Bên nhau những ngày bình yên

(ĐTTCO) - Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh năm nay kéo dài 4 ngày, con hẻm nhỏ chẳng thấy ai về quê hay đi du lịch xa, mọi người ở lại, ngồi với nhau để kể về những ngày đã qua trong niềm vui của hiện tại, khi xóm nhỏ hầu hết đều bình an sau đại dịch.

1. Trưa 2-9, xóm nhỏ bữa nay .“họp” tổ dân phố ở nhà cô Nguyễn Thị Hoàng (55 tuổi, ngụ hẻm số 1, quốc lộ 50, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM), trên bàn đã có sẵn bánh trung thu, mấy bình trà, nước ngọt và trái cây, chỉ còn chờ vài món sau bếp là nhập tiệc. Từ đầu con hẻm, cờ Tổ quốc đã được treo từ nhiều ngày trước. Còn phía bên trong là cả một con hẻm cờ từ các cổng nhà dân… 

Bên nhau những ngày bình yên ảnh 1Nghi lễ thượng cờ cấp quốc gia chào mừng Quốc khánh 2-9 tại quảng trường Ba Bình, Hà Nội. Ảnh: VIỆT CHUNG

“Nói tiệc tùng cho sang vậy thôi, nay lễ mọi người được nghỉ nên cùng kéo qua nhà để nấu nướng, nhà rộng rãi mà chị nấu ăn cũng ngon nhất xóm. Nhớ năm rồi tầm này, chỉ ở yên trong nhà thôi. Năm nay thì ngon lành, ai muốn đi chợ, mua sắm hay du lịch gì đều thoải mái. Đợt đó, trong xóm nhiều người mắc Covid-19 lắm, cũng có người hậu Covid-19 khá nặng, nhưng may mắn là không có ai mất. Bữa nay, mấy anh chị em trong xóm xúm nhau nấu một bữa, cũng coi như ăn mừng qua một năm dịch giã”, cô Trần Thị Thượng (53 tuổi, ngụ hẻm số 1, quốc lộ 50, xã Bình Hưng) chia sẻ.

Gần một nửa gia đình trong xóm là lao động nhập cư, 4 ngày lễ vẫn chọn ở lại thành phố. Anh Nguyễn Văn Tú (40 tuổi) cũng ngụ ở hẻm số 1 nói trên, kể: “Dưới quê tôi cũng chỉ còn một vài bà con thôi, nên năm nay ở lại thành phố nghỉ lễ với xóm mình. Một năm gian nan qua, bà con trong xóm cũng đùm bọc nhau những ngày giãn cách, nay làm bữa tiệc như ăn mừng sẵn dịp sắp tới trung thu nữa, còn vui gì bằng khi đủ mặt người quen trong xóm với nhau”.

Không may mắn như xóm nhà anh Tú, trong xóm nhà chị Hồng Diễm (37 tuổi, ngụ phường 6, quận 8) có 3 người mất trong đại dịch vừa qua. Nghỉ lễ đợt này cũng là dịp mọi người nhìn lại những ngày gian nan. Chị Diễm kể: “Tôi mới đem hộp bánh trung thu sang nhà cô Bảy hàng xóm, trước là thắp nhang cho chú mất hồi dịch năm rồi, sau để có cái cho mấy đứa nhỏ trong nhà cô có miếng bánh vui ngày đoàn viên. Trung thu năm rồi, trong nhà có đủ nhu yếu phẩm là mừng, năm này thuận tiện đi lại, mình còn trẻ còn đi làm thì chia sẻ chút bánh với mọi người xung quanh, để dịp nghỉ lễ này ai cũng có chút niềm vui”.

2. Từng là tâm dịch trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, nhiều nơi ở TPHCM khó mà may mắn trọn vẹn như con hẻm nhỏ nhà cô Thượng hay anh Tú. Lễ Quốc khánh 2-9 năm nay, cũng là dịp tròn 1 năm TPHCM trải qua những ngày tháng căng thẳng, mất mát nhất do dịch Covid-19 gây ra. Do đó, thay vì tổ chức bắn pháo hoa, TPHCM tập trung các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho người dân.

Giây phút khinh khí cầu kéo đại kỳ bay trên bầu trời thành phố sáng 2-9, nhiều người dân hào hứng đón xem. Cùng nhóm bạn đến từ Pháp chụp hình làm kỷ niệm, Lê Nguyễn Thiên Ân (28 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ: “Hai năm rồi dịch bệnh, tôi và nhóm bạn du học sinh ở Pháp đâu có dịp thăm nhau. Nhân lễ Quốc khánh này, nhóm bạn sang thăm tôi và tìm hiểu văn hóa Việt Nam, sáng giờ cả nhóm tranh thủ ra đây sớm để chờ khinh khí cầu và chụp hình lưu niệm”.

Nhịp sống năng động, nhộn nhịp trên từng góc phố, con đường trở thành bản sắc của thành phố trẻ, mà bất kể ngày hay đêm, người ta luôn tìm thấy những góc nhỏ cho riêng mình… Sự trở lại của những hoạt động ngoài trời ở nhiều không gian văn hóa công cộng trong thành phố, thu hút nhiều người dân tham dự. “Cũng tầm này năm ngoái, mình chỉ ở yên trong nhà mong dịch bệnh nhanh được kiểm soát để còn đi học, đi làm. Năm nay, cả nhóm bạn kéo nhau đi mua sắm, ăn uống từ sáng, rồi bây giờ ra coi hòa nhạc ở trước sảnh Nhà hát Thành phố. Dù gu của tụi mình là nhạc trẻ nhưng vẫn nán lại xem chương trình, vì không khí ngoài phố vui lắm”, Nguyễn Phan Thanh Yên (25 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) chia sẻ. Còn Đặng Ngọc Châu (29 tuổi, ngụ quận 4) chọn góc cà phê từ chung cư Nguyễn Huệ nhìn xuống phố, bày tỏ: “Ở thành phố mình chỉ cần bước ra đường, nhìn mọi người rộn ràng ra phố cũng đủ nhộn nhịp và vui rồi, không cần phải đi đâu xa”.

Một năm qua, có nhiều điều để kể lại cho những ngày về sau. Sau một trận đại dịch nặng nề, các hoạt động kỷ niệm lễ lạt được gói gọn hơn, nhưng đâu đó, nụ cười, niềm vui hẳn tươi tắn hơn, khi mọi người còn bên nhau trong những giây phút bình yên của hiện tại, cảm nhận nhịp sống thân quen, nhộn nhịp trên từng ngả đường.

Khác với cảnh hối hả, ùn tắc của các cửa ngõ ra vào Hà Nội trong những ngày đầu của kỳ nghỉ lễ kéo dài, ngày 2-9, thời tiết thủ đô mát dịu, trong trẻo, bình yên. Ngay từ sớm, rất đông người dân Hà Nội và du khách đã có mặt tại khu vực Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, để cùng cảm nhận không khí của ngày Quốc khánh 2-9, thực hiện nghi lễ chào cờ và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong ngày Tết Độc lập, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được mở cửa sớm hơn thường lệ. Từ sáng sớm, hàng ngàn người dân đã xếp hàng dài ngay ngắn vào Lăng viếng Bác. Theo ước tính của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, có khoảng 30.000 người từ khắp mọi vùng miền của Tổ quốc đã về đây để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng đối với vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc vào đúng ngày Quốc khánh và cũng là 53 năm ngày Người đi xa.

Hòa trong không khí náo nức của ngày Tết Độc lập, tại nhiều điểm công cộng như công viên Thủ Lệ, phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, trung tâm phố cổ, các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí trong ngày này cũng nườm nượp khách ngay từ sáng sớm. Hiện tượng quá tải cũng xuất hiện ở trong một vài giờ cao điểm song không xảy ra ùn tắc lớn.


Sáng 2-9, hàng ngàn người dân TPHCM và du khách đổ về khu vực đầu hầm vượt sông Sài Gòn (phía TP Thủ Đức) xem thả khinh khí cầu mừng ngày Quốc khánh. Khu vực công viên bến Bạch Đằng, quán cà phê cạnh bến tàu thủy nội đô - Saigon Waterbus, cũng chật kín người đến xem thả khinh khí cầu từ phía bờ quận 1 của sông Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức thả khinh khí cầu kéo đại kỳ lớn 1.800m2 lên nền trời chào mừng ngày Quốc khánh. 2 khinh khí cầu lớn kéo đại kỳ được thả lên cùng lúc với 8 khinh khí cầu nhỏ, tạo ra một không gian hoành tráng, ấn tượng trong ngày lễ lớn của dân tộc.

Cách đó không xa, chương trình hòa nhạc “Giai điệu Volvo” trình diễn ngay sảnh Nhà hát Thành phố, khán giả đứng lại xem rất đông. Là buổi hòa nhạc giới thiệu các tác phẩm âm nhạc cổ điển Bắc Âu, nhưng “Giai điệu Volvo” vẫn có một không gian rất Việt Nam khi các ca khúc Lá cờ Tháng Tám, Giai điệu tự hào, Khúc khải hoàn... vang lên thật tự hào!

Các tin khác