Theo TS.BS Trần Chí Cường, nếu như người dân (trên 40 tuổi) đã có ý thức và chủ động trong việc tầm soát phòng ngừa các yếu tố nguy cơ của đột quỵ thì đáng báo động là lượng bệnh nhân trẻ đột quỵ cấp ngày càng có xu hướng tăng, phần lớn do chủ quan và nghĩ rằng còn trẻ sẽ không bị đột quỵ, nhưng đây là căn bệnh không loại trừ bất kỳ ai, kể cả người trẻ và trẻ em.
Thống kê của S.I.S Cần Thơ cho thấy, số lượng bệnh nhân đột quỵ mới trong quý 1-2022 ở ĐBSCL đến khám tại bệnh viện là 1.243 bệnh nhân, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bệnh nhân trẻ bị đột quỵ chiếm hơn 5%.
Mặc dù bệnh đột quỵ có xu hướng tăng, nhưng một số yếu tố nguy cơ có thể phòng ngừa đột quỵ từ sớm thông qua việc tầm soát đột quỵ phát hiện được như tăng huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu cao, các bệnh lý về hệ thống mạch máu não; đồng thời là hạn chế sử dụng thuốc lá, rượu bia…
Sau 3 năm hoạt động, S.I.S Cần Thơ đã khám, điều trị cho hơn 238.000 lượt bệnh nhân, trong đó có gần 100.000 lượt bệnh nhân đến khám, điều trị vì đột quỵ. Thống kế cho thấy, bệnh nhân đến cấp cứu đột quỵ trong thời gian vàng qua các năm chiếm trung bình 18%, lần lượt các năm 2019 chiếm 13%, 2020 chiếm 22%, 2021 chiếm 20%. Trong 4 tháng đầu năm 2022 tỷ lệ này vẫn duy trì 20%.
TS.BS Trần Chí Cường, cho biết: “Với lượng bệnh ngày càng tăng, mỗi phút đối với bệnh nhân đột quỵ cấp đều rất quý giá, chính vì lẽ đó, bệnh viện đã không ngừng đầu tư các trang thiết bị tốt nhất. Bệnh viện đã trang bị 3 máy MRI 3 Tesla, cũng như 3 máy DSA nhằm đáp ứng kịp thời cho việc can thiệp, phẫu thuật, thủ thuật, đảm bảo bệnh nhân luôn được cấp cứu, điều trị sớm nhất, giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân chỉ vì không được can thiệp kịp thời”.