức BT (đổi đất lấy công trình).
![]() |
Quận 1, TPHCM hôm nay. |
- Nhiều người vẫn đặt câu hỏi về việc Hà Nội phê duyệt quá nhiều dự án trong thời gian qua, liệu có phục vụ cho nhóm lợi ích?
- Bộ Xây dựng đang soạn thảo Nghị định quản lý đô thị. Đây không phải lỗi của địa phương. Trong quá trình xây dựng có cái không phù hợp thì phải điều chỉnh. Trước đây phát triển đô thị cứ thấy có đất là làm dự án mà không căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch phát triển nên dẫn đến tình trạng hiện nay.
Vấn đề này được thể hiện trong chỉ thị của Thủ tướng vừa rồi. Sẽ có dự án cho dừng, dự án cho tiếp tục, dự án cơ cấu lại. Cũng may các dự án chưa làm nhiều nên còn có cơ hội sửa.
- Xin cảm ơn Bộ trưởng.